Trong báo cáo chiến lược mới công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, tại cuộc họp FOMC gần nhất, Fed đã phát đi tín hiệu mới về mặt bằng lãi suất cao hơn trong năm 2024 (cao hơn 0,5 điểm % lên 5,1%) và 2025 (cao hơn 0,5 điểm %lên 3,9%), trong khi mức đỉnh lãi suất năm nay không thay đổi (vùng 5,25%-5,5%) và hàm ý rằng có khả năng Fed sẽ còn một lần tăng lãi suất nữa trong năm nay.
Theo VDSC, mặc dù khả năng tăng một lần lãi suất vẫn còn bỏ ngỏ khi chỉ số PCE lõi trong tháng 8 cũng đã hạ nhiệt về mức 3,9%, nhưng nhìn chung, việc Fed duy trì bằng lãi suất cao hơn trong hai năm tới là một thông tin bất lợi đối với việc điều hành tỷ giá, nhất là khi giữa SBV và Fed đang có sự ngược pha trong chính sách tiền tệ.
Sau cuộc họp của Fed, Ngân hàng Nhà nước (NHNN – SBV) đã bắt đầu phát hành tín phiếu. Theo đó, lượng hút ròng lũy kế tính đến ngày 3/10/2023 đạt gần 111 nghìn tỷ, lãi suất liên ngân hàng qua đêm và lãi suất tín phiếu đã bắt đầu lần lượt tăng lên 0,55% và 1,18% theo số liệu gần nhất.
VDSC cho rằng, diễn biến này cùng với kỳ vọng tăng trưởng tín dụng tăng tốc cuối năm có thể sẽ giúp cho chênh lệch lãi suất VNĐ và USD thu hẹp hơn. Cùng với việc tỷ giá đã tăng 3,5% kể từ đầu năm, nhóm phân tích không kỳ vọng các hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất tạo thêm áp lực lên tỷ giá.
“Nhưng trong kịch bản tiêu cực nhất, DXY tăng vượt 110, NHNN có thể sẽ phải can thiệp bằng bán ngoại hối kết hợp hút ròng trên kênh tín phiếu, điều này có thể làm trầm trọng thêm tâm lý đầu tư do lo ngại về sự thay đổi sâu sắc hơn trong điều hành chính sách tiền tệ”, VDSC dự báo.
Nhóm phân tích cho rằng việc NHNN phát hành tín phiếu không phải là tín hiệu đảo chiều chính sách khi tăng trưởng kinh tế vẫn còn thấp (Tăng trưởng GDP 9T2023: 4,24%) và lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát nhưng rõ ràng là không gian để nới lỏng thêm chính sách tiền tệ tương đối hạn chế, và điều này không phải là thông tin tích cực đối với TTCK trong giai đoạn cuối năm.
Trên thực tế, tâm lý thị trường đã nhanh chóng thay đổi thể hiện qua sự sụt giảm mạnh của thanh khoản toàn thị trường. Đặc biệt dòng tiền tại các nhóm ngành dẫn dắt tâm lý đợt vừa qua – Bất động sản, Chứng khoán, xây dựng (đầu tư công) – đã có dấu hiệu suy yếu rõ rệt.
“Điều này củng cố thêm quan điểm của chúng tôi rằng xu hướng tăng điểm diện rộng của thị trường trên hiệu ứng chính sách từ tháng 5 sẽ dần nhường chỗ cho trạng thái dao động (swing) với xu hướng đi ngang”, VDSC cho hay.