Quy hoạch kho số viễn thông, tên miền Internet là việc việc sắp xếp, phân bố không gian hoạt động của các loại tài nguyên viễn thông gồm kho số viễn thông, tài nguyên Internet. Trong đó, cơ quan lập quy hoạch kho số viễn thông là Cục Viễn thông – Bộ Thông tin và Truyền thông và cơ quan lập quy hoạch tài nguyên Internet là Trung tâm Internet Việt Nam – Bộ Thông tin và Truyền thông.
Nội dung quy hoạch kho số viễn thông gồm quy hoạch những nội dung sau: (1), mã đích quốc gia; (2), mã, số dịch vụ; (3), số thuê bao; (4), mã định tuyến kỹ thuật; (5), số dịch vụ khẩn cấp, cứu nạn cứu hộ của cơ quan công an, cứu hoả, cấp cứu; (6), mã, số phục vụ lợi ích công cộng, quốc phòng, an ninh.
Và nội dung quy hoạch tài nguyên Internet gồm quy hoạch tên miền Internet, quy hoạch địa chỉ IP và quy hoạch số hiệu mạng.
Dự thảo nêu rõ, cơ quan lập quy hoạch xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch trên cơ sở phân tích, đánh giá, dự báo về điều kiện, nguồn lực, bối cảnh phát triển, thực trạng phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, mục tiêu, các định hướng ưu tiên phát triển ngành.
Nội dung nhiệm vụ lập quy hoạch: Căn cứ lập quy hoạch; quan điểm, mục tiêu lập quy hoạch; phạm vi, đối tượng, thời kỳ quy hoạch; xác định các nhiệm vụ trọng tâm của quy hoạch; dự báo nhu cầu phát triển trong kỳ quy hoạch; yêu cầu về nội dung, phương pháp lập quy hoạch; yêu cầu về sản phẩm quy hoạch (thành phần, số lượng, tiêu chuẩn, quy cách hồ sơ); thời hạn lập quy hoạch, kế hoạch lập quy hoạch và trách nhiệm của các cơ quan trong việc tổ chức lập quy hoạch.
Cơ quan lập quy hoạch xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch trình Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt.
Sau khi được phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch, cơ quan lập quy hoạch xây dựng các nội dung của quy hoạch, tổ chức lấy ý kiến các đơn vị thuộc Bộ, các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan về dự thảo quy hoạch.
Hồ sơ trình thẩm định quy hoạch gồm các tài liệu: tờ trình thẩm định, phê duyệt quy hoạch; dự thảo quyết định phê duyệt quy hoạch; bản tổng hợp, giải trình tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự thảo quy hoạch; bản chụp ý kiến góp ý và báo cáo đánh giá tác động (nếu có).
Thành phần Hội đồng thẩm định quy hoạch bao gồm Chủ tịch Hội đồng và các thành viên. Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch là Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực. Thành viên của Hội đồng thẩm định bao gồm đại diện các Vụ, Cục, đơn vị thuộc Bộ và doanh nghiệp liên quan (nếu có). Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định là Vụ Pháp chế.
Hội đồng thẩm định quy hoạch làm việc theo chế độ tập thể và chịu trách nhiệm thẩm định, phê duyệt quy hoạch theo nhiệm vụ được giao. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định tổ chức lấy ý kiến chuyên gia, tổ chức xã hội – nghề nghiệp và tổ chức khác có liên quan trước khi trình Hội đồng thẩm định, phê duyệt quy hoạch. Hội đồng thẩm định quy hoạch tự giải tán sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định có trách nhiệm tiếp nhận, nghiên cứu và xử lý hồ sơ, cung cấp hồ sơ trình thẩm định quy hoạch cho các thành viên của Hội đồng thẩm định nghiên cứu tham gia ý kiến; tổ chức họp Hội đồng thẩm định theo yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng thẩm định; dự thảo biên bản cuộc họp Hội đồng thẩm định, dự thảo Báo cáo thẩm định quy hoạch và các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Hội đồng phân công.
Trong thời hạn là 10 ngày kể từ ngày Cơ quan lập quy hoạch gửi hồ sơ, Hội đồng thẩm định có trách nhiệm thực hiện thẩm định quy hoạch theo quy định pháp luật hiện hành. Trong thời gian 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết luận của Hội đồng thẩm định quy hoạch, Cơ quan lập quy hoạch chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ trình Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt quy hoạch.
Chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày quy hoạch được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt, cơ quan lập quy hoạch có trách nhiệm công bố công khai toàn bộ nội dung của quy hoạch trên cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông, trên các phương tiện thông tin đại chúng; và thông qua các hội nghị, hội thảo phổ biến văn bản quy phạm pháp luật.