Nhà trên cây kỳ dị ở Hà Nội
Nằm ở ven đô Hà Nội, quần thể nhà cây của nghệ sĩ Đào Anh Khánh được bao bọc bởi rất nhiều cây cối, tràn ngập sắc xanh, tựa như một khu rừng thu nhỏ.
Theo Báo Dân Trí, quần thể nhà độc đáo này được xây dựng cách đây hơn 20 năm, trên khu đất rộng 2.000m2 gồm 5 khu vực chính: 5 ngôi nhà cây, một nhà thủy cung, ba nhà vườn và một nhà sàn.

“Trên thế giới đã có những ngôi nhà cây được xây dựng rất ấn tượng nhưng tại Việt Nam thì chưa, chính vì thế tôi mong muốn mang đến cho mọi người những trải nghiệm khác biệt, được hòa mình với thiên nhiên, được tận hưởng một không gian sống mới, mở hơn, đẹp hơn và trong lành hơn”, nghệ sĩ Đào Anh Khánh nói về ý tưởng của mình.
Nghệ sĩ Đào Anh Khánh cho biết, công trình là một tổ hợp nghệ thuật sắp đặt, trong đó có kiến trúc, điêu khắc, ánh sáng, âm thanh… giao hòa với thiên nhiên cây cỏ.
Ngôi nhà gắn đồ cổ tại Vĩnh Phúc
Ở xã Chấn Hưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc có một ngôi nhà gắn đồ cổ độc nhất vô nhị, được làm từ hàng nghìn chiếc đĩa cổ, trở thành một điểm đến hút khách tham quan.
Ngôi nhà này do ông Nguyễn Văn Trường (đã qua đời) tự tay thiết kế, lắp ghép.
Với tình yêu đặc biệt với di sản văn hóa truyền thống, từ những năm 90 của thế kỷ XX, ông Trường đã sưu tầm, cóp nhặt hàng trăm sản phẩm gốm cổ, sứ cổ ở khắp nơi mang về nhà với ý nghĩ “gìn giữ văn hoá cho làng”.

Để thỏa lòng đam mê thưởng ngoạn và tiện bề cho bà con dân làng đến tìm hiểu văn hoá, lịch sử hay tìm lại hình ảnh đồ vật xưa trong gia đình, ông trưng bày tất cả cổ vật đã sưu tầm được lên cổng, tường rào, vách nhà, hòn non bộ… Đĩa bát, cổ được gắn có trật tự, đôi lúc được thực hiện rất ngẫu hứng.
Bà Hồ Thị Nga (vợ ông Trường) cho VietNamNet biết dù đồ cổ có giá trị nhưng nếu đã thích, ông ấy nhất quyết không bán mà để gắn lên tường. Có khách trả giá 20 tỷ đồng nhưng bà không bán bởi đây là tâm huyết cả đời của chồng bà và bà muốn lưu truyền lại cho con cháu.
Ngôi nhà 420 tấn xoay 360 độ ở Bắc Giang
Ông Nguyễn Văn Lượng (SN 1957, ở Bắc Giang) đã tự mày mò, nghiên cứu để xây dựng ngôi nhà tự xoay 360 độ cực kỳ độc đáo.
Năm 2012, ông Lượng bắt tay vào xây nhà và hoàn thành trong vòng 4 năm. Ngôi nhà rộng khoảng hơn 100m2, cao 3 tầng, có thể xoay 360 độ. Dưới tầng hầm chứa 50 khối nước.

Theo ông Lượng, nguyên lý hoạt động của ngôi nhà giống như con thuyền trong bể nước. Bên ngoài là một bể nước hình tròn đường kính khoảng 14m, sâu 4m. Bên trong là một bể nhỏ khoảng 12m.
Bể trong giống như một chiếc phao, khi đổ nước vào bể ngoài thì phao nổi lên. Ở giữa phao có trục xoay, chân vịt… giúp ngôi nhà chuyển động.
Ông Lượng cho biết, nhờ vào sức nổi của nước nên chỉ cần một lực nhỏ là ngôi nhà có thể xoay. Trước đây, ông dùng điện 12V cũng có thể xoay được ngôi nhà, nhưng hiện ông đấu điện lưới 220V để tiện sử dụng mà không phải cần đến bình ắc quy.
Trọng lượng ngôi nhà được ông Lượng ước tính khoảng 420 tấn. Tốc độ quay nhanh nhất khoảng 10 phút/vòng, chậm nhất là 24 giờ/vòng.
Năm 2022, công trình này của ông Lượng đã được Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam công nhận bằng sáng chế độc quyền về mô hình nhà quay trong bể nước.
Ngôi nhà lộn ngược giữa làng hoa Sa Đéc
Với mong muốn phát triển du lịch dựa vào thế mạnh của làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp), theo Báo Thanh Niên, anh Trần Thanh Nguyên (xã Tân Khánh Đông, TP. Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) đã quyết định xây một ngôi nhà độc đáo, với lối kiến trúc lộn ngược, thu hút du khách đến tham quan.
Ngôi nhà lộn ngược được xây dựng năm 2019 và có tổng chi phí gần 800 triệu đồng. Căn nhà có diện tích 70m2, sức chứa hơn 50 người.

Bên trong nhà có 5 phòng, mỗi phòng có những góc chụp ảnh khác nhau như: phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ, phòng cà phê, mini shop.
Đặc biệt, các căn phòng đều được trang trí với màu sắc và nội thất như một căn nhà thông thường. Vật dụng trong nhà cũng được treo ngược.
“Ngôi nhà điên” kỳ quái tại Đà Lạt
Biệt thự Hằng Nga còn có tên gọi khác là “Ngôi nhà điên” là một ngôi nhà độc đáo và nổi tiếng tại Đà Lạt, bởi lối kiến trúc đặc biệt và không giống ai.
“Ngôi nhà điên” tọa lạc tại đường Huỳnh Thúc Kháng (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) trong một khuôn viên rộng gần 1.600m2.

Chủ nhân của “Ngôi nhà điên” là bà Đặng Việt Nga. Bà Nga từng nhận bằng tiến sĩ ngành kiến trúc tại Moscow, khi xây dựng công trình này bà mong muốn tạo ra kiến trúc có thể mang con người gần với thiên nhiên và cảnh báo về tác hại khi môi trường bị tàn phá.
Biệt thự “điên” này bao gồm nhiều tòa nhà và nhà khách, quán cà phê và phòng trưng bày nghệ thuật…
Từ khi xây dựng vào năm 1990, biệt thự này liên tục trở thành điểm đến gây “sốt” và được nhiều du khách – đặc biệt là khách quốc tế, ghé thăm.
Ngôi “nhà hang động” tại Hưng Yên
Nằm ngay quốc lộ 39A thuộc địa phận xã Ngũ Lão huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, ngôi nhà 4 tầng của anh Trần Văn Tưởng (SN 1985) nổi bật bởi lối kiến trúc dị thường và có phần bí ẩn.
Báo Dân Việt cho hay, ngôi nhà được anh Tưởng xây dựng từ năm 2011 và kéo dài trong suốt 3 năm. Nhìn bề ngoài, ngôi nhà được xây dựng theo lối nhà ống quen thuộc của người Việt nhưng cách trang trí lại có phần khác biệt. Phần ban công và mái của ngôi nhà cong vút như mái chùa.

Đặc biệt, phía trước cổng ngôi nhà đặt hàng chục các bức tượng lớn nhỏ. Trong đó, phần cao nhất là tượng Phật Quan âm, tiếp đến là tượng Vua Hùng và các bức tượng rồng, thần Kim Ngưu, cá chép, ngũ hổ… Ngay lối vào ngôi nhà, anh Tưởng còn tạc một bức chân dung của chính mình.
Ngoài các nguyên vật liệu như gạch đá, cát sỏi, sắt thép… chủ nhân ngôi nhà còn chi không ít tiền để mua đồng, gốm sứ và đá quý để tạo nên những bức tranh tường sống động.