Thí điểm khu công nghiệp sinh thái theo tiêu chí toàn cầu
Theo Quy hoạch tỉnh đến năm 2030, Đồng Nai sẽ có 48 khu công nghiệp với hơn 18 nghìn ha. Tỉnh sẽ ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao; đồng thời, chuyển đổi, thành lập mới các khu công nghiệp cao, khu công nghiệp xanh, sinh thái.
Các cụm công nghiệp sẽ thu hút các cơ sở làng nghề, doanh nghiệp nhỏ vào hoạt động và cũng sẽ được đầu tư theo hướng xanh để sản phẩm đủ điều kiện xuất khẩu.
Hiện nay, Đồng Nai đã thành lập 33 khu công nghiệp, trong đó có 31 khu công nghiệp đang hoạt động. Từ nhiều năm trước, tỉnh đã khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư công nghệ, chuyển đổi số để hình thành các nhà máy xanh, thông minh. Nhiều khu công nghiệp ở Đồng Nai được đánh giá cao về chất lượng trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp và bảo vệ môi trường như: Amata, Loteco, Biên Hòa 2, Nhơn Trạch 2, Nhơn Trạch 3… Đây cũng là nền tảng để hình thành các khu công nghiệp xanh, sinh thái.
Phát triển các khu công nghiệp thế hệ mới theo mô hình sinh thái, xanh đã trở thành xu thế tất yếu trên phạm vi toàn cầu. Mục đích là để thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững hướng đến một tương lai xanh.
Đồng Nai được Bộ Kế hoạch và đầu tư chọn là 1 trong 6 địa phương triển khai thí điểm khu công nghiệp sinh thái theo tiêu chí toàn cầu, với khu công nghiệp Amata (TP. Biên Hòa). Dự kiến khi hoàn thành sẽ nhân rộng mô hình này ra các khu công nghiệp ở Đồng Nai, cũng như nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Khung quốc tế về khu công nghiệp sinh thái bao gồm 4 khía cạnh: quản lý khu công nghiệp, môi trường, kinh tế và xã hội. Qua quá trình thực hiện, khoảng 18 doanh nghiệp trong khu công nghiệp tham gia thực hiện việc đánh giá sản xuất sạch hơn.
Có 8 giải pháp được đưa ra áp dụng, ước tính tiết kiệm khoảng 1,4 ngàn tỷ đồng/năm; giảm phát thải khí nhà kính 552,9 tấn CO2/năm; giảm phát sinh nước thải 4,8 ngàn m3/năm.
Kết quả trên cho thấy, khu công nghiệp Amata hiện đã tiệm cận với nhiều chỉ tiêu theo khung quốc tế về khu công nghiệp sinh thái toàn cầu. Giai đoạn tiếp theo, các giải pháp cộng sinh công nghiệp, tái sử dụng chất thải và sử dụng năng lượng tái tạo sẽ được đẩy mạnh nhằm đáp ứng đầy đủ bộ tiêu chí của khu công nghiệp sinh thái.
Hướng tới đi đầu trong phát triển công nghiệp xanh, hoàn thành mục tiêu net zero
Mục tiêu của tỉnh đến năm 2030 sẽ trở thành địa phương có kinh tế lớn thứ 3 cả nước. Trong cơ cấu kinh tế, công nghiệp – xây dựng chiếm hơn 58%. Vì công nghiệp vẫn là chủ lực trong phát triển kinh tế nên tỉnh sẽ tập trung thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao vào các khu công nghiệp trên địa bàn.
Thời gian qua, Đồng Nai đã triển khai thực hiện các giải pháp đẩy mạnh thu hút các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Các khu vực tỉnh chọn quy hoạch phát triển khu công nghiệp có vị trí thuận lợi về cơ sở hạ tầng, có địa chất tốt, chi phí xây dựng công trình ít tốn kém. Tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, khu công nghiệp chuyên sâu công nghiệp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Với tư duy đột phá, phát huy tốt các tiềm năng và lợi thế, Đồng Nai xác định tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh sẽ là một trong các cực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam, đi đầu trong phát triển công nghiệp xanh, sinh thái, hoàn thành mục tiêu net zero.
Để đạt net zero cần có những chính sách và sự hợp tác của nhiều bên. Các doanh nghiệp không thể tiến hành riêng biệt mà phải liên kết thành một thực thể, tạo thành chuỗi, hướng đến sản xuất tuần hoàn, tạo thành một chuỗi cung ứng từ đầu vào tới đầu ra. Net zero cần tiến tới giải phóng sức lao động, chuẩn hóa trang thiết bị máy móc để giảm khí thải carbon, nâng cao hiệu quả sản xuất, hiệu quả lao động và môi trường. Đồng Nai cần tăng cường chuyển giao áp dụng tiến bộ kỹ thuật, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại, ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, loại bỏ các dự án ảnh hưởng tới môi trường sinh thái…
Đình Sơn