Theo dự báo mới nhất từ Công ty Nghiên cứu và tư vấn công nghệ thông tin Gartner Inc, doanh thu bán dẫn toàn cầu năm 2024 dự kiến đạt 624 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2023. Đến năm 2025, con số này tiếp tục tăng 15,5% so với cùng kỳ, lên 721 tỷ USD.
Với mức tăng trưởng hai con số đạt được trong những năm gần đây và nhu cầu chip ngày một gia tăng trước làn sóng xe điện, trung tâm dữ liệu và các ngành công nghệ mới nổi như Internet Vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) và mạng 5G, Gartner Inc dự báo doanh thu ngành bán dẫn toàn cầu có thể chạm mức 1.000 tỷ USD vào năm 2030.
THỊ TRƯỜNG THIẾT BỊ BÁN DẪN TĂNG THEO
Với triển vọng phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn thời gian tới, Hiệp hội Công nghiệp bán dẫntoàn cầu (SEMI) cho rằng thị trường thiết bị bán dẫn toàn cầu cũng sẽ tăng theo. Theo đó, chi tiêu toàn thế giới cho thiết bị bán dẫn dự kiến sẽ tăng 24% lên 123 tỷ USD vào năm 2025, sau khi đạt khoảng hơn 100 tỷ USD vào năm 2024.
Trong đó, Trung Quốc được dự đoán trở thành quốc gia chi tiêu nhiều nhất cho thiết bị sản xuất chip với mức chi tiêu kỷ lục 50 tỷ USD trong năm 2024, sau khi đã chi 25 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm.
Cũng theo SEMI, với việc thực hiện hàng loạt chiến lược tăng tốc ngành bán dẫn trong thời gian qua của các cường quốc bán dẫn như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Ấn Độ… và sự chuyển hướng đầu tư sang khu vực Đông Nam Á, chi tiêu hàng năm cho thiết bị bán dẫn tại khu vực Đông Nam Á cũng gia tăng đáng kể. Trong bối cảnh này, các nhà sản xuất bán dẫn tại Việt Nam được dự báo cũng sẽ gia tăng chi tiêu ngân sách cho các thiết bị bán dẫn nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường bán dẫn toàn cầu cũng như mở rộng cơ sở sản xuất mới.
Các nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip hàng đầu thế giới hiện nay gồm Applied Materials, Lam Research và KLA của Mỹ; ASML của Hà Lan và Tokyo Electron của Nhật Bản… Theo ông Kees van Baar, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam, các nhà sản xuất bán dẫn tại Việt Nam hiện đang sử dụng nhiều thiết bị bán dẫn từ Hà Lan trong các quá trình sản xuất chip từ thiết kế và R&D. Điều này cho thấy cơ hội hợp tác giữa Hà Lan và Việt Nam trong lĩnh vực này rất tiềm năng.
“Chuỗi cung ứng sản xuất thiết bị bán dẫn vốn rất đồ sộ với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ trên toàn thế giới trong nhiều phân khúc. Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng và phát huy ngành công nghiệp hỗ trợ hiện có để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị này. Sản xuất thiết bị là trụ cột của ngành công nghiệp bán dẫn Hà Lan và chúng tôi sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để cùng đóng góp vào sự phát triển chung của ngành bán dẫn toàn cầu”, Đại sứ Hà Lan nhấn mạnh.
Sự sẵn sàng này tiếp tục được khẳng định bởi BESI (một doanh nghiệp chuyên cung cấp thiết bị đóng gói công nghệ cao của Hà Lan) mới đây đã thiết lập cơ sở mới tại TP.HCM. Ông Steven Lim KT, Phó Chủ tịch Dự án chiến lược Việt Nam của BESI, cho biết doanh nghiệp của ông rất hào hứng khi tham gia thị trường bán dẫn Việt Nam. Hay Sioux (một tập đoàn của Hà Lan khác) cũng lựa chọn Việt Nam làm cơ sở để phát triển trong nhiều năm qua và cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hơn nữa trong thời gian tới.
THAM GIA VÀO NGÀNH THIẾT BỊ BÁN DẪN
Theo ông Nguyễn Đức Tâm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong bối cảnh ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đang bùng nổ, Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành một trung tâm cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện, cụm lắp ráp… cho ngành sản xuất thiết bị bán dẫn, từ đó ngày càng tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị của ngành thiết bị bán dẫn toàn cầu.
“Với nhân lực dồi dào và chi phí sản xuất cạnh tranh, Việt Nam đủ khả năng khai thác những cơ hội này để vươn lên mạnh mẽ”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm nhấn mạnh.
Theo đó, xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ cho ngành công nghiệp bán dẫn, đặc biệt trong sản xuất thiết bị, là vô cùng cần thiết. Trong đó, sự kết nối, hợp tác giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ là yếu tố then chốt giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững cho các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào chuỗi giá trị này.
Chia sẻ về chuỗi cung ứng và hệ sinh thái sản xuất của mình, ông Hans Duisters, nhà sáng lập Brainport Industries, Giám đốc điều hành Tập đoàn Sioux, cho biết tập đoàn hiện đang tập trung vào các thiết bị công nghệ cao và các cơ hội hợp tác với Việt Nam rất lớn. “Việt Nam đã đưa ra những mục tiêu, chiến lược rõ ràng để phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn. Thực tế Việt Nam khá thành công trong việc thực hiện mục tiêu này. Đây là lý do chúng tôi lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư trong việc phát triển mảng thiết kế phần mềm bán dẫn. Chúng tôi nhìn thấy những cơ hội phát triển ở Việt Nam”, ông Hans Duisters nhấn mạnh.
Ông Andrew Goh, Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn khu vực Đông Nam Á của SEMI, Phó Chủ tịch Tập đoàn Lam Research, cho biết hiện nay tập đoàn có sự tham gia của hàng trăm nhà cung ứng nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất các thiết bị bán dẫn. Với triển vọng và vị thế ngày càng tăng, Việt Nam đang là điểm đến được Lam Research nghiên cứu để cùng tham gia chuỗi cung ứng. “Chúng tôi đang lên kế hoạch lấy nguồn hàng từ Việt Nam để chuyển sang các quốc gia khác sản xuất. Do vậy, chúng tôi đang có nhu cầu tìm kiếm đối tác, đặc biệt là những đối tác đi theo nguyên tắc phát triển xanh và ESG, để cùng đồng hành”, ông Andrew nhấn mạnh.
Theo bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), với nền tảng phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ hiện nay, Việt Nam hoàn toàn có khả năng hợp tác với các doanh nghiệp bán dẫn trong hệ sinh thái.
“Các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ hỗ trợ của Việt Nam có tinh thần cầu tiến rất tốt, đội ngũ nhân lực và hạ tầng phục vụ cho ngành công nghiệp bán dẫn ngày càng được cải thiện. Vấn đề hiện nay là thúc đẩy kết nối giữa các doanh nghiệp cung cấp thiết bị bán dẫn với các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, điều tương tự như các chuỗi cung ứng khác mà doanh nghiệp Việt Nam từng tham gia”, bà Bình khuyến nghị.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 46-2024 phát hành ngày 11/11/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam