Khảo sát của Viện Chiến lược Ngân hàng vào tháng 6/2023 cho biết, dư nợ tín dụng của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch còn hạn chế (chỉ chiếm khoảng 3% dư nợ tín dụng ngành nông nghiệp).
Tuy nhiên, con số này xuất phát từ một số nguyên nhân khách quan và chủ quan như: công tác quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn một số hạn chế, chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn;
Bên cạnh đó, người dân và các doanh nghiệp chưa thực sự sẵn sàng tham gia sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao một cách bài bản, chưa có phương án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiệu quả và phương án trả nợ vay chưa khả thi;…
Từ đó, các TCTD gặp khó khăn khi thẩm định và chấp nhận phương án vay vốn đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.
Về vấn đề này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đoàn Thái Sơn cho hay việc phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch ở nước ta còn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, có những tồn tại, bất cập, hạn chế cần tiếp tục được quan tâm giải quyết như: số lượng các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế; mẫu mã sản phẩm chưa đa dạng để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng; chi phí sản xuất giảm chậm, dẫn đến giá thành còn cao, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường trong nước và thế giới…
“Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn hoạt động đã khẳng định mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch đem lại hiệu quả kinh tế cao, là hướng đi tất yếu của nhiều quốc gia ở mọi trình độ phát triển trong tiến trình đổi mới, hướng tới một nền nông nghiệp bền vững”, ông Sơn nhấn mạnh.
Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn cho biết, trong thời gian tới NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, lãi suất linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, tạo điều kiện giảm lãi suất thị trường;
Nhà điều hành sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành, đơn vị liên quan hoàn thiện Báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Nghị định 116/2018/NĐ-CP, kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách cho phù hợp với thay đổi của thực tế. Qua đó, chỉ đạo các TCTD tiếp tục triển khai có hiệu quả chính sách cho vay NNƯDCNC theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Nghị định 116/2018/NĐ-CP và một số chương trình cho vay lĩnh vực lâm sản, thủy sản và phát triển bền vững;
Đối với các TCTD, Phó Thống đốc NHNN chỉ đạo các tổ chức cần chủ động cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn nói chung, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói riêng; đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ; đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân và doanh nghiệp.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng, quản lý dòng tiền để tăng cường khả năng cho vay không có tài sản bảo đảm nhằm tháo gỡ khó khăn về tài sản bảo đảm cho khách hàng, tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh.
Đại diện nhà điều hành cũng đề xuất Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, các địa phương rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 27/02/2023 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6//2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ngoài ra, NHNN đề xuất Chính phủ cần đẩy mạnh tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất trong nông nghiệp theo hướng bền vững, có chính sách khuyến khích, phát triển liên kết vùng, liên vùng; Quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp nhằm tận dụng lợi thế của từng vùng, địa phương; Thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn; phát triển thương mại điện tử; Tăng cường ứng dụng kinh tế chia sẻ trong nông nghiệp.
Đối với các bộ ngành, Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn đề xuất cần quy hoạch, đánh giá, dự báo về nhu cầu thị trường đối với sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao làm cơ sở định hướng phát triển nông nghiêp công nghệ cao như đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; Hoàn thiện đồng bộ các văn bản hướng dẫn Luật đất đai 2024,…
“Đặc biệt, các doanh nghiệp, hộ dân cần tiếp tục nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị kinh doanh, hướng tới sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao; Nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về chuyển đổi số; tăng cường ứng dụng công nghệ số tự động hóa vào các quy trình sản xuất, kinh doanh”, ông Sơn khuyến nghị.
Ngày 16/6/2022 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nêu rõ quan điểm: “Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản cả ở trong nước và ngoài nước; bảo đảm an toàn thực phẩm, an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn”.