Thủ kho lấy mẫu, kiểm tra chất lượng gạo trước khi xuất kho dự trữ quốc gia. |
Chính sách nhân văn
Theo Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN), thực hiện quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP (Nghị định số 116), căn cứ báo cáo của UBND các tỉnh về nhu cầu hỗ trợ gạo học sinh năm học 2023 – 2024; Bộ Tài chính đã thực hiện hoàn thành xuất cấp hơn 68.572 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia (DTQG) hỗ trợ cho 517.742 học sinh của 41 tỉnh.
Theo báo cáo đánh giá của các địa phương, chính sách hỗ trợ bằng nguồn gạo DTQG mang lại hiệu quả thiết thực; góp phần giảm bớt khó khăn cho gia đình và nhà trường; tạo điều kiện thuận lợi để các em học sinh có nhiều thời gian học tập, tham gia các hoạt động tập thể trong nhà trường và giao tiếp xã hội; góp phần nâng cao tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi tới trường; hạn chế tình trạng học sinh bỏ học (nhất là đối tượng học sinh nghèo, học sinh vùng cao, dân tộc thiểu số ít người); đi học không chuyên cần do khoảng cách từ nhà đến trường quá xa, địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn; chất lượng học tập ngày càng nâng cao; đồng thời góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Hỗ trợ cho học sinh 40 tỉnh, thành phố Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong năm học 2024 – 2025 tổng số lượng gạo dự trữ quốc gia sẽ được ngành DTNN xuất cấp, vận chuyển, bàn giao là trên 72.666,15 tấn để hỗ trợ cho 541.501 học sinh của 40 tỉnh, thành phố (gồm học kỳ I là trên 37.379,52 tấn và học kỳ II là trên 35.286,6 tấn). 20 tỉnh báo cáo còn dư 413.052,8 kg gạo đã tiếp nhận của năm học cũ (2023 – 2024) chưa sử dụng hết, đang bảo quản để chuyển sang cấp cho năm học mới. |
Theo ông Lê Bá Thanh – Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý hàng dự trữ – Tổng cục DTNN, để bảo đảm có gạo hỗ trợ cho các em học sinh trước thời điểm khai giảng năm học 2023-2024, căn cứ Quyết định của Bộ Tài chính, Tổng cục DTNN đã ban hành Quyết định giao nhiệm vụ cho các cục DTNN khu vực xuất cấp gạo cho các địa phương. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị dự trữ được giao nhiệm vụ xuất gạo triển khai tổ chức vận chuyển, giao gạo cho các địa phương đảm bảo số lượng, chất lượng và thời gian quy định. Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng gạo xuất cấp, các cục DTNN khu vực đã chủ động hướng dẫn các địa phương (các trường được tiếp nhận gạo) thực hiện công tác bảo quản tại nơi sử dụng, thông qua đó chất lượng gạo hỗ trợ học sinh khi đưa vào sử dụng luôn được đảm bảo.
Đề cập tới công tác phân bổ, tiếp nhận gạo, tại báo cáo của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ cho thấy, tại các địa phương, UBND các tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan như: Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính, UBND các huyện phối hợp chặt chẽ với đơn vị DTNN để tổ chức tiếp nhận gạo được hỗ trợ từ trung tâm quận, huyện, thị xã, thành phố đến các trường để cấp phát gạo cho học sinh. Công tác tiếp nhận, phân phối được thực hiện đầy đủ nghiêm túc, đảm bảo tính chính xác, khách quan có sự tham gia giám sát của các đoàn thể, cộng đồng dân cư và chính quyền địa phương. Gạo DTQG xuất cấp để hỗ trợ học sinh đảm bảo về chất lượng, được quản lý chặt chẽ, có đầy đủ hồ sơ liên quan đến cấp phát gạo, hỗ trợ đúng đối tượng, đúng mục đích theo quy định.
Đề xuất bổ sung đối tượng thụ hưởng chính sách
Chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh vùng khó khăn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ thực hiện trong năm học qua đã đạt được rất nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các địa phương có những đề xuất để chính sách này phát huy hiệu quả cao hơn. Theo đó, một số địa phương đề nghị Trung ương tiếp tục ban hành các chính sách hỗ trợ cho học sinh bán trú, hỗ trợ cơ sở vật chất, trong đó xây dựng nhà kho đúng tiêu chuẩn để các trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có tổ chức nấu ăn cho học sinh bán trú bảo quản gạo nấu ăn hàng ngày cho học sinh. Tăng cường hỗ trợ các địa phương xây dựng mạng lưới trường phổ thông dân tộc bán trú cho học sinh để việc hỗ trợ các chính sách theo Nghị định số 116 dễ dàng thuận lợi và phát huy hiệu quả tốt hơn.
Bên cạnh đó, một số địa phương đã đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung đối tượng, điều kiện học sinh được hưởng chính sách theo Nghị định số 116, cụ thể: Bổ sung đối tượng là học sinh đang theo học cấp trung học phổ thông tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên có hộ khẩu thường trú tại các xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn thuộc hộ nghèo được hưởng chính sách. Bổ sung điều kiện được hưởng chính sách đối với đối tượng là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú tại xã, thôn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn đang theo học tại các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông phải là con hộ nghèo theo quy định.
Để bảo đảm chính sách hỗ trợ gạo của Chính phủ cho học sinh mang lại hiệu quả xã hội cao nhất, Bộ Tài chính cho biết, năm 2024 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Tờ trình số 393/TTr-BGDĐT ngày 22/4/2024 trình Chính phủ xem xét phê duyệt Nghị định quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách (thay thế Nghị định số 116).
Còn về kiến nghị bổ sung đối tượng, điều kiện học sinh hưởng chính sách hỗ trợ, theo Bộ Tài chính, nội dung này đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng hợp, bổ sung vào dự thảo Nghị định mới (thay thế Nghị định số 116). 3 đối tượng được bổ sung mới, gồm: Đối tượng là trẻ em nhà trẻ bán trú học tại các cơ sở giáo dục mầm non; Đối tượng học sinh được hưởng chính sách học sinh bán trú; Đối tượng học viên được hưởng chính sách bán trú.
Các nguyên nhân chậm trong rà soát, phê duyệt đối tượng hỗ trợ Theo báo cáo của một số tỉnh như: Điện Biên, Phú Thọ, Bắc Giang, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, trong năm học 2023 -2024 việc rà soát, phê duyệt đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ gạo còn chậm, phải điều chỉnh tăng hoặc giảm nhiều lần. Các nguyên nhân chính gây nên gồm: Học sinh được hỗ trợ sống ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số, học sinh còn bỏ học, chuyển trường; một số trường học không có nhà bán trú, bếp nấu ăn tại trường, học sinh phải đi ở nhờ, ở trọ gần trường; còn có một số phụ huynh khai báo không trung thực về khoảng cách từ nhà đến trường dẫn đến việc sai đối tượng thụ hưởng; một số học sinh nộp hồ sơ không đúng thời gian quy định; việc phối hợp giữa các trường với chính quyền địa phương để triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đôi lúc chưa sâu sát nên phải điều chỉnh tăng hoặc giảm nhiều lần, ảnh hưởng đến thời gian, tiến độ cấp gạo cho học sinh. Tiếp đến là một số đối tượng học sinh thụ hưởng chính sách hỗ trợ theo điều kiện hộ nghèo, cận nghèo tính theo năm dương lịch, nhưng chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh tính theo năm học (học kỳ I bắt đầu từ tháng 9 năm trước, kết thúc học kỳ II là tháng 5 của năm sau) nên các tỉnh phải rà soát, điều chỉnh lại số lượng gạo nên ảnh hưởng đến thời gian, tiến độ cấp gạo. Bên cạnh đó, học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ thường dao động giữa học kỳ I và học kỳ II, số tháng được hưởng cũng khác nhau nên gặp khó khăn trong quá trình dự báo số học sinh và số gạo cần hỗ trợ trong năm học. |