Chiều 29/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Trước đó vào phiên sáng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin được giữ đề nghị áp thuế VAT 5% với phân bón như dự thảo Luật đã được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.
NGUY CƠ DOANH NGHIỆP PHÂN BÓN NGỪNG SẢN XUẤT DO KHÔNG ĐƯỢC ÁP THUẾ VAT ĐẦU RA
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Trịnh Xuân An, đoàn Đại biểu Đồng Nai, cho rằng áp dụng thuế 5% đối với phân bón sẽ có lợi được cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, không có tác hại.
Theo ông An, thuế giá trị gia tăng phải có tính chất luân hồi, đầu vào và đầu ra phải đi cùng với nhau, không có nguyên lý đầu ra không chịu thuế mà đầu vào lại khấu trừ. Từ khi chúng ta làm Luật 71 đưa thuế giá trị gia tăng từ 5% về không chịu thuế, hồi đó ý tưởng định đưa vào, sau đó ta tính sẽ cho khấu trừ đối với doanh nghiệp, về sau ta không được khấu trừ nữa thì vô hình trung rất bất lợi cho doanh nghiệp.
Bây giờ, nếu doanh nghiệp có sản phẩm đầu vào mua khoảng 80 đồng thì họ sẽ chịu thuế giá trị gia tăng đầu vào là 8 đồng, bán giá phân bón ra là 100 đồng, nếu giá đó không được khấu trừ thì về nguyên tắc họ phải đưa vào chi phí, phải tính vào giá và giá đó sẽ là 108 đồng, nếu chúng ta đưa vào 5% thì doanh nghiệp đó được khấu trừ đầu vào 8 đồng, ta cộng với 5% nữa thì giá chỉ còn 105 đồng.
“Khi làm giá phải theo nguyên tắc của kế toán, của tài chính, không phải đương nhiên chúng ta cứ áp dụng thuế 5% thì giá tăng lên 5%, ta phải tính tính chất của Luật Thuế trị gia tăng như vậy”, ông An nhấn mạnh.
Một đại biểu đến từ Hòa Bình cho hay trong giai đoạn cung vượt cầu trên thị trường phân bón thế giới trong giai đoạn 2015-2020 trước thời điểm đại dịch Covid-19 giá phân bón trên thị trường thế giới giảm mạnh, làm giá thành phân bón sản xuất trong nước không thể cạnh tranh với giá nhập khẩu, các doanh nghiệp trong nước đều có mức tăng trưởng âm, một số đơn vị lỗ có nguy cơ dẫn đến phá sản.
Việc sửa đổi Luật thuế giá trị gia tăng lần này không khắc phục bất cập nêu trên thì ngành sản xuất phân bón trong nước tiếp tục phải chịu sự phân biệt đối xử so với tất cả các ngành sản xuất khác khi bị nằm ngoài phạm vi áp dụng thuế giá trị gia tăng và có rủi ro bị quay lại tình trạng suy giảm và ngừng sản xuất như giai đoạn 2015-2020. Khi mặt hàng phân bón được áp thuế VAT đầu ra, doanh nghiệp sẽ được khấu trừ VAT đầu vào, từ đó giảm áp lực khi đầu tư.
Do đó, nếu chuyển đổi chính sách thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón từ diện miễn thuế sang áp dụng thuế suất sẽ có lợi cho 3 nhà, nhà nước, doanh nghiệp, nông dân, giảm sự lệ thuộc vào phân bón nhập khẩu.
Các nước trên thế giới đều áp dụng thuế giá trị gia tăng đối với ngành phân bón. Ví dụ, Trung Quốc là quốc gia sản xuất và tiêu thụ phân bón lớn nhất thế giới hiện đang áp dụng thuế giá trị gia tăng ở mức 11% với phân bón. Tương tự, như Nga đất nước xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới cũng đang áp dụng thuế suất giá trị gia tăng đối với ngành phân bón nhằm nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, góp phần bảo đảm an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững.
THÔNG CẢM VỚI NÔNG DÂN NHƯNG ĐỪNG QUÊN DOANH NGHIỆP
Đại biểu Cầm Thị Mẫn, đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hoá, đồng quan điểm cho rằng việc áp dụng thuế suất 5% chính là việc cùng lúc chúng ta thực hiện được mục tiêu mở rộng cơ chế thuế, tiến tới áp dụng một mức thuế suất, đồng thời phục hồi hỗ trợ sản xuất trong nước và về dài hạn sẽ tạo sự bền vững, ổn định nguồn cung phân bón đầu vào trong nước được phát triển, không phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu, làm cơ sở cho việc hạ giá thành mặt hàng phân bón. Như vậy, người nông dân cũng như doanh nghiệp sản xuất trong nước đều được hưởng lợi từ việc thay đổi này.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn Đại biểu TP Hồ Chí Minh, cũng hoàn toàn tán thành những ý kiến của các đại biểu ủng hộ nông dân, thông cảm với nông dân nhưng chúng ta đừng quên doanh nghiệp là nơi hàng triệu lao động, giai cấp công nhân đang làm việc ở đó và nếu như họ không sống được, họ phá sản thì các công nhân này sẽ như thế nào.
“Do đó, tôi cung cấp một cách nhìn để chúng ta có một cách nhìn rộng ra, không phải ngẫu nhiên khi nhiều đại biểu Quốc hội trong bài báo tôi vừa nói ủng hộ việc áp dụng thuế giá trị gia tăng cho phân bón là 5% cũng như các lĩnh vực khác. Khi chúng ta tự lực, tự chủ, tự cường được nhiều lĩnh vực thì Chính phủ chúng ta có thể chi phối được và sẽ tìm cách áp dụng các biện pháp để giảm gánh nặng cho người tiêu dùng”, ông Nghĩa nói.
Mặc dù vậy, đại biểu Nguyễn Trường Giang, đoàn Đại biểu Đắk Nông, cho rằng qua nghiên cứu hồ sơ và các báo cáo của Chính phủ thì thấy theo báo cáo nếu như chúng ta đánh thuế 5% đối với mặt hàng phân bón, sẽ thu được khoảng 5.700 tỷ và hoàn thuế cho doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước khoảng 500 tỷ.
Tính toán sơ bộ với thị phần 27% của phân bón nhập khẩu trên tổng số 5.700 thì khoảng 1.500 tỷ do phần phân bón nhập khẩu sẽ đưa về cho ngân sách. Như vậy, việc sau khi 5.700 trừ đi 1.500 tỷ, mặt hàng phân bón nhập khẩu phải đóng còn 4.200 tỷ, hoàn thuế cho doanh nghiệp là 1500, còn 2.700 tỷ ngân sách nhà nước được lợi. Trong trường hợp 4.200 này hoàn toàn cho doanh nghiệp thì khả năng giảm giá bán mặt hàng trong nước hoàn toàn có.
Nhưng không phải hoàn toàn bộ mà chỉ hoàn 1.500 trên tổng số 4.200. Chỗ này cần phải tính toán lại. Do đó, đề nghị báo cáo đầy đủ và chính xác tổng sản lượng trong nước như thế nào và có một cơ chế hoàn thuế đảm bảo tính công bằng. Đề nghị có một thuế suất khác không phải 5% mà có thể bằng một nửa hoặc 2% để đủ hoàn thuế cho doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước.