Trong chuyến công tác chính thức tại Brazil, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Brazil, khẳng định tầm quan trọng của hợp tác thương mại Việt Nam Brazil. Thủ tướng nhấn mạnh 3 lĩnh vực hợp tác trọng tâm, bao gồm nông nghiệp, khoa học – công nghệ và khai thác khoáng sản. Sự kiện này thể hiện quyết tâm của hai nước trong việc thúc đẩy mối quan hệ kinh tế bền vững và phát triển.
Mở cửa thị trường nông sản
Tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi hai nước tăng cường mở cửa thị trường hơn nữa cho nông sản thế mạnh của nhau. Việt Nam có lợi thế rõ rệt về gạo, thủy sản, rau quả, trong khi Brazil nổi bật với thịt bò, gia cầm, đậu tương, ngô.
Đặc biệt, lĩnh vực cà phê thu hút sự quan tâm lớn khi Brazil và Việt Nam lần lượt là nước sản xuất cà phê lớn thứ nhất và thứ hai thế giới. Theo đó, hai bên nhất trí đẩy mạnh liên kết ngành cà phê, hướng tới thành lập liên minh sản xuất, xuất khẩu, nghiên cứu xây dựng sàn giao dịch, phát triển thương hiệu cà phê chung và thúc đẩy văn hóa thưởng thức cà phê đặc trưng, qua đó gia tăng giá trị cho cả hạt cà phê và hình ảnh hai đất nước.
Thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy năm 2024, Brazil chiếm 38% xuất khẩu cà phê toàn cầu, Việt Nam chiếm 17%. Nếu hợp tác chặt chẽ, hai quốc gia có thể kiểm soát tới 55% thị phần thế giới, tăng khả năng điều tiết giá và bảo vệ chuỗi giá trị trước các biến động toàn cầu.
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA), cho biết trước nay chỉ có các đoàn hiệp hội, DN cà phê hai nước thăm vùng trồng của nhau chứ VICOFA chưa có hợp tác chính thức với Hiệp hội Xuất khẩu cà phê Brazil (CECAFE). “Năm ngoái, đoàn VICOFA đã sang thăm vùng Robusta Brazil, thấy năng suất của họ rất cao, có nơi đạt 6 tấn/ha và áp dụng cơ giới hóa. Từ định hướng mới của Thủ tướng, có thể mở ra nhiều cơ hội hợp tác toàn diện hơn cho ngành cà phê hai nước” – ông Hải nói thêm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu chứng kiến lễ trao thỏa thuận hợp tác giữa Công ty CP Nam Việt (NAVICO) và AV09 Comercio Exporter Ltda trong lĩnh vực thủy sản. Ảnh: NHẬT BẮC
Không chỉ nông nghiệp, lĩnh vực thủy sản Việt Nam cũng đang chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng tại thị trường Brazil. Theo bà Lê Hằng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Brazil là quốc gia có dân số hơn 200 triệu người, mức tiêu thụ thủy sản bình quân khoảng 12 kg/người/năm, mở ra cơ hội rất lớn cho chúng ta.
Năm 2024, Việt Nam đã trở thành nhà cung cấp thủy sản lớn thứ hai cho Brazil, kim ngạch đạt gần 130 triệu USD (trong đó riêng cá tra đạt 129,3 triệu USD), tăng 14% so với năm 2023. Đặc biệt, tính đến quý I/2025, xuất khẩu thủy sản sang Brazil đạt khoảng 48,2 triệu USD, tăng gần 73% so với cùng kỳ.
“Brazil có nhu cầu cao về thủy sản nhưng nguồn cung nội địa chưa đáp ứng đủ, đồng thời đang nới lỏng tiêu chuẩn nhập khẩu, tạo cơ hội rất lớn cho thủy sản Việt Nam, nhất là cá tra vốn có lợi thế giá so với các sản phẩm cao cấp từ Chile, EU” – bà Hằng nhận định.
Theo bà Lê Hằng, để tận dụng tối đa cơ hội, DN Việt cần nắm chắc quy định nhập khẩu, đặc biệt về phosphate và kiểm dịch; đẩy mạnh chế biến sâu; bảo đảm các chứng nhận bền vững đáp ứng yêu cầu khắt khe của Brazil. “Vượt qua các rào cản kỹ thuật, nâng cao chất lượng sẽ là chìa khóa để DN Việt chinh phục thị trường Nam Mỹ rộng lớn, đầy tiềm năng này” – bà Hằng nhấn mạnh.
Triển vọng rất lớn
Ở lĩnh vực chăn nuôi, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, chia sẻ ngành chăn nuôi Việt Nam hiện chủ yếu phát triển bò sữa, còn bò thịt vẫn phụ thuộc nhập khẩu, lượng tiêu thụ mới khoảng 8 kg/người/năm, so với mức 40 kg/người/năm của thế giới. Do đó, thông tin Tập đoàn JBS S.A (Brazil), DN chế biến thịt gia súc, gia cầm lớn nhất toàn cầu, đang nghiên cứu đầu tư vào Việt Nam đã thu hút sự chú ý của thị trường. “Nếu JBS thực sự đầu tư, tận dụng lợi thế, kinh nghiệm, người tiêu dùng Việt sẽ có thêm cơ hội nâng khẩu phần thịt bò với giá hợp lý hơn” – ông Công nói.
Brazil hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Mỹ La-tinh, lớn thứ hai tại châu Mỹ. Kim ngạch song phương năm 2024 đạt gần 8 tỉ USD, tăng 12,2% so với năm 2023. Riêng 5 tháng đầu năm 2025, trao đổi thương mại hai chiều đạt 3,33 tỉ USD, giảm 5% do nhu cầu sắt thép, nguyên liệu giảm. Tuy vậy, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như điện thoại, máy tính, sắt thép, thủy sản, cà phê vẫn duy trì tốc độ ổn định.
Thời gian tới, hai quốc gia quyết tâm đưa kim ngạch thương mại song phương lên mức 15 tỉ USD vào năm 2030. Việc Việt Nam và Brazil (thành viên khối MERCOSUR) đang thúc đẩy đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – MERCOSUR cũng hứa hẹn mở ra nhiều ưu đãi thuế quan, giúp thủy sản, cà phê và nhiều sản phẩm Việt cạnh tranh tốt hơn với các quốc gia như Ấn Độ, Thái Lan.
Thương vụ Việt Nam tại Brazil nhận định để duy trì và mở rộng thị phần, DN cần đầu tư nâng chất lượng, tuân thủ nghiêm quy định về truy xuất nguồn gốc, môi trường. Đồng thời, logistics hiện vẫn là điểm nghẽn lớn khi khoảng cách địa lý xa, chi phí vận chuyển cao, chưa có đường bay thẳng nối Việt Nam với Sao Paulo – cửa ngõ thương mại lớn nhất Nam Mỹ. Bộ Công Thương đang kiến nghị Chính phủ xúc tiến mở đường bay này, qua đó giảm thời gian, chi phí vận chuyển, nâng sức cạnh tranh cho hàng Việt trước các đối thủ như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia.
Trước đó, hồi tháng 4-2025, Brazil đã chính thức dỡ lệnh cấm nhập cá rô phi từ Việt Nam, đồng thời hai bên đang hoàn tất thủ tục kỹ thuật để Brazil cho phép nhập tất cả các loại cá tra phi lê. Đây được xem là cú hích lớn giúp tăng kim ngạch, cân bằng cán cân thương mại.
Dù vậy, xuất khẩu sang Brazil cũng đối mặt một số rào cản như lệnh cấm nhập tôm nguyên con đông lạnh, tạm ngừng nhập cá rô phi vì lo ngại dịch bệnh, thủ tục hành chính còn phức tạp. VASEP khuyến nghị DN Việt cần đáp ứng các chứng nhận bền vững; đầu tư chế biến sâu các sản phẩm giá trị gia tăng như cá tra tẩm gia vị, chả cá; đồng thời tăng cường tham gia hội chợ, xúc tiến thương mại, tận dụng hỗ trợ từ Thương vụ Việt Nam tại Brazil để xây dựng thương hiệu.
Theo dõi kênh Youtube Kinh tế tại đây
Trong chuyến công tác, Công ty CP Nam Việt (NAVICO) đã tháp tùng đoàn và ký kết thỏa thuận hợp tác với AV09 Comercio Exporter Ltda (Brazil) trong lĩnh vực thủy sản, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, mở ra giai đoạn hợp tác mới.