Một trận động đất mạnh đến 7,1 độ richer ở vùng biển ngoài khơi tỉnh Miyazaki, trên rìa phía Tây của máng Nankai, làm rung chuyển dữ dội khu vực Tây Nam Nhật Bản vào chiều ngày 8/8 (giờ địa phương) với tâm chấn khoảng 30m. Hàng loạt cảnh báo về sóng thần được đưa ra sau đó. Đến khoảng 17 giờ chiều (giờ địa phương) đã có những đợt sóng thần cao khoảng
50cm đổ bộ vào bờ biển các tỉnh Miyazaki, Kagoshima và Kochi.
Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JWA) đã công bố một số thông tin tạm thời về trận động đất cũng như triệu tập một cuộc họp giữa các chuyên gia để đánh giá trường hợp xấu nhất – một trận siêu động đất xung quanh đứt gãy dưới rãnh Nankai có thể xảy ra làm rung chuyển một khu vực lớn tại Nhật Bản và có thể xảy ra trong thời gian tới.
Trận siêu động đất này được cảnh báo sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng nhất trong số các trận động đất lớn mà chính phủ đang nghiên cứu các phương pháp phòng chống trong suốt nhiều năm nay.
Nhóm nghiên cứu chuyên gia của Văn phòng Nội các đã công bố vào năm 2012 rằng trận siêu động đất ở rãnh Nankai dự kiến có cường độ 9,1 độ richter, lớn hơn cường độ 9,0 của trận động đất được ghi nhận trong thảm hoạ kép năm 2011 ở Nhật. Hội đồng phòng chống thiên tai trung ương dự đoán, tổng cộng 100 đô thị dọc bờ biển Thái Bình Dương từ Kanto đến Kyushu (Nhật Bản) sẽ hứng chịu sóng thần cao từ 10 mét trở lên, thậm chí có thể đạt độ cao lên tới 30 mét.
Ban đầu, ước tính số người chết có thể lên tới 323.000 người và thiệt hại kinh tế sẽ là 220,3 nghìn tỷ yên. Tuy nhiên, đến năm 2019, nhờ tiến bộ trong việc phòng chống động đất và các yếu tố khác, các chuyên gia tính toán rằng số người thiệt mạng có thể giảm xuống còn 231.000 – gấp 14 lần số người thiệt mạng trong thảm hoạ kép xảy ra tại Nhật Bản năm 2011 và thiệt hại kinh tế ước tính là 213,7 nghìn tỷ yên.
Đến tháng 1 năm nay, Ủy ban Nghiên cứu động đất của Chính phủ Nhật Bản đã dự báo khả năng xảy ra động đất có độ lớn từ 8 đến 9 gần rãnh Nankai trong 30 năm tới là khoảng 70 – 80%.
Các biện pháp phòng chống thiên tai cấp quốc gia đã được thực hiện dựa trên ước tính thiệt hại bao gồm việc thúc đẩy các biện pháp phòng chống thiên tai cũng như tăng cường đặc biệt về các biện pháp đối phó sơ tán khi sóng thần ập đến.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh việc khắc phục, ổn định cuộc sống người dân sau khi thảm hoạ xảy ra.
Nguồn: Mainichi, ETtoday