Ngân hàng cho vay đì đẹt, tiền gửi tăng mạnh
Tính đến hết tháng 8/2024, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 14,5 triệu tỷ đồng, tăng hơn 1 triệu tỷ đồng, tương ứng tăng 7,31% so với cuối năm 2023
So với cùng kỳ năm trước, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 16%, tương ứng tăng 1,9 triệu tỷ đồng.
Cụ thể, theo thống kê từ NHNN, tính đến hết tháng 8/2024, tín dụng đối với các lĩnh vực từ nông nghiệp, công nghiệp, hoạt động thương mại, vận tải và viễn thông… đều tăng trưởng so với cuối năm 2023.
Trong đó, hoạt động thương mại, vận tải và viễn thông có mức tăng mạnh nhất là 7,4%, đạt hơn 4 triệu tỷ đồng, bao gồm: thương mại tăng 7,55% lên 3,7 triệu tỷ đồng; vận tải và viễn thông tăng 5,77% lên 335.872 tỷ đồng.
Xếp sau đó là lĩnh vực công nghiệp và xây dựng với dư nợ 3,7 triệu tỷ đồng, tăng 7,23% so với cuối năm trước; các hoạt động dịch vụ khác tăng 7,88% lên 5,8 triệu tỷ đồng.
Cuối cùng là nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,13% lên 991.719 tỷ đồng.
Tăng trưởng tín dụng của Việt Nam có đặc thù vốn dựa vào hệ thống ngân hàng rất nhiều. Dẫn đến có giai đoạn tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống bình quân tăng trên 30%, thậm chí có năm tăng hơn 50%. Qua đó, dẫn đến hệ lụy, rủi ro đối với hệ thống ngân hàng và có ngân hàng yếu kém khi huy động vốn ngắn hạn lại cho vay trung – dài hạn. NHNN đã áp dụng hạn mức tín dụng để điều hành. Khi NHNN phân bổ, thông báo hạn mức tín dụng cho TCTD đều phải đánh giá trên cơ sở xếp hạng các TCTD và khả năng mở rộng tín dụng của các TCTD; thường xuyên giám sát, cảnh báo TCTD có tăng trưởng tín dụng cao và tiềm ẩn rủi ro.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng
Tiền gửi tiết kiệm chảy vào ngân hàng gần 3.000 tỷ đồng/ngày
Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tổng số tiền gửi tiết kiệm của dân cư tính đến cuối tháng 8/2024 đạt hơn 6,9 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2023. Xét riêng tháng 8, số tiền gửi mới tăng thêm 86.475 tỷ đồng, tương ứng trung bình mỗi ngày, người dân gửi khoảng 2.882 tỷ đồng vào ngân hàng.
Trong khi đó, số tiền gửi từ các tổ chức kinh tế giảm nhẹ. Đến cuối tháng 8, thống kê từ nhà điều hành cho thấy, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng, giảm 0,05% so với cuối năm trước.
Như vậy, tổng tiền gửi toàn hệ thống bao gồm dân cư và tổ chức kinh tế đạt hơn 13,76 triệu tỷ đồng.
Tại cuộc họp báo thường kỳ về hoạt động ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước vừa tổ chức, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, cho biết tổng tiền gửi tính đến cuối tháng 10 ước đạt 14,5 triệu tỷ đồng.
Các chuyên gia tài chính cho rằng, việc tiền gửi ngân hàng tăng mạnh phần lớn do người dân tìm kiếm kênh đầu tư an toàn trong bối cảnh các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, vàng… còn nhiều rủi ro, chưa thực sự thu hút…
Bên cạnh đó, sau đại dịch Covid-19, nhiều người dân lựa chọn thắt chặt chi tiêu, tăng cường tiết kiệm. Một nguyên nhân nữa được các chuyên gia điểm tên là các ngân hàng ngày càng đa dạng hóa sản phẩm, tạo ra nhiều lựa chọn hấp dẫn cho khách hàng và lãi suất huy động cũng có xu hướng tăng kể từ tháng 4.
Doanh nghiệp nào đang có nhiều tiền gửi ngân hàng nhất?
Dữ liệu tổng hợp báo cáo tài chính quý III/2024 cho thấy, Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV Gas; HoSE: GAS) là một trong những “ông vua” tiền gửi với gần 45.000 tỷ đồng. Trong đó: 1.634 tỷ đồng là tiền gửi không kỳ hạn; 10.439 tỷ đồng là tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn không quá 3 tháng và 32.721 tỷ đồng là tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn từ 3-12 tháng.
Số tiền gửi của PV GAS tương ứng 49% tổng tài sản. Qua đó, 9 tháng đầu năm, PV GAS thu về 1.125 tỷ đồng từ lãi tiền gửi…
“Đại gia” ngành dầu khí – CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (HoSE: BSR) cũng là một trong những doanh nghiệp có lượng tiền gửi “khổng lồ” lên đến 44.280 tỷ đồng. Trong đó: 423 tỷ đồng là tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn; 29.725 tỷ đồng là tiền gửi có kỳ hạn gốc không quá 3 tháng tại các ngân hàng thương mại và 14.122 tỷ đồng là tiền gửi có kỳ hạn.
Tương tự như PV GAS, Lọc hóa dầu Bình Sơn cũng thu về 927 tỷ đồng lãi tiền gửi ngân hàng, đóng góp đáng kể cho tổng doanh thu.
CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) cũng là một trong những doanh nghiệp có lượng tiền gửi lên đến gần 20.000 tỷ đồng, bao gồm: 2.771 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng; 6.468 tỷ đồng là tiền gửi có kỳ hạn; 10.013 tỷ đồng là tiền gửi có kỳ hạn từ 3 – 12 tháng tháng.
Ngoài ra, doanh nghiệp của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài còn có 11.535 tỷ đồng là các khoản đầu tư khác ngắn hạn, thể hiện các khoản trái phiếu và các khoản đầu tư khác có kỳ hạn dưới 1 năm.
9 tháng đầu năm, doanh thu hoạt động tài chính của Thế Giới Di Động đạt 1.740 tỷ đồng, trong đó lãi tiền gửi ghi nhận 1.163 tỷ đồng, tương ứng 67% tổng doanh thu tài chính.
Ngoài những doanh nghiệp nêu trên, còn hàng loạt doanh nghiệp khác ghi nhận lượng tiền gửi ở mức hàng chục nghìn tỷ như: Hòa Phát, Vinamilk, Masan, Hóa chất Đức Giang,..