Chiều 15/11, Học viện Tài chính phối hợp với Trường Đại học Tài chính – Marketing, Trường Đại học Tài chính – Kế toán, Trường Đại học Tài chính – Quản trị kinh doanh, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính tổ chức Hội thảo Quốc tế lần thứ 6 với chủ đề: “Tài chính – Kế toán thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển nhanh và bền vững”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Thiều – Phó Giám đốc Học viện Tài chính phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đức Việt. |
Kinh tế tư nhân, động lực quan trọng trong phát triển kinh tế
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Mạnh Thiều – Phó Giám đốc Học viện Tài chính cho biết, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh.
Trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố và phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Thiều cho biết, kinh tế tư nhân hiện đang đóng góp gần 45% GDP cả nước, khoảng 30% thu NSNN, hơn 40% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, tạo ra công ăn việc làm cho 85% số lao động cả nước; chiếm tới 35% tổng kim ngạch nhập khẩu và 25% tổng kim ngạch xuất khẩu. |
Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Thiều, kinh tế tư nhân đã từng bước khẳng định có vai trò và là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Hội nghị Trung ương 5 khóa XII ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW: “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, với các mục tiêu cụ thể và 5 nhóm giải pháp khuyến khích, hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tư nhân… Đây là nghị quyết hết sức quan trọng khẳng định vai trò, vị thế của khu vực kinh tế tư nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ban tổ chức hội thảo đã lựa chọn được 8 bài báo tiêu biểu nhất của các nhà khoa học để trao giải thưởng. Ảnh: Đức Việt. |
Từ việc thừa nhận và tạo cơ hội cho kinh tế tư nhân phát triển tại Đại hội VI đến nhấn mạnh kinh tế tư nhân “thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế” tại Đại hội XIII, tư duy lý luận của Đảng về vị trí và vai trò của kinh tế tư nhân ngày càng rõ ràng, sâu sắc, mang tính khái quát cao, thể hiện ý chí và nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân trong việc thúc đẩy đất nước phát triển nhanh chóng và bền vững.
Những chủ trương và chính sách kịp thời, đúng đắn đã tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tư nhân và khẳng định mạnh mẽ vị trí và vai trò trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Các thành tựu Việt Nam đạt được là minh chứng rõ ràng nhất cho sự đúng đắn và phù hợp khi lựa chọn mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là cơ sở để tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện thể chế kinh tế, từ đó đưa Việt Nam tiếp tục hội nhập và phát triển.
Nghiên cứu, đề xuất để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Mạnh Thiều cho rằng, khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn nhiều yếu kém, thách thức trong quá trình phát triển, cần thực hiện một số giải pháp để khu vực này thực sự trở thành nền tảng của kinh tế Việt Nam.
Chuyên gia tham luận tại hội thảo. Ảnh: Đức Việt. |
Vì vậy, việc nghiên cứu, chia sẻ và hợp tác trong lĩnh vực tài chính, kế toán và kiểm toán không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý tài chính, chia sẻ nguồn lực và thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế bền vững… nhằm đưa ra các giải pháp, phân tích đánh giá và đề xuất để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển trong bối cảnh mới.
Hội thảo đã được nghe 4 bài trình bày của GS. Prakarsh Singh – Đại học Plaksha, Ấn Độ; GS. Jacqueline Birt – Trưởng khoa Kế toán Tài chính, Trường Kinh doanh, Đại học Western Australia, Úc; PGS. Md Akhtaruzzaman – Giám đốc không điều hành, Trưởng khoa Kế toán Tài chính, Thành viên Hội đồng Học thuật, Đại học Công giáo Úc và ông Aucky Pratama – Giám đốc Quan hệ công chúng, Khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc.
Chuyên gia tham luận tại hội thảo. |
Cùng với 8 tham luận chia thành 2 phòng hội thảo chuyên đề; hơn 40 câu hỏi và các ý kiến phát biểu trao đổi trực tiếp, hàng trăm tương tác qua nền tảng trực tuyến tập trung thảo luận vào các chủ đề: Kế toán, tài chính với phát triển kinh tế nói chung, kinh tế tư nhân nói riêng hướng tới phát triển nhanh và bền vững; các tiếp cận về quản trị, nhân lực, kế toán, kiểm toán, môi trường kinh doanh, đổi mới, khởi nghiệp…
Nhận định, đánh giá các chính sách, giải pháp, các vấn đề đương đại, toàn cầu hóa, kinh tế thế giới và khu vực liên quan đến lĩnh vực tài chính – kế toán để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển nhanh và bền vững.
Theo PGS. TS Nguyễn Mạnh Thiều, hội thảo đã thu hút đựợc sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học của các trường đại học, học viện, viên nghiên cứu ở trong và ngoài nước. Ban tổ chức đã nhận được hơn 130 bài viết và lựa chọn, biên tập được 120 bài viết có chất lượng để đăng trong kỷ yếu hội thảo quốc tế lần này. Các bài nghiên cứu mang hàm lượng khoa học cao, thể hiện tính đa dạng trong cách tiếp cận phát triển kinh tế tư nhân nhanh và bền vững. Qua tổng kết, đánh giá các bài nghiên cứu, Hội đồng chuyên môn của hội thảo đã chọn và trao giải cho 8 bài viết xuất sắc nhất. |