Phát biểu tại hội thảo “ESG trong ngành ngân hàng thực thi để dẫn đầu” do Báo Đầu tư tổ chức sáng 19/11, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh rằng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu và là mục tiêu của mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trước thách thức lớn về môi trường, xã hội ảnh hưởng tới kinh tế và đời sống người dân, Việt Nam đã chủ động thực hiện các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường, chuyển đổi xanh và giảm phát thải.
Ngân hàng tiên phong trong ESG
Theo Phó Thống đốc, tăng trưởng bền vững là yếu tố then chốt nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập. Bộ tiêu chuẩn ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) là thước đo đánh giá sự phát triển bền vững, giúp doanh nghiệp đáp ứng xu thế và thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Với ngành ngân hàng, áp dụng ESG đòi hỏi các tổ chức tín dụng (TCTD) tuân thủ và cập nhật các quy định mới nhằm thể hiện trách nhiệm với môi trường và xã hội. Việc áp dụng ESG còn giúp TCTD tăng uy tín qua công khai minh bạch về quản trị, môi trường và xã hội, đồng thời cải thiện quản trị rủi ro, nâng cao chất lượng hoạt động và lợi nhuận. ESG không chỉ là công cụ quản trị mà còn mở ra cơ hội tiếp nhận vốn, hỗ trợ từ các tổ chức tài chính quốc tế và phát triển sản phẩm tín dụng mới.
Dưới sự định hướng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các TCTD đã tích cực lồng ghép yếu tố môi trường, xã hội vào chiến lược và mô hình kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh và bền vững.
Kết quả triển khai ESG thể hiện rõ nét qua tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh, khi đến 30/9/2024, tỷ trọng dư nợ rủi ro môi trường và xã hội của ngành ngân hàng đạt hơn 3,2 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 22% tổng dư nợ, tăng 15,62% so với cuối 2023, vượt tốc độ tăng trưởng tín dụng chung.
Bên cạnh đó, ông Tú lưu ý rằng chúng ta đang ở trong giai đoạn chuyển đổi, đòi hỏi sự nhận thức nhanh nhạy và hành động khẩn trương. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng cơ chế quản lý vận hành nền kinh tế, cũng như thói quen và tập quán lâu đời của các doanh nghiệp tại Việt Nam, chịu ảnh hưởng từ hàng nghìn năm lịch sử phong kiến, nền nông nghiệp lúa nước. Do đó, việc chuyển đổi sang nền kinh tế phát triển trong bối cảnh công nghiệp và công nghệ số bùng nổ, đồng thời phải đảm bảo ba yếu tố quan trọng là E (Môi trường), S (Xã hội) và G (Quản trị), thực sự là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp.
“Đặc biệt, với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực tài chính và trình độ quản lý còn hạn chế, những vấn đề liên quan đến ESG càng trở nên khó khăn. Thậm chí, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp còn chưa nắm rõ khái niệm ESG, không biết ESG là gì”, ông Tú nêu thực tế.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để cả nền kinh tế và phần lớn các doanh nghiệp có thể thực hành ESG một cách đồng bộ?
Câu chuyện của chúng ta là làm thế nào để cả nền kinh tế và hầu hết các doanh nghiệp thực hành ESG một cách đồng bộ. Đó là vấn đề lớn, chứ không đơn giản. Do đó, trong các cuộc họp xây dựng chiến lược, giải pháp của chính phủ rất đúng, rất chúng, rất rõ ràng,… nhưng câu chuyện thực hành, triển khai và đưa vào cuộc sống như thế nào để người dân, doanh nghiệp nhận thức được điều đó không phải đơn giản.
Đối với ngành ngân hàng, trả lời cho câu hỏi tại sao ngân hàng phải đi đầu trong ESG?, theo ông Tú, định hướng dòng vốn đầu tư vào các hoạt động bền vững là cách để giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và từ đó nền kinh tế cũng trở nên bền vững hơn. Ngân hàng cần dẫn dắt quá trình này, để đảm bảo rằng các lĩnh vực cần chuyển đổi xanh, bảo vệ môi trường và nâng cao kinh tế có nguồn lực đầu tư thích đáng.
Ngân hàng “ngóng” tiêu chí môi trường và Danh mục dự án xanh
Chia sẻ tại phần thảo luận, bà Nguyễn Thùy Dương, Chủ tịch EY Việt Nam cho hay: Thủ tướng Chính phủ hiện nay vẫn chưa phê chuẩn danh mục xanh, trong khi các ngân hàng thực sự là những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực này. Các ngân hàng đã dành nguồn lực đáng kể, từ con người đến tài chính, để đi đầu trong việc triển khai các tiêu chuẩn ESG. Thậm chí, một số ngân hàng không ngại chi phí, thuê các đơn vị chuyên môn để phát hành báo cáo minh bạch và thực hiện kiểm toán theo các chuẩn mực ESG.
“Điều đó cho thấy họ là những người tiên phong sẵn sàng chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn để hướng đến mục tiêu dài hạn”, bà Dương nhấn mạnh.
Bản chất hoạt động của ngân hàng là huy động vốn và cho vay, vì vậy họ phải cân bằng ba lợi ích: tuân thủ các quy định và chỉ tiêu an toàn của Ngân hàng Nhà nước, đảm bảo lợi ích cho cổ đông, và giữ lại một phần vốn để đầu tư dài hạn. Việc cân đối giữa lợi ích ngắn hạn và dài hạn là thách thức lớn nhất mà ngân hàng phải đối mặt, bởi đây là một nhiệm vụ phức tạp đòi hỏi sự tính toán cẩn thận và chiến lược rõ ràng.
Mặc dù có nhiều nỗ lực, song đến nay tỷ trọng tín dụng xanh trong tổng dư nợ toàn ngành còn thấp. Cụ thể, đến 30/9/2024, dư nợ tín dụng xanh chiếm tỷ trọng trên 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm hơn 43%) và nông nghiệp xanh (trên 30%). Các TCTD đã tăng cường quản lý rủi ro về môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt 3,28 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 22,33%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế, tăng 15,62% so với cuối năm 2023.
Bà Hà Thu Giang – Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế cho hay, để thúc đẩy thực hành ESG, bên cạnh những nỗ lực của ngành ngân hàng trong việc thúc đẩy thực hành ESG, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ các dự án thân thiện với môi trường, mở rộng và khơi thông nguồn vốn tín dụng cho các lĩnh vực xanh đòi hỏi sự phối, kết hợp từ nhiều bộ, ngành, các đơn vị liên quan.
Cụ thể, cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về môi trường, xã hội của các dự án đầu tư theo hướng cập nhật, dễ dàng tiếp cận, làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng có thể tra cứu thông tin để đánh giá về môi trường, xã hội.
Ngân hàng Nhà nước cũng kiến nghị phải hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp trong việc thực thi ESG, dần tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế. Xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ các ngành xanh (thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển…) của từng ngành/lĩnh vực một cách đồng bộ, thúc đẩy thực hành ESG, đồng thời thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng xanh.
Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về tiêu chí môi trường đối với dự án đầu tư được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng căn cứ lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trường Đào tạo Cán bộ Agribank, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo ESG của Agribank, khẳng định với vai trò chủ lực cung ứng vốn và dịch vụ tài chính cho nông nghiệp, nông thôn, Agribank cam kết thực hiện tiêu chí môi trường đồng bộ trong mọi hoạt động, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong cấp tín dụng. Agribank tiên phong với nhiều chương trình bảo vệ môi trường gắn với thông điệp “Vì tương lai xanh,” điển hình như trồng “Một triệu cây xanh,” tham gia chương trình “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon” do Chính phủ và Liên Hợp Quốc phát động, cùng sử dụng vật liệu thân thiện môi trường.
Agribank chủ động tổ chức và tham gia các hoạt động nghiên cứu, hội thảo, làm việc với tổ chức quốc tế, Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu (EuroCham), cơ quan thông tin và chính trị – xã hội để học tập kinh nghiệm về ESG, tín dụng xanh. Đồng thời, toàn thể người lao động Agribank đồng hành hiện thực hóa mục tiêu xây dựng “Ngân hàng xanh” với các sáng kiến như tiết kiệm năng lượng, vận hành Văn phòng điện tử iOffice, tận dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Quốc tế tại SHB, cho biết ngân hàng xác định sứ mệnh đồng hành cùng sự phát triển toàn diện của quốc gia, giảm thiểu tác động môi trường và tạo ra giá trị bền vững cho cộng đồng. SHB cam kết phát triển bền vững không chỉ qua khẩu hiệu mà bằng những hành động cụ thể. Với tầm nhìn dài hạn, SHB cung cấp các giải pháp tài chính toàn diện, hỗ trợ khách hàng và cộng đồng hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời quản lý hiệu quả rủi ro môi trường và xã hội. Đảm nhận vai trò kênh dẫn vốn cho nền kinh tế, SHB tập trung nguồn tín dụng vào các ngành nghề và dự án phát triển kinh tế xanh, bảo vệ môi trường, với tỷ trọng dư nợ cho lĩnh vực xanh chiếm gần 10% tổng dư nợ. Ngân hàng cũng áp dụng quản trị minh bạch và có trách nhiệm theo tiêu chuẩn quốc tế.