Ông Julian Gorman, Giám đốc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của tổ chức viễn thông toàn cầu GSMA, nhấn mạnh tại hội nghị East Tech West 2025 do CNBC tổ chức.
Ông Julian Gorman cho rằng việc buộc phải đứng về một phía sẽ không mang lại lợi ích lâu dài cho khu vực: “Đông Nam Á đang phụ thuộc nhiều vào cả hai nền kinh tế lớn này. Việc chọn bên sẽ là điều không dễ dàng và có thể gây ra hệ quả tiêu cực”.
TRUNG LẬP LÀ LỢI THẾ CHIẾN LƯỢC CỦA ĐÔNG NAM Á
Theo ông Gorman, điều quan trọng là các nước trong khu vực cần tập trung vào việc thống nhất tiêu chuẩn công nghệ, tránh phân mảnh và hướng đến mục tiêu phát triển công nghệ phục vụ lợi ích chung, vượt qua các rào cản về địa chính trị.
Trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đều đang mở rộng ảnh hưởng công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, ra khắp thế giới, lựa chọn con đường riêng, độc lập và khôn khéo sẽ giúp Đông Nam Á vừa tránh được sức ép chính trị, vừa nâng cao nội lực công nghệ của mình.
Nhiều chuyên gia tại các hội thảo East Tech West trước đây cũng nhận định rằng mã nguồn mở là hướng đi quan trọng, giúp các nước ngoài Mỹ và Trung Quốc tự chủ hơn trong phát triển công nghệ AI.
Về phần cứng, Mỹ vẫn giữ vị thế dẫn đầu nhờ các dòng chip AI tiên tiến của Nvidia. Dù chính quyền Mỹ đã hạn chế xuất khẩu chip này sang Trung Quốc nhưng chúng vẫn được cung cấp tại Đông Nam Á – một cơ hội mà ông Chen khuyên các nước trong khu vực nên tận dụng.
Ông cũng dự báo rằng trong 5–10 năm tới, Trung Quốc có thể tung ra các lựa chọn thay thế giá rẻ, làm thay đổi cục diện thị trường.
“Đừng vội vàng đứng về một bên. Điều quan trọng là phải tính toán kỹ để tối đa hóa tiềm năng kinh tế của mình”, ông Chen nhấn mạnh.
Ông Julian Gorman từ GSMA cũng cho rằng việc cân bằng giữa các siêu cường là điều Đông Nam Á đã và đang làm tốt. Ví dụ, ngành di động trong khu vực vẫn phụ thuộc vào phần cứng công nghệ sản xuất tại Trung Quốc, trong khi các lĩnh vực như viễn thông lại dựa nhiều vào công nghệ Mỹ. Việc duy trì thế cân bằng này sẽ tiếp tục mang lại lợi thế chiến lược cho Đông Nam Á trong cuộc đua công nghệ toàn cầu.
CƠ HỘI RIÊNG CỦA ĐÔNG NAM Á
Dù Mỹ và Trung Quốc đang đi đầu trong việc phát triển các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến, nhưng Đông Nam Á vẫn có những lợi thế riêng để tham gia sâu hơn vào sân chơi công nghệ toàn cầu, các chuyên gia nhận định tại hội nghị East Tech West 2025.
“Nếu xem AI là một công nghệ, thì giá trị thật sự của nó chỉ xuất hiện khi được đưa vào ứng dụng thành sản phẩm hay dịch vụ cụ thể mà con người có thể sử dụng”, ông George Chen, Giám đốc điều hành Tập đoàn The Asia Group chia sẻ.
Theo ông, Đông Nam Á có môi trường ứng dụng công nghệ rất sôi động, cộng với dân số trẻ và chi phí nghiên cứu phát triển (R&D) thấp, đó là những điều kiện thuận lợi để AI phát triển mạnh mẽ trong khu vực.
Malaysia là ví dụ điển hình. Với lợi thế về chi phí và hạ tầng, nước này đang trở thành một trung tâm dữ liệu và điện toán AI tầm cỡ quốc tế, đặc biệt tại bang Johor ở phía nam.
Tuy vậy, ông Chen cũng nhấn mạnh rằng để đi đường dài, Đông Nam Á cần thu hút được những doanh nghiệp công nghệ có trình độ cao, tạo cơ hội cho các ngành trong nước học hỏi và phát triển theo. Đây cũng là cách mà Trung Quốc từng làm để nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với các nước phương Tây về công nghệ.
Ông Julian Gorman, Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương của GSMA, cho rằng Đông Nam Á có thể trở thành một “vùng đệm” trung lập giữa Mỹ và Trung Quốc – nơi hai bên có thể đối thoại và hợp tác để thúc đẩy cách ứng dụng AI một cách có trách nhiệm.
Không chỉ dừng lại ở vai trò cầu nối, khu vực này còn có tiềm năng chủ động tham gia xây dựng các quy định về AI. Ông Gorman lấy ví dụ Singapore – quốc gia đã ban hành “Khung trách nhiệm chung” nhằm đối phó với các hình thức gian lận xuyên quốc gia, cho thấy một bước đi đáng chú ý trong việc định hình chính sách công nghệ.
Hiện nay, thế giới vẫn chưa có một bộ quy định chung cho AI. Trong khi Liên minh châu Âu đã thông qua luật AI, thì Mỹ và phần lớn các nước ASEAN vẫn chưa có quy định cụ thể.
Ông George Chen bổ sung rằng nếu các nước trong khu vực muốn có tiếng nói tại các diễn đàn quốc tế về AI, họ cần phối hợp xây dựng những khung pháp lý chung. Khi cùng nhau lên tiếng, Đông Nam Á mới có thể đóng vai trò rõ nét hơn trong việc định hình tương lai của AI toàn cầu.