Phát biểu tại Diễn đàn quốc tế năng lượng Việt Nam – Trung Quốc – ASEAN năm 2025 (VCAE IF 2025), ngày 24/4, ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho biết trong bối cảnh hiện nay, ngành năng lượng Việt Nam phải đảm bảo cả mục tiêu tăng trưởng cao (GDP 8% năm 2025, trên 2 con số trong giai đoạn 2026 – 2030), đáp ứng an ninh năng lượng lẫn mục tiêu chuyển dịch sang năng lượng xanh, sạch và giảm phát thải khí nhà kính phù hợp xu thế quốc tế.
Điều này đã được thể hiện thông qua việc điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch điện 8 điều chỉnh), được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 15/4/2025.
Theo đó, phương án phát triển mạnh nguồn năng lượng tái tạo, chưa tính thủy điện, đạt tỷ lệ 28% – 36% tổng công suất điện vào năm 2030, tương ứng với khoảng 75,500 MW – 122,200 MW và định hướng tăng lên 74-75% tổng công suất vào năm 2050, tương ứng với khoảng 497,900 MW – 535,240 MW.
Bên cạnh thách thức phát triển nhanh chóng về năng lượng tái tạo, Việt Nam còn đứng trước một thách thức nữa là tình trạng cơ sở hạ tầng lưới điện và thiết bị truyền tải thiết yếu chưa đáp ứng được mức tăng trưởng kinh tế, cũng như có tính bền vững. Chính vì vậy, Việt Nam phải mở rộng chuỗi cung ứng lưới điện và tăng cường kết nối với các nước ASEAN và Trung Quốc.

Theo ông Thi, Trung Quốc là quốc gia có thế mạnh về phát triển các nguồn năng lượng sạch, đã và đang chuyển dịch mạnh mẽ sang các nguồn năng lượng phi carbon. Đồng thời, nước này cũng đang cải tiến việc sử dụng các nguồn năng lượng hóa thạch để vừa bảo đảm nguồn năng lượng ổn định, vừa đáp ứng được các tiêu chuẩn môi trường khắt khe.
Bên cạnh đó, Trung Quốc đang là một trong những quốc gia nổi bật về phát triển năng lượng tái tạo, cũng như sở hữu chuỗi cung ứng vượt trội về năng lượng mặt trời đang tác động sâu rộng tới tăng trưởng trong khu vực.
Đối với các nước ASEAN, ông Thi cho biết cũng đang có những mục tiêu tăng trưởng tối đa về năng lượng tái tạo và hướng tới mục tiêu kỳ vọng về phát triển xanh sạch, phù hợp với tiềm năng và định hướng của mình trên cơ sở tìm kiếm sự cân bằng tăng trưởng kinh tế với nhu cầu cấp thiết về năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhấn mạnh rằng Diễn đàn Quốc tế năng lượng Việt Nam – Trung Quốc – ASEAN 2025 là sự kiện tiếp nối chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, là cơ hội để các nhà quản lý, doanh nghiệp và chuyên gia năng lượng Việt Nam, Trung Quốc cùng các nước ASEAN chia sẻ cách tiếp cận hỗ trợ chính sách và đầu tư, trao đổi công nghệ tiên tiến, công nghệ thông minh, kinh nghiệm quản lý và kết nối tiềm năng.
Diễn đàn hy vọng sẽ mở ra tương lai khai thác cơ hội hợp tác, đầu tư, phát triển ngành năng lượng, cũng như đưa quan hệ hợp tác năng lượng Việt Nam, Trung Quốc, ASEAN phát triển vượt trội.
“Tôi tin rằng với các chính sách, khoản đầu tư và tiến bộ công nghệ phù hợp, mỗi nước có thể xây dựng tương lai năng lượng bền vững với giá cả phải chăng cho các nhóm đối tượng gồm những người dân khác nhau”, ông Thi khẳng định.
Về phần mình, ông Dương Côn, Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ nhiệm thường trực Hội đồng Điện lực Trung Quốc, cho biết tiến trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu đang được đẩy mạnh, năng lượng xanh đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững của thế giới.
Trung Quốc từ lâu đã cam kết thúc đẩy tối ưu hóa và nâng cấp cơ cấu năng lượng, phát triển mạnh mẽ năng lượng xanh và đã đạt được những thành tựu đáng kể trong chuyển đổi xanh, đổi mới khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế.
Theo đó, trong năm 2024, các doanh nghiệp điện lực chủ chốt của Trung Quốc đã đầu tư trực tiếp ra nước ngoài tổng cộng 5,72 tỷ USD, với 51 dự án, trong đó 25,5% là tại các quốc gia ASEAN.
“Hợp tác trong lĩnh vực năng lượng – điện lực giữa Trung Quốc và Việt Nam không chỉ là trụ cột then chốt trong kết nội hạ tầng năng lượng, mà còn là minh chứng sinh động cho việc xây dựng cộng đồng cùng chia sẻ tương lai nhân loại”, ông Dương Côn nhấn mạnh.