Đây là lần thứ 3 sự kiện được tổ chức trong khuôn khổ chương trình Hành trình OCOP.
Hành trình OCOP là gameshow truyền hình đầu tiên có sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã có sản phẩm OCOP từ mọi miền cả nước, mang đến những câu chuyện khởi nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm bổ ích để phát triển các sản phẩm đặc sản vùng miền. Chương trình được phối hợp tổ chức bởi Thái Bình COOP, Bizcare.
Hội nghị xúc tiến thương mại đưa sản phẩm OCOP vào các chuỗi siêu thị nhằm tạo ra một sân chơi, một diễn đàn để các nhà sản xuất, doanh nghiệp nông sản có cơ hội giao lưu, trao đổi và tìm kiếm cơ hội hợp tác. Bên cạnh đó, thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ và cải tiến quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng và giá trị của sản phẩm nông sản Việt. Không những thế, Hành trình OCOP mong muốn quảng bá và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về giá trị của sản phẩm nông sản, từ đó thúc đẩy tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
50 sản phẩm được tiêu thụ, doanh thu khoảng 10 tỷ đồng
Theo Ban Tổ chức, sau 2 phiên xúc tiến thương mại được tổ chức vào đầu tháng 7 và đầu tháng 8 vừa qua, đã có 50 sản phẩm của các chủ thể OCOP được đưa lên kệ của 5 chuỗi siêu thị với doanh thu ước tính gần 10 tỷ đồng.
Phát biểu tại sự kiện, ông Lê Ngọc Huê – người sáng lập chương trình Hành trình OCOP, Trưởng Ban Tổ chức cho biết, sau 6 năm Chương trình OCOP triển khai, hiện nay, cả nước ta đã có rất nhiều sản phẩm OCOP được xây dựng thành công. Qua quá trình phát triển của các sản phẩm này, với chất lượng của sản phẩm, các sản phẩm hoàn toàn có thể xuất hiện ở các kệ siêu thị trên thế giới.
“Chúng tôi mong muốn Hành trình OCOP là một chương trình thực sự có chất lượng. Trong đó, Ban Tổ chức xác định sẽ xây dựng các mối kết nối đa chiều, trong đó có kết nối với các cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời, kết nối các chuyên gia để hỗ trợ các chủ thể OCOP có được kinh nghiệm; kết nối cung cầu để doanh nghiệp bán hàng hiệu quả hơn”, ông Lê Ngọc Huê nhấn mạnh.
Ông Lê Ngọc Huê chia sẻ thêm, con số 50 sản phẩm và 10 tỷ đồng kể trên chỉ là con số ban đầu của chương trình. Chương trình Hành trình OCOP xác định sẽ không chỉ nhằm mục đích tiêu thụ sản phẩm ở thị trường trong nước mà còn kết nối để đưa sản phẩm vào thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, kết hợp cùng một số đơn vị xây dựng các điểm bán OCOP, các chuyến xe OCOP để hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm OCOP hiệu quả hơn.
Tăng cơ hội tiêu thụ sản phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Nhằm nâng cao hiệu quả tiêu thụ sản phẩm OCOP, tại lần thứ 3 Hội nghị xúc tiến thương mại đưa sản phẩm OCOP vào các chuỗi siêu thị được triển khai, Ban Tổ chức đã mời đến hội nghị nhiều chuỗi siêu thị và các kênh thương mại điện tử để ký kết các biên bản hợp tác.
Trong đó có sự tham gia của những cái tên quen thuộc như Gold Fruit, Bác Tôm, EcoMart, Fuji, Wikifood, Thực Phẩm Đồng Quê, Homefarm, Bun Bếp, Tôm Fruits, Joy Green, Danko và nhiều cửa hàng siêu thị bán lẻ khắp miền Bắc.
Các sản phẩm được giới thiệu tại hội nghị rất đa dạng, từ thực phẩm sạch, nông sản đến các sản phẩm chế biến, và đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các nhà phân phối và chuỗi siêu thị, khẳng định tiềm năng lớn trong việc chinh phục thị trường trong nước, mở ra nhiều cơ hội mới cho các sản phẩm OCOP tiếp cận sâu rộng hơn đến người tiêu dùng cả nước.
Bên cạnh đó, chương trình mong muốn kết hợp với các chủ thể để số hoá, đưa sản phẩm lên môi trường thương mại điện tử, giúp sản phẩm không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn vượt qua biên giới Việt Nam đến với thị trường quốc tế. Do đó, chương trình Hành trình OCOP và Trung tâm kinh doanh phân phối – Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPOST) đã ký thoả thuận hợp tác chiến lược.
Bưu điện Việt Nam có mạng lưới 13.000 điểm bưu cục trên toàn quốc, luôn đồng hành cùng bà con trong tiêu thụ nông sản. Bên cạnh đó, Bưu điện Việt Nam cũng đang triển khai sàn thương mại điện tử buudien.vn, tiền thân là postmart.vn, là nơi giới thiệu, quảng bá nông sản đến người tiêu dùng trong nước…
Sự hợp tác này sẽ giúp tối ưu hóa chuỗi cung ứng, đảm bảo sản phẩm nông sản đến tay người tiêu dùng với chất lượng tốt nhất và thời gian ngắn nhất. Đây là một bước tiến quan trọng trong hành trình nâng cao giá trị và thương hiệu của nông sản Việt, góp phần đưa nền nông nghiệp nước ta vươn xa trên thị trường toàn cầu.
Song song với việc tiêu thụ sản phẩm, trong bối cảnh thị trường nông sản ngày càng phát triển, việc bảo vệ thương hiệu và uy tín của sản phẩm là vô cùng quan trọng. Hiểu rõ điều này, Hành trình OCOP đã ký kết hợp tác cùng Trung tâm Công nghệ chống hàng giả Việt Nam – đơn vị tiên phong trong việc áp dụng công nghệ hiện đại để ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái, đảm bảo sự minh bạch và chất lượng cho người tiêu dùng.
Hai thỏa thuận này hứa hẹn tạo ra những bước tiến quan trọng trong việc phát triển và bảo vệ thương hiệu sản phẩm OCOP, đồng thời góp phần nâng cao giá trị của các sản phẩm nông sản Việt Nam.
Tổng đài chương trình: 0888809686
Tại hội nghị, Chương trình Hành trình OCOP ký kết với 27 siêu thị, cửa hàng bán lẻ, cửa hàng thu mua nông sản của Việt Nam để mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP. Ông Lê Ngọc Huê chia sẻ, bên cạnh các sản phẩm được trực tiếp đưa vào các chuỗi siêu thị, cửa hàng ngay sau khi hội nghị kết thúc, với các sản phẩm khác, các đơn vị cũng sẽ đồng hành với các chủ thể OCOP để hướng dẫn chủ thể hoàn thiện thủ tục, giấy tờ, tiêu chuẩn… nhằm giúp sản phẩm đủ điều kiện đưa vào các siêu thị, chuỗi bán lẻ. |
Thế Định