Thị trường bán dẫn Việt Nam được dự báo sẽ đạt quy mô 7,01 tỷ USD vào năm 2028 (theo Hiệp hội Bán dẫn toàn cầu – SEMI), còn trong chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam thì mục tiêu quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 25 tỷ USD/năm (giai đoạn 2024-2030). Từ những con số trên, với kinh nghiệm hàng chục năm “chinh chiến” trong lĩnh vục bán dẫn, ông nhìn nhận như thế nào về tiềm năng thị trường ngành bán dẫn tại Việt Nam?
Nếu như thị trường điện thoại hay máy ảnh… thì rất dễ hình dung, nhưng với công nghiệp bán dẫn thì khó xác định hơn bởi nó đan xen ở nhiều lĩnh vực, thành phần khác nhau, tập trung vào ba phần gồm ba phần (công đoạn): thiết kế, sản xuất và đóng gói, kiểm thử. Còn khi nói về thị trường bán dẫn Việt Nam thì phải bám vào việc triển khai – tức trong công nghiệp bán dẫn có những thành phần nào đang tham gia vào và tạo ra doanh thu.
Cụ thể, phần thiết kế, Việt Nam đang có khá nhiều các công ty sở hữu sản phẩm chip, IP hay thiết kế thuê ngoài (outsource), chẳng hạn như Qorvo Việt Nam là doanh nghiệp thiết kế sở hữu sản phẩm chip hay tương tự là các doanh nghiệp thiết kế khác như Renesas, Marvell, Ampere, Synopsys… thì thị trường ở đây là nhóm các doanh nghiệp này có khả năng đóng góp bao nhiêu doanh thu.
Phần chế tạo (sản xuất) và đóng gói, kiểm thử, chúng ta được nghe nhiều đến là Intel, Amkor và sẽ còn có nhiều công ty sắp gia nhập thị trường.
Tóm lại, thị trường bán dẫn (của Việt Nam) là từng doanh nghiệp tham gia vào và mỗi doanh nghiệp có khả năng tạo ra doanh thu nào đó, thậm chí kể cả các doanh nghiệp hoạt động ở Việt Nam nhưng chưa chắc đã bán sản phẩm ở thị trường Việt Nam, chẳng hạn như Qorvo Việt Nam, hầu hết các sản phẩm của chúng tôi được bán ở các thị trường khác ngoài Việt Nam nhưng quy mô ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam thì chắc chắn có sự đóng góp của Qorvo.
Với mục tiêu cho giai đoạn 2024-2030 trong chiến lược phát triển ngành bán dẫn của Việt Nam là 25 tỷ USD/năm và hiện tại doanh thu công nghiệp bán dẫn của Việt Nam khoảng 7 tỷ USD với mức tăng 3 lần trong 6 năm là rất tham vọng, tương đối khó với quy luật thông thường, nhưng tôi nghĩ hoàn toàn có khả năng để đạt mục tiêu cho giai đoạn tính đến năm 2030 với sự vào cuộc mạnh mẽ của Chính phủ và các bộ, ban, ngành.
Theo chủ quan của ông, điều kiện, thời thế hiện nay của Việt Nam để thực hiện mục tiêu đầy tham vọng trên là như thế nào?
Thuận lợi, hay thời thế của Việt Nam chính là nguồn nhân lực, nên tham vọng ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam là không mơ hồ. Đối với nhà hoạch định chính sách, con số 25 tỷ USD chắc chắn được tính toán đưa ra dựa trên nhiều sở cứ, dữ liệu khác nhau. Tôi cho rằng Việt Nam đang có lợi thế, chỉ là lợi thế đó chưa được khai phá đúng mực. Nhưng rất may là Nhà nước đang rất tập trung đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực.
Vì sao nguồn nhân lực của Việt Nam lại đóng vai trò then chốt? Thứ nhất, Việt Nam đang có lực lượng lao động dồi dào. Thứ hai, lực lượng lao động trẻ với mức chi phí hợp lý. Thứ ba, người Việt nói chung và người trẻ nói riêng rất yêu khoa học cơ bản nên khi định hướng đúng thì các bạn học say mê và rất giỏi.
Ở Mỹ, mức lương rất cao dẫn đến thiếu lợi thế cạnh tranh trong làm sản phẩm, bao gồm cả mảng thiết kế, sản xuất đóng gói và kiểm thử. Bởi chi phí rất cao nên biên lợi nhuận xuống thấp, do đó doanh nghiệp sẽ tìm đến những nơi làm được sản phẩm nhưng giá thành sản phẩm rẻ hơn. Đó là lợi thế của Việt Nam.
Các tập đoàn bán dẫn toàn cầu, trong hoạt động sản xuất kinh doanh đều cố gắng duy trì chiến lược “China+1”, nghĩa là vẫn sản xuất tại Trung Quốc, sản phẩm cung cấp cho khách hàng Trung Quốc vì đây là thị trường rất rộng lớn. Còn bên ngoài Trung Quốc, các doanh nghiệp vẫn tìm đối tác, tìm nơi sản xuất, đóng gói và kiểm thử, do đó sẽ có nhiều nhà máy được mở ra. nhiều tên tuổi lớn như Amkor, Sunshin, Luxshare, Hane Micron… và sẽ còn nhiều công ty lớn tiếp tục đầu tư và mở rộng tại Việt Nam.
Thực tế, nếu sản xuất ở Hàn Quốc, Malaysia hay một số nơi khác thì chi phí cao, sẽ khó đảm bảo giá thành tốt, nếu Việt Nam tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng suất, kỷ luật lao động, Việt Nam sẽ là một điểm đến phù hợp cho các doanh nghiệp lớn trong nền công nghiệp bán dẫn, đặc biệt là về đóng gói và kiểm thử, từng bước sẽ là doanh nghiệp sản xuất, chế tạo (wafer fab).
Quá trình sản xuất chip bao gồm nhiều công đoạn, mỗi công đoạn đòi hỏi nhiều công nghệ xử lý tiên tiến, chẳng hạn như trong khâu đóng gói, sau khi chế tạo xong wafer, wafer sẽ được gửi đến nơi xử lý như mài mỏng (backgrind), cắt miếng (dicing), rồi sau đó để đính khuôn,… Việt Nam đang từng bước hoàn thiện hệ sinh thái và chỉ còn thiếu ở một vài công đoạn. Tôi tin rằng sẽ không lâu, các doanh nghiệp trong các công đoạn sản xuất chip đều có mặt tại Việt Nam, điều này sẽ giảm thiểu chi phí logistics, một con chip sau khi được sản xuất có thể đến tay khách hàng là các doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện tử cũng tại Việt Nam ngay trong ngày.
Nếu chỉ dựa vào trụ nguồn nhân lực thì có đủ không, thưa ông?
Tôi nghĩ rằng với nguồn nhân lực tốt, số lượng lớn được đào tạo tốt cả kỹ năng cứng và kỹ năng mềm, chúng ta sẽ thu hút được nhiều các công ty thiết kế là các tập đoàn thiết kế lớn trên thế giới muốn sử dụng nguồn nhân lực là các kỹ sư thiết kế của Việt Nam, từ đó tạo ra nhiều việc làm, cũng như từng bước gia tăng hàm lượng nghiên cứu và phát triển, từ đó Việt Nam sẽ có nhiều đội ngũ kỹ sư có chất lượng cao, chuyên nghiệp làm ra những con chip có khả năng cạnh tranh với thế giới.
Nguồn nhân lực dồi dào được đào tạo bài bản và chi phí phù hợp cũng sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp đóng gói và kiểm thử vào Việt Nam, tiến tới nhà máy sản xuất, chế tạo sẽ giúp Việt Nam gia tăng doanh thu thị trường chip toàn cầu.
Công thức C = SET+1 (C: Chip (chip bán dẫn); S: Specialized (chuyên dụng, chip chuyên dụng); E: Electronics (điện tử, công nghiệp điện tử); T: Talent (nhân tài, nhân lực); + 1: Việt Nam (Việt Nam là điểm đến mới an toàn của chuỗi cung ứng toàn cầu về công nghiệp bán dẫn – PV) là rất chuẩn xác. Mình phải rất chuyên dụng vào lĩnh vực nào đó. Mỗi một lĩnh vực chuyên dụng đòi hỏi những chuyên môn về con chip khác nhau, phải có nhiều kỹ sư hiểu tất cả các công đoạn đó mới có thể làm được con chip đầy đủ. Lúc đó, nếu muốn thì mới nghĩ đến việc chuyển giao công nghệ, nhưng có chuyển được hay không lại là việc khác. Cá nhân tôi cho rằng, thường những công nghệ tiên tiến sẽ chẳng ai chuyển giao, ví như chip 2nm, 1nm, giống chip vi xử lý cho điện thoại, máy tính, chip AI.
Như vậy, Việt Nam cần tiếp tục phải phát triển khoa học cơ bản, chọn những thứ mới và đầu tư xuyên suốt. Đây là nhiệm vụ của các trường đại học, các viện nghiên cứu, các giáo sư đầu ngành sẽ có góc nhìn chính xác hơn. Đơn cử như: mình nghiên cứu cái gì thật xa, còn người nào đi làm thuê thì cứ đi làm thuê, tạo ra sản phẩm hàng ngày. Còn làm chủ công nghệ thì phải tính toán làm chủ công nghệ gì. Làm chủ chip bình thường ở Việt Nam nhiều người làm chủ được rồi.
Tương tự tất cả các nội dung cụ thể mà mình có thể “nhảy” vào, ví dụ như làm chủ các chip tiêu dùng chẳng hạn. Nhưng vấn đề ở chỗ mình không có chuỗi cung ứng (supply chain) và thị trường của mình không đủ lớn để tạo ra quy mô sản xuất hàng loạt. Đấy mới là yếu tố quyết định chứ không phải việc mình có làm chủ được hay không.
Mình có vị thế nguồn lao động và mọi người đều đến đây sản xuất thì đến một lúc nào đó thị trường tự tạo ra nhu cầu.
Với chiến lược và mục tiêu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam hiện nay, theo ông, sẽ mở ra cơ hội như thế nào cho các doanh nghiệp bán dẫn nước ngoài, cả thiết kế, sản xuất và đóng gói, trong đó gồm cả Qorvo?
Rất nhiều cơ hội. Thứ nhất, với sự vào cuộc mạnh mẽ của Nhà nước, rất sát sao và quyết tâm giúp thúc đẩy phát triển công nghiệp bán dẫn, hy vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ rõ ràng. Khi doanh nghiệp gặp vướng sẽ được hỗ trợ nhanh chóng. Đó là góc độ chính sách.
Thứ hai, cả xã hội đang quan tâm vào lĩnh vực này, năm nay sinh viên thi vào chuyên ngành thiết kế vi mạch cũng phải 26-27 điểm mới đỗ – nghĩa là sẽ hội tụ và sản sinh nhiều tài năng trong vài năm tới. Ngày trước, không ai quan tâm tới lĩnh vực này nên tuyển dụng kỹ sư rất khó, thậm chí còn phải đi “nịnh” sinh viên về làm; giờ thì dễ hơn nhiều.
Vì có nhiều chính sách lớn như thế nên mọi người sẽ nhìn nhận đúng vai trò của lĩnh vực bán dẫn – là trụ cột của phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, do vậy dễ dàng tuyển người hơn. Khi có nhân sự thì sẽ tạo ra các tầng lớp nhân sự chất lượng và “đẻ” ra các công ty khác. Khi không có nhân lực thì không công ty nào muốn vào vì rủi ro cao. Nhưng giờ có sẵn nguồn nhân lực, từ một một team nhỏ (ví dụ trong mảng thiết kế) có thể làm được và có giá trị thật, các công ty mới vào có thể phát triển thành các team lớn hơn, đó chính là cơ hội để phát triển.
Vậy, các doanh nghiệp trong nước muốn “dấn thân” và con đường bán dẫn thì sao?
Với doanh nghiệp trong nước, mọi người nhìn thấy rõ thuận lợi về chính sách. Chẳng hạn như thành phố Đà Nẵng làm rất quyết liệt với nhiều chính sách vượt trội. Bắt đầu từ 1/1/2025 là miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp 5 năm trong lĩnh vực này. Nếu startup thành công, hoặc các hình thức mua bán doanh nghiệp về lĩnh vực này trong 5 năm cũng không mất thuế thu nhập, hoặc chuyển các doanh nghiệp đến thì được giảm các chi phi chuyển dịch, hay chi phí đầu tư ban đầu,… rất rõ ràng và ưu đãi.
Tuy nhiên, đó chỉ là ban đầu, quan trọng nhất là đầu ra cho sản phẩm. Việt Nam có quy mô dân số rất đẹp, 100 triệu người, không to không bé, đủ để tạo ra thị trường lớn. Nhưng Việt Nam lại ở cạnh “gã” khổng lồ về sản xuất là Trung Quốc có sẵn hệ sinh thái và chuỗi cung ứng, nên các doanh nghiệp sản xuất trong nước rất khó cạnh tranh với các doanh nghiệp sản suất từ Trung Quốc. Do vậy bán việc bán sản phẩm chip do doanh nghiệp nhỏ trong nước sản xuất là rất khó khăn.
Bởi vậy, căn cơ, theo tôi phải thúc đẩy công nghiệp điện tử bằng những cơ chế chính sách nào đó không vi phạm các cam kết quốc tế mà thúc đẩy các công ty sản xuất điện tử, trong đó ưu tiên chip bán dẫn được làm ở Việt Nam bất kể là doanh nghiệp Việt Nam hay doanh nghiệp FDI, như vậy mới thúc đẩy được ngành công nghiệp bán dẫn.
Từ những dẫn chứng và phân tích rất chuyên sâu ở trên, theo ông, trong công thức C = SET+1, tham số nào sẽ là quan trọng nhất?
E (điện tử, công nghiệp điện tử) quan trọng trọng số 1.
Công nghiệp bán dẫn cần được nhìn ở hai góc cạnh. Thứ nhất, khi mình làm chủ thì SET+1 giống như hệ thống, là mình muốn “ôm” con chip và sở hữu con chip và bán. Ví dụ như sản xuất điều hòa, tủ lạnh thì đưa con chip đó vào. Như vậy, công nghiệp điện tử rất quan trọng để trở thành đầu ra cho những con chip, để những doanh nghiệp ở Việt Nam, cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài sản xuất được, bán được, đầu tiên cần có một bệ đỡ, còn sân chơi thì phải toàn cầu. Khi đã làm chip thì phải tính đến sân chơi toàn cầu.
Thứ hai, là nguồn nhân lực, công nghiệp bán dẫn là vẫn tiếp tục phát triển đầu tư trực tiếp nước ngoài về thiết kế, đóng gói và kiểm thử, tiến tới sản xuất/chế tạo, giúp gia tăng số lượng chip được thiết kế và sản xuất tại Việt Nam, tăng trưởng về doanh thu cũng như phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Khi công nghiệp điện tử ở Việt Nam phát triển, nghĩa là có nhiều doanh nghiệp điện tử mua chip ở Việt Nam, do các công ty ở Việt Nam thiết kế và sản xuất, như thế sẽ thúc đẩy Make in Vietnam hoặc “almost make in Việt Nam” – là gần như hoàn toàn làm tại Việt Nam. Khi có một công ty điện tử sản xuất số lượng sản phẩm lớn và đặt hàng (chip) của công ty chip ở Việt Nam – cho dù có thể con chip đó không hoàn toàn sản xuất ở Việt Nam như nó là gần như hoàn toàn tại Việt Nam rồi, tức là mình sẽ đi vào từng bước vào chuỗi giá trị của công nghiệp bán dẫn.
Điện tử, công nghiệp điện tử là phần quan trọng nhất của công thức bán dẫn – hay “con đường bán dẫn” của Việt Nam như ông phân tích trên, nhưng ngành điện tử Việt Nam được nhìn nhận cơ bản vẫn chưa có gì, thưa ông?
Chưa có gì thì không đúng lắm, vì những thiết bị của Việt Nam sản xuất cũng tinh vi, nhưng là đang thuộc sở hữu của nước ngoài, chứ sản xuất bất kỳ thiết bị gì ở Việt Nam đều làm được, nhưng cái thiếu của Việt Nam hiện nay là chuỗi cung ứng để tạo ra một sản phẩm có giá thành cạnh tranh. Việt Nam ở cạnh thị trường lớn, có sẵn chuỗi cung ứng, nên các doanh nghiệp trong nước thay vì đầu tư vào sản xuất thiết bị điện tử thì chỉ việc sang Trung Quốc mua về bán, rẻ hơn, chỉ việc làm thương mại, kiếm tiền nhanh hơn.
Rất nhiều doanh nghiệp trong nước có thể làm ra được điều hòa, nhưng không có được chuỗi cung ứng thì giá thành của điều hòa đó đắt hơn nhiều so với giải pháp mua điều hòa về và chỉ làm kênh thương mại.
Chiến lược, con đường đi của ngành bán dẫn Việt Nam cơ bản đã rõ ràng. Vậy theo ông, để ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam với mục tiêu đầy tham vọng đã được đặt ra, cũng như nhanh chóng bắt nhịp và tham gia vào chuỗi cung ứng chip trên toàn cầu, Việt Nam cần những chính sách, cơ chế hay ưu đãi đặc thù gì để ngành công nghiệp quan trọng này nhanh chóng cất cánh?
Các cơ chế chính sách của Việt Nam đưa ra trong chiến lược đã rất đầy đủ, việc thực sự cần làm bây giờ là bắt tay vào làm. Chiến lược đó không có gì phải bàn, những gì cơ quan phụ trách đưa ra đã rất chi tiết và đầy đủ.
Vấn đề đặt ra là phải thực hiện quyết liệt, triển khai có lộ trình đầy đủ, để không trở thành phong trào, nếu mất đi (đà) sẽ khó lấy lại đà như hiện nay. Còn từng chính sách, từng chiến lược cụ thể thì đã rất đầy đủ, chi tiết và rõ ràng.
VnEconomy 13/11/2024 07:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 46-2024 phát hành ngày 11/11/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam