Theo thống kê của VMBA, có tới 29.804,5 tỷ đồng trái phiếu phát hành từ mảng Ngân hàng (chiếm 89% tổng giá trị trái phiếu phát hành); 2.390 tỷ đồng trái phiếu đến từ mảng Bất động sản; 1.096 tỷ đồng đến từ mảng Tài chính và còn lại 100 tỷ đồng đến từ mảng Vận tải.
Lũy kế từ đầu năm, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 222.752 tỷ đồng, với 13 đợt phát hành ra công chúng trị giá 22.773 tỷ đồng (chiếm 10,2% tổng giá trị phát hành) và 206 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 199.979 tỷ đồng (chiếm 89,8% tổng số).
Các doanh nghiệp đã mua lại 5.774 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 8. Tính từ đầu năm đến nay, tổng giá trị trái phiếu đã được mua lại trước hạn đạt 116.182 tỷ đồng, giảm 22,5% so với cùng kỳ năm 2023. Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu, chiếm khoảng 70,5% tổng giá trị mua lại trước hạn (tương ứng khoảng 81.904 tỷ đồng).
Trong tuần, giá trị giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trung bình ngày đạt 2.825 tỷ đồng, tăng 3,16% so với tuần trước. Các tổ chức phát hành có trái phiếu được giao dịch nhiều nhất là Ngân hàng TMCP Á Châu (2.565 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Bảo Việt (1.605 tỷ đồng) và CTCP Dịch vụ Giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn (1.428 tỷ đồng).
Tính từ đầu năm đến nay, tổng giá trị giao dịch trái phiếu phát hành riêng lẻ đạt 623.000 tỷ đồng.
Trong ngắn hạn (26/8-1/9) ghi nhận có 14 lô trái phiếu sẽ đến hạn đến từ mảng Dịch vụ tiêu dùng, Bất động sản, Năng lượng, Ngân hàng và Tài chính. Tổng giá trị trái phiếu đến hạn trong tuần là 9.972 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, VBMA ghi nhận có 3 đơn vị đã lên kế hoạch huy động vốn từ kênh trái phiếu.
Đầu tiên là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ trong quý III và IV năm 2024 với tổng giá trị tối đa 4.000 tỷ đồng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, kỳ hạn trên 5 năm.
Tiếp theo là, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ được chia làm 15 đợt trong năm 2024. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, và không tài sản đảm bảo với giá trị tối đa 15.000 tỷ đồng. Mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, kỳ hạn tối đa 5 năm.
Cuối cùng là Tổng CTCP Phát triển Đô Thị Kinh Bắc đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ trong quý III/2024 với tổng giá trị tối đa 1.000 tỷ đồng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo, mệnh giá 1tỷ đồng/trái phiếu. Trái phiếu có kỳ hạn 2 năm với lãi suất cố định 10,5%/năm.
Áp lực đáo hạn trái phiếu nhẹ nhàng hơn trong những tháng cuối năm
Trong phần còn lại của năm 2024, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 114.953 tỷ đồng. 38,4% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm Bất động sản với khoảng 44.129 tỷ đồng, theo sau là nhóm Ngân hàng với gần 19.093 tỷ đồng (chiếm 16,6%).
Trong báo cáo thị trường trái phiếu của Chứng khoán MBS, công ty này ước tính khoảng 49.400 tỷ và 34.600 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp sẽ lần lượt đáo hạn trong quý III và quý IV, con số này thấp hơn nhiều so với mức đỉnh năm nay là 69.100 tỷ đồng trong quý II vừa qua.
Tình hình chậm trả cũng có những dấu hiệu tích cực hơn, theo MBS từ đầu tháng tới ngày 20/8, công ty chỉ ghi nhận rất ít thông báo liên quan tới chậm trả trái phiếu. Hiện tại, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm các nghĩa vụ thanh toán ước khoảng 209.200 tỷ đồng, chiếm 30% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của toàn thị trường, trong đó nhóm ngành bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 68% giá trị chậm trả.
Trong tuần từ 19-23/8, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova xin chậm thanh toán lãi cho 3 lô trái phiếu mã NVL2020-02-450; NVL2020-02-100 và NVL2020-02-150.