Đó là đúc kết của anh Đặng Dương Minh Hoàng – Giám đốc Nông trại Thiên Nông, Chủ nhiệm Mạng lưới Lương Định Của toàn quốc – sau khi gọi vốn thành công và hỗ trợ được một số dự án trong mạng lưới gọi vốn.
Anh Hoàng thường xuyên làm việc với 3 tổ chức: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc. Những tổ chức này có nguồn quỹ hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp thỏa mãn 17 tiêu chí về phát triển bền vững của Liên hợp quốc, tạo ra những tác động tích cực cho cộng đồng.
Bên cạnh vốn tài trợ không hoàn lại, các tổ chức này còn cho dự án vay với lãi suất thấp 1%-2%/năm và không cần thế chấp tài sản. Đây là nguồn vốn rất quý mà các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp nên tận dụng, nhất là khi gần đây xuất hiện khá nhiều dự án nông nghiệp có yếu tố “xanh” và “số”. Tuy nhiên, DN phải có dữ liệu cụ thể, thuyết phục để chứng minh.

Anh Đặng Dương Minh Hoàng – Giám đốc Nông trại Thiên Nông, Chủ nhiệm Mạng lưới Lương Định Của toàn quốc – tham gia một sự kiện gọi vốn từ quỹ nước ngoài ở Thái Lan. Ảnh: AN NA
Kinh nghiệm “xương máu” của anh Hoàng là chủ dự án phải giỏi ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, để có thể nộp hồ sơ và thuyết phục hội đồng đánh giá qua nhiều vòng. Sự cạnh tranh không chỉ đến từ các dự án trong nước mà còn cả dự án nước ngoài.
Theo anh Hoàng, do cạnh tranh cao nên chủ dự án khi gọi vốn cần chuẩn bị tâm thế: Dù không gọi được vốn thì cũng sẽ thu nhận những lợi ích khác như được đào tạo, kết nối mạng lưới, mở rộng thị trường, bao gồm thị trường xuất khẩu. Từ những kinh nghiệm này, dự án sẽ hoàn thiện hơn và có thể gọi vốn thành công từ các quỹ đầu tư khác.
Quan trọng nhất là không nên có tâm lý “làm đẹp” dự án để gọi vốn. Cốt lõi vẫn là tối ưu hóa hoạt động của dự án, nâng cao khả năng “tự lực cánh sinh” để phát triển bền vững.