Cùng sống xanh số 42: Nuôi ruồi lính đen không chỉ làm sạch nhà phố mà còn nuôi được thú cưng
Khi làm quản trị trang trồng rau sạch bằng phương pháp thủy canh, anh Nguyễn Ngọc Anh Huỳnh ở Phường 15, quận Bình Thạnh, TP.HCM tiếp cận được nguồn tài liệu về con ruồi lính đen. Thấy được lợi ích của việc nuôi ruồi lính đen sẽ giải quyết nguồn thức ăn sạch và chủ động cho số cá, tôm kiểng mà anh Huỳnh đang nuôi vừa để chơi vừa kinh doanh nên anh Huỳnh quyết định mua ruồi lính đen về nuôi.
Ban đầu anh Huỳnh bày ra nuôi bị hàng xóm…đi báo phường vì nó gây mùi hôi. Cán bộ phường mời anh lên làm việc. Anh đem ý tưởng muốn nghiên cứu mô hình nuôi ruồi lính đen để giải quyết rác cho thành phố kèm theo các tài liệu đã được nước ngoài kiểm chứng. Câu chuyện của anh gặp ngay anh cán bộ phường có kiến thức về ruồi lính đen nên không phạt mà khuyên anh về xử lý mùi hôi, tránh phiền cho hàng xóm.
Anh Huỳnh lại đi tìm chuyên gia học cách xử lý mùi hôi.
“Con ruồi lính đen ở ngoài tự nhiên rất khỏe và dễ sống. Có đợt tự nhiên nguyên đàn ruồi lăn đùng ra chết hết cả ấu trùng. Tôi ngồi suy nghĩ thì ra, trước đó hai, ba ngày ở phường có phun thuốc trừ muỗi, nó dính nó chết hết. Thêm một lần nữa là hồi xưa chạy ra chợ xin vỏ trái cây cho ấu trùng ăn. Thuốc bảo vệ thực vật quá nhiều còn bám trên đó mình mang về cho ấu trùng ăn nó chết sạch luôn. Bữa nào mà ăn rau củ mà bỏ vô mà thấy mấy em lăn ra chết là thấy bữa khác là không dám đi mua rau chỗ đó nữa”.
Khi mới nuôi là mùa nắng nên khá ổn. Tới mùa mưa, anh Huỳnh vừa cho ruồi ăn rác hữu cơ, vừa xin bã đậu về cho ăn. Hôm đó, TP.HCM có mưa lớn. Nước tạt vào thùng nuôi ấu trùng bò lan đầy trên sân thượng. Gần 12 giờ khuya, mẹ của anh Huỳnh phát hiện ra, “Mẹ la lên là tôi chạy lên trển, đi quét bắt từng con, từng con”. Sau đó anh Huỳnh thức trắng nhiều đêm nghĩ ra cách đặt bẫy trong hệ thống và làm mái hiên che để ngăn nước tạt vào.
Thành công rồi thì hệ thống hoàn toàn tự động. Bỏ rác vô, ấu trùng ăn rồi ấu trùng tự bò ra ngoài hũ để đem cho gà, cá ăn; dịch của ấu trùng chảy xuống hũ đựng đem bón cho cây. Mô hình này tuần hoàn khép kín, người nuôi bỏ rác nhà bếp vô cho ấu trùng ăn, ấu trùng lớn sẽ đi ra ngoài cái hũ riêng. Người nuôi lấy ấu trùng đã đóng kén bỏ vào hệ thống cho nó biến thành con ruồi. Con ruồi sống ở trong cái hệ thống đó, nó cần nắng và nước để uống và giao phối xong đẻ trứng, nở ra ấu trùng.
Nhờ mô hình này mà người đổ rác của thành phố sẽ nhẹ việc hơn. Nhà anh Huỳnh dành 1 mét vuông nuôi ruồi lính đen thì 2 năm nay, mỗi ngày tiêu thụ khoảng 3kg rác thải hữu cơ của gia đình anh và 2 hộ dân hàng xóm nữa. Anh Huỳnh hào hứng: “Thay vì mình phải đem rác đi bỏ thì nó sẽ biến thành tài nguyên. Mình nuôi được con gà, con chim, con cá, con tôm,…các loại con kiểng ăn ấu trùng, khỏi phải ra ngoài mua; rồi mình cũng có một lượng phân để bón cho rau, hoa màu. Nếu không trồng rau thì có thể trồng cây kiểng ở sân thượng. Nói chung con này mười phần là thu hoạch hết mười phần, không bỏ cái gì hết, chỉ làm cái thùng 60cm x 40cm với một cái chuồng ở trên và cặp ke cỡ 500.000 – 600.000 đồng và mua đúng 1 lần tới nay là gần 2 năm rồi không phải mua thêm giống mới”.
Anh Huỳnh cũng định đăng ký sở hữu trí tuệ về giải pháp hữu ích đối với mô hình nuôi ruồi lính đen trong nhà phố để xử lý rác thải và nuôi thú cưng nhưng nhận thấy là cũng chẳng để làm gì nên anh quyết định đem giải pháp mình nghiên cứu được đi chia sẻ cho bạn bè, hàng xóm để góp phần vào bảo vệ môi trường thành phố.
Ông Nguyễn Văn Dũng, chuyên gia Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ nhận xét: “Tôi thấy mô hình nuôi ruồi lính đen là khá mới và đặc biệt là nó liên quan đến việc xử lý rác thải hữu cơ cho người dân. Tôi có tìm hiểu thì nó có hiệu quả kinh tế khá cao, vì thứ nhất nó xử lý được rác thải tồn đọng ở trong các hộ dân sau khi được lọc và con ruồi sẽ ăn hết rác thải đấy. Ngoài ra, trong quá trình nuôi, ấu trùng của ruồi lính đen có thể biến thành thức ăn cho các loài sinh vật khác. Tôi nghĩ rằng mô hình này hoàn toàn có thể thử nghiệm được ở các thành phố lớn bởi vì lượng rác thải hữu cơ từ các hộ gia đình hằng ngày rất nhiều. Đặc biệt mô hình này có thể bắt đầu từ những quy mô nhỏ cho nên hoàn toàn phù hợp”.
Tuy nhiên, để nó có thể phát triển được rộng rãi, ông Dũng cho rằng cần có những bước đi an toàn hơn. Đó là phải đảm bảo yêu cầu về vệ sinh an toàn và người nuôi phải am hiểu về quy trình kỹ thuật để đảm bảo rằng ấu trùng khi biến thành thức ăn thì các vật nuôi không bị ảnh hưởng. “Nếu như xử lý được những rủi ro đó thì tôi thấy rằng việc nhân bản mô hình này là phù hợp với các đô thị lớn và hoàn toàn khả thi”.