Phát biểu tại hội thảo “Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp” do Thời báo Ngân hàng tổ chức ngày 25.7, tại Hà Nội, Phó thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, 6 tháng đầu năm, kinh tế thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp và khó lường.
Sản xuất, thương mại toàn cầu khó khăn; lạm phát ở mức cao; chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài…
Trong nước, tăng trưởng kinh tế thấp hơn kịch bản đề ra trong bối cảnh cầu thế giới giảm và những khó khăn nội tại của nền kinh tế: các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp; hậu quả của đại dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài, sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn; lạm phát đối diện với nhiều yếu tố tiềm ẩn rủi ro…
“Những diễn biến này đã khiến tăng trưởng kinh tế thế giới và trong nước phục hồi chậm và còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp”, ông Tú nói, và nhận định đây cũng là nguyên nhân chính khiến tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm của ngành ngân hàng ở mức thấp.
Tín dụng 6 tháng đầu năm tăng chậm so với cùng kỳ các năm trước. Đến ngày 30.6, tín dụng đối với nền kinh tế mới chỉ tăng 4,73% so với cuối năm 2022.
“Chưa bao giờ NHNN điều hành chính sách tiền tệ khó như hiện nay. Bởi lẽ, điều hành chính sách tiền tệ trong nền kinh tế mở cửa không thể tránh những tác động từ chính sách tài chính, tiền tệ nói chung và từ các quốc gia khác. Đặc biệt, nền kinh tế Việt Nam cũng rất khó khăn sau 2 năm đại dịch, sức chống chịu của doanh nghiệp đã bị bào mòn”, ông Tú nhấn mạnh.
Tiếp tục giảm lãi suất nếu có điều kiện
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, cho biết bắt đầu từ quý 4/2022 đến nay, các ngành như may mặc, chế biến, chế tạo, xuất khẩu… đều rơi vào khó khăn. Đối với May 10, các đơn hàng xuất khẩu cho các thị trường truyền thống sụt giảm khá lớn, từ 20 – 30% so với 6 tháng cùng kỳ năm 2022.
Do tổng cầu giảm, nhu cầu về vốn của doanh nghiệp không cao như năm 2022. “Rõ ràng có thể thấy, nhu cầu vốn phụ thuộc vào tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; khi doanh nghiệp dần hồi phục thì cầu tín dụng cũng sẽ tăng lên”, ông Việt nói.
Theo ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, thời gian tới cần thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp qua chính sách tiền tệ như tiếp tục giãn, khoanh nợ, giảm lãi suất thị trường cũng như thực hiện các gói tín dụng ưu đãi, đặc biệt là chính sách tài khóa như giãn, giảm thuế phí.
Phó thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú
Về phía NHNN, giải pháp đưa ra là tiếp tục theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp; tiếp tục có biện pháp khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh…
“Về chi phí vốn cho doanh nghiệp, NHNN sẽ tiếp tục giảm lãi suất nếu có điều kiện. Trường hợp NHNN chưa có điều kiện thì các ngân hàng thương mại phải hạ lãi suất cho vay trên cơ sở giảm chi phí, những khoản chi có thể để hỗ trợ cho doanh nghiệp”, ông Tú nhấn mạnh.
Nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn và hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp, ngoài giải pháp, chính sách từ ngành ngân hàng, một số ý kiến tại hội thảo cho rằng, các bộ, ngành cần có các giải pháp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Tập trung khai thác, vận dụng và phát huy có hiệu quả, thực chất các hiệp định thương mại tự do. Qua đó, thúc đẩy xuất khẩu và gia tăng các đơn hàng xuất khẩu; thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm và gia tăng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế đối với hệ thống ngân hàng…
Về phía các doanh nghiệp, NHNN đề nghị cần xây dựng các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi; tăng cường quản lý thanh khoản, dòng tiền của các phương án kinh doanh; không sử dụng nguồn vốn sai mục đích, tận dụng để bù đắp cho những phương án kinh doanh không hiệu quả.
Riêng đối với nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần nâng cao năng lực quản trị điều hành, xây dựng các phương án, dự án sản xuất, kinh doanh khả thi, minh bạch tình hình tài chính… để các tổ chức tín dụng có cơ sở thẩm định, quyết định cho vay, cũng như tăng khả năng tiếp cận các nguồn vốn từ các kênh huy động khác (như phát hành cổ phiếu, trái phiếu…).