Chuyển đổi “kép” cần nắm bắt kịp xu thế tiến bộ của thế giới
Sáng ngày 12/11, Báo Đầu tư tổ chức Hội thảo với chủ đề “Tiên phong Chuyển đổi kép vì một Việt Nam xanh hơn”. Tại đây, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, nhấn mạnh rằng Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 29 của các bên tham gia Công ước khung Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu sắp diễn ra tại Baku (Azerbaijan) sẽ tập trung vào tài chính khí hậu – một vấn đề quan trọng để hỗ trợ các quốc gia nghèo đối phó với biến đổi khí hậu.
Việt Nam đặt kỳ vọng cao vào hội nghị này, tiếp nối các cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ tại COP26 năm 2021 và COP28 năm 2023 về Net Zero và chuyển đổi năng lượng.
Đối với Việt Nam, chuyển đổi xanh và số hóa là chiến lược ưu tiên, giúp chuyển nền kinh tế từ nâu sang xanh và phát triển bền vững. Đồng hành với Chính phủ trong hành trình đó, không thể thiếu cánh tay đắc lực của cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam.
“Hai xu hướng chuyển đổi đổi số và chuyển đổi xanh hiện nay, hay còn gọi là chuyển đổi kép, đang mở ra cơ hội to lớn, tạo động lực mạnh mẽ cho Việt Nam, cũng như cộng đồng doanh nghiệp tiến hành chuyển đổi sang mô hình kinh doanh mang tính bền vững, nhưng cũng tạo ra nhiều thách thức về thể chế, tài chính, công nghệ…”, ông Minh đề cập.
Theo ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2023 cho thấy sự liên kết giữa công nghệ số và công nghệ xanh. Dựa trên những nghiên cứu, đánh giá sử dụng dữ liệu bằng sáng chế, 16 công nghệ xanh và 11 công nghệ số được lựa chọn là nền tảng cho chuyển đổi “kép”.
Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi “kép”, ông Việt Anh khuyến nghị chuyển đổi số, chuyển đổi xanh cần có sự gắn kết chặt chẽ, hữu cơ với nhau, đều dựa trên một nền tảng quan trọng là khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đi cùng với nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đồng thời, việc triển khai chuyển đổi “kép” cần có sự phối hợp chặt chẽ, toàn diện của tất cả các bên liên quan. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, tạo lập khung khổ thể chế chính sách, hỗ trợ ban đầu và cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò tiên phong, cốt lõi trong quá trình này, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn.
“Việc triển khai chuyển đổi “kép” cần nắm bắt kịp xu thế tiến bộ của thế giới, đặc biệt là các tiến bộ về khoa học, kỹ thuật, đổi mới sáng tạo. Do vậy, cần tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin.
Các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế lớn, doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cần phát huy vai trò dẫn dắt, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá trình chuyển đổi này”, ông Việt Anh nhấn mạnh.
Xu hướng thương mại và đầu tư toàn cầu không thể đảo ngược
Tại phần tọa đàm, TS Nguyễn Đình Thọ – Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, từ năm 1945 đến 1960, Việt Nam tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Kể từ năm 1960, trọng tâm chuyển sang các mục tiêu xã hội, bao gồm xóa đói giảm nghèo và phát triển toàn diện, bao trùm. Từ năm 1972, vấn đề môi trường đã được đặt ra trên toàn cầu.
Năm 1997, Nghị định thư Kyoto đánh dấu cam kết toàn cầu về giảm phát thải khí nhà kính và Việt Nam đã tham gia thực hiện cam kết này. Việt Nam đã đệ trình bản Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) đầu tiên vào năm 2015 với cam kết giảm 9% lượng phát thải nếu không có sự hỗ trợ từ quốc tế và 27% nếu có sự hỗ trợ quốc tế.
Tại COP 26 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Sau COP 26, Việt Nam đã nâng cam kết trong NDC lên 15,8% nếu không có hỗ trợ quốc tế và 43,5% nếu có sự hỗ trợ.
Hiện nay, Việt Nam đang chuẩn bị soạn thảo NDC lần thứ ba, dự kiến vào năm 2025, theo chu kỳ 5 năm một lần.
Câu hỏi đặt ra trong bối cảnh kinh tế chính trị toàn cầu được dự báo sẽ có nhiều biến động trong thời gian tới, liệu các cam kết về phát thải, phát triển bền vững toàn cầu có bị thay đổi hoặc đảo ngược hay không, đặc biệt là khi ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ?
Ông Thọ nhấn mạnh, Tổng thống Mỹ Donald Trump không phải là người tin vào biến đổi khí hậu, nhưng ông lưu ý rằng, chúng ta đang ở trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển mình sang cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 5 (công nghiệp xanh). Việt Nam đang chịu ảnh hưởng lớn từ cuộc chơi thương mại và đầu tư toàn cầu, cho nên chúng ta phải có cách nhìn và cách tiếp cận không phụ thuộc vào nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ.
“Chúng ta không thể đảo ngược xu hướng thương mại và đầu tư toàn cầu. Bởi, hiện nay Liên minh châu Âu đã ban hành các quy định bắt buộc về báo cáo phát triển bền vững cho tất cả các công ty niêm yết từ tháng 1/2023, và từ tháng 6/2024, các quốc gia thành viên EU chính thức thể chế hóa và áp dụng quy định này trong luật pháp của mình. Theo đó, tất cả các công ty niêm yết phải thực hiện báo cáo phát triển bền vững.
Việt Nam hiện đang hướng tới mục tiêu đạt kim ngạch thương mại 1.000 tỷ USD và đã trở thành một trong 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất thế giới, đồng thời nằm trong top 20 quốc gia có lượng phát thải lớn nhất toàn cầu. Các yêu cầu về giảm phát thải và báo cáo phát triển bền vững đòi hỏi toàn bộ chuỗi cung ứng và hệ thống của chúng ta phải tuân thủ. Nếu không thực hiện được điều này, chúng ta sẽ bị loại khỏi cuộc chơi thương mại và đầu tư”, ông Thọ nhấn mạnh.
Cũng theo vị Viện trưởng này, Việt Nam đã trải qua những cuộc cải cách lớn trong quá khứ. Năm 1986, chúng ta chuyển từ nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường. Đến năm 2006, Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế khi gia nhập WTO, tạo áp lực cải cách toàn bộ thể chế theo hướng kinh tế thị trường. Ông tin rằng, năm 2026 sẽ là thời điểm để chúng ta thay đổi thể chế nhằm đáp ứng các yêu cầu về phát triển xanh, số hóa và bền vững toàn cầu.
Ông chia sẻ thêm, Samsung hiện đang sản xuất 90% sản phẩm của mình tại Việt Nam. Họ sử dụng diện tích rất nhỏ ở Bắc Ninh (5ha) và Thái Nguyên (2ha), nhưng đóng góp tới 17-18% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Điều này cho thấy rằng, nếu biết tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức, chúng ta có thể thành công mà không phụ thuộc vào chính quyền của ông Trump hay ông Biden.
Theo ông Thọ, việc đối mặt với áp lực thay đổi trong quá khứ như năm 1986 hay 2006 đã mang lại lợi ích lớn cho Việt Nam. Áp lực hiện nay về chuyển đổi xanh và số hóa cũng là cơ hội để chúng ta thực hiện tốt các cam kết, đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu về phát thải. Nếu chuyển đổi chậm, chi phí sẽ cao và năng lực cạnh tranh của chúng ta sẽ giảm. Do đó, chúng ta cần có lộ trình rõ ràng và tuân thủ các tiêu chuẩn toàn cầu, phù hợp với thị trường mục tiêu mà chúng ta hướng tới.
“Chúng ta muốn thu hút các “đại bàng” đầu tư, nhưng “đại bàng” không chờ đợi chúng ta, chúng ta buộc phải tăng tốc thể chế hóa chính sách, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư nhanh chóng hơn”, ông Thọ thông cho hay.
Những người ủng hộ ông Trump như Elon Musk vẫn đang thúc đẩy xe điện, trong khi các công ty lớn nhất tại Mỹ như Apple, Intel đều đưa ra các chính sách liên quan đến phát thải ròng bằng 0. Cách đây hai ngày, Apple đã công bố máy tính đầu tiên đạt trung hòa carbon, sử dụng vàng bạc tái chế 100% và năng lượng tái tạo. Điều này chứng tỏ Việt Nam hoàn toàn có thể sản xuất ra các sản phẩm đạt chuẩn carbon trung hòa nếu có yêu cầu từ nhà đầu tư và khu công nghiệp đáp ứng được tiêu chuẩn.
TS Nguyễn Đình Thọ – Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường)