Sáng 14/10, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 24.161 VND/USD, giảm 14 đồng so với 11/10. Với biên độ +/-5%, tỷ giá trần là 25.269 VND/USD; tỷ giá sàn là 22.952 VND/USD.
Tỷ giá USD/VND tại Vietcombank đi ngang so với cuối tuần trước, giao dịch tại 24.610 – 25.000 VND/USD (mua vào – bán ra).
Trong khi đó, Agribank niêm yết giá USD mua vào – bán ra ở mức 24.630 – 24.990 VND/USD, giảm 30 đồng chiều mua vào và 20 đồng chiều bán ra so với cuối tuần trước.
Một số ngân hàng khác như SHB niêm yết tỷ giá giảm 14 đồng chiều mua vào và 25 đồng chiều bán ra so với cuối tuần trước, giao dịch tại 23.423 và 25.020 VND/USD.
Ở chiều ngược lại, BIDV tăng 16 đồng chiều mua vào và 36 đồng chiều bán ra, tỷ giá BIDV niêm yết ngày 14/10 là 24.665 – 25.015 VND/USD.
Sacombank tăng 30 đồng chiều mua vào và 20 đồng chiều bán ra, giao dịch tại 24.660 – 25.020 VND/USD.
Sáng 14/10, một số điểm mua bán ngoại tệ tự do tại Hà Nội, giá USD mua vào – bán ra tăng 10 đồng so với phiên cuối tuần trước, giao dịch tại 25.250 – 25.350 VND/USD. Trong tuần trước (7-11/10), tỷ giá trên thị trường tự do biến động theo xu hướng tăng. Chốt phiên 11/10, tỷ giá tự do tăng 130 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên 4/10, giao dịch tại 25.240 VND/USD và 25.340 VND/USD.
Trên thị trường thế giới, lúc 10h ngày 14/10 (giờ Việt Nam), chỉ số USD Index tăng nhẹ lên mức 102,86 điểm so với 102,84 điểm ngày 13/10.
Theo Reuters, đồng USD đã chạm mức cao nhất kể từ giữa tháng 8 khi các nhà đầu tư đánh cược rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không còn mạnh tay cắt giảm lãi suất từ nay đến cuối năm.
Kết thúc tuần trước (7-11/10), đồng USD tăng hơn 0,4%, đánh dấu tuần tăng điểm thứ hai liên tiếp trong tháng 10 khi thị trường giảm kỳ vọng vào khả năng Fed sẽ tiếp tục cắt giảm mạnh lãi suất trong các cuộc họp còn lại của năm nay. Dữ liệu đáng chú ý trong ngày cuối tuần cho thấy chỉ số giá thành sản xuất PPI tại Mỹ không đổi trong tháng 9 vừa qua, cung cấp thêm tín hiệu cho thấy lạm phát đang trên đà hạ nhiệt. Trong khi đó, khảo sát cho thấy niềm tin tiêu dùng tại Mỹ đã giảm trở lại sau 2 tháng tăng trưởng trước đó do ảnh hưởng bởi giá cả tăng cao trong nền kinh tế. Thị trường hiện đang dự kiến khoảng 90% khả năng Fedchỉ cắt giảm lãi suất 0,25% trong 2 cuộc họp vào tháng 11 và 12 sắp tới.
Trong tuần trước, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng ở hầu hết các phiên. Chốt ngày 11/10, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.175 VND/USD, tăng 42 đồng so với phiên 4/10.
Từ 7 đến 11/10, tỷ giá liên ngân tăng mạnh phiên đầu tuần rồi giảm dần các phiên sau đó. Kết thúc phiên 11/10, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 24.818, tăng 48 đồng so với phiên 4/10. Theo Khối thị trường tài chính của ACB, dù đồng USD trên thị trường thế giới giữ đà tăng trong tuần trước nhưng một số nguồn ngoại tệ về thị trường kết hợp với lực bán chiếm ưu thế trên liên ngân hàng vào thời điểm cuối tuần là yếu tố hỗ trợ chính giúp tỷ giá liên ngân hàng hạ nhiệt dần về cuối tuần. Các chuyên gia dự báo nhiều khả năng tỷ giá liên ngân hàng tiếp tục có thêm nhịp điều chỉnh giảm ngắn hạn trong tuần này.
Tuần từ 7 – 11/10, lãi suất VND liên ngân hàng tiếp tục giảm mạnh ở tất cả các kỳ hạn từ 1tháng trở xuống. Chốt ngày 11/10, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: quađêm 3,22% (-0,50 đpt); 1 tuần 3,45% (-0,45 đpt); 2 tuần 3,62% (-0,40 đpt); 1 tháng 3,90% (-0,27 đpt).
Lãi suất USD liên ngân hàng trong tuần vẫn ít biến động ở tất cả các kỳ hạn. Phiên 11/10, lãi suất USD liên ngân hàng đóng cửa ở mức: qua đêm 4,83% (không đối); 1 tuần 4,89% (không đổi); 2 tuần 4,92% (-0,01 đpt) và 1 tháng 4,94% (không đối).
Trên thị trường mở, tuần từ 07 – 11/10, Ngân hàng Nhà nước chào thầu kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 15.000 tỷ đồng ở kênh cầm cố (OMO), lãi suất giữ nguyên ở mức 4%. Không có khối lượng trúng thầu, có 10.791,47 tỷ đồng đáo hạn trong tuần qua.
Ngân hàng Nhà nước không chào thầu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước và cũng không có khối lượng đáo hạn trên kênh này.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước hút ròng 10.791,47 tỷ đồng từ thị trường trong tuần từ 7-11/10 bằng kênh thị trường mở. Không còn khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố cũng như không còn tín phiếu lưu hành trên thị trường.