Ngày 15/5/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 52/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, có hiệu lực từ ngày 01/7/2024. Theo đó, khái niệm về tiền điện tử được hiểu: Tiền điện tử là giá trị tiền Việt Nam đồng lưu trữ trên các phương tiện điện tử trên cơ sở đối ứng với số tiền được khách hàng nộp vào ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung ứng dịch vụ ví điện tử, được Ngân hàng nhà nước quản lý và phát hành. Hiểu đơn giản, tiền điện tử gồm: tiền trên tài khoản ngân hàng, các ví điện tử (ví momo, zalopay,…) có giá trị đối ứng và giá trị thanh toán như tiền giấy.
Đối với tiền ảo, vào ngày 23/2/2024, Chính phủ ban hành Quyết định 194/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền (PCRT), tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Tại quyết định này, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu, xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh đối với tài sản ảo, các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo. Dó đó, tiền ảo hiện nay chưa có khung pháp lý quản lý và được hiểu gồm 2 dạng:
– Tiền kỹ thuật số là tiền được mã hóa từ những bí số, không phụ thuộc hay bị điều khiển bởi bất kỳ ai hay bất kỳ Nhà nước nào trên thế giới, được tạo ra bằng cách “đào” và sử dụng các mật mã để lưu trữ giao dịch, sử dụng công nghệ blockchain để quản lý, ví dụ như: Bitcoin, Binance coin (BNB), Pi Network, Ethereum (ETH), USDT…
– Tiền ảo do các tổ chức, cá nhân tạo ra bằng thuật toán (không phải do Ngân hàng nhà nước phát hành), được thừa nhận sử dụng trong cộng đồng nhất định. Hiểu đơn giản gồm: xu Shopee, đồng tốt (Chợ tốt), xu Lazada, xu trong các game, coin trong game…, dùng để đổi thưởng, thanh toán dịch vụ trong ứng dụng, trò chơi.
Như vậy, hiện nay chỉ có tiền điện tử có sự bảo đảm từ Nhà nước, do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành, còn tiền kỹ thuật số, tiền ảo không được bảo đảm như vậy, thậm chí hoàn toàn không được bảo đảm từ bất kỳ tổ chức nào. Việt Nam đang xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh đối với tiền ảo.
Thời gian qua, nhiều đối tượng sử dụng không gian mạng thành lập nhiều sàn giao dịch tiền ảo, tiền kỹ thuật số. Các đối tượng sử dụng mạng xã hội như công cụ để liên lạc lôi kéo bị hại, chúng đánh vào tâm lý muốn kiếm tiền nhanh của người dân, kêu gọi đầu tư vào các loại tiền mã hóa trên các sàn giao dịch chứng khoán ảo (không phải do Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam vận hành) để lừa đảo.
Một trong những thủ đoạn phổ biến là đối tượng tự đặt ra các “đồng tiền ảo mới” để kêu gọi tham gia; sử dụng nhiều tài khoản mạng xã hội (Facebook, Telegram, zalo…) có thông tin hình ảnh về cuộc sống của “Mẹ đơn thân” (Single mom) có điều kiện kinh tế, lồng ghép các hình ảnh đầu tư tiền ảo có thu nhập cao…để làm quen kết bạn và tâm sự chia sẻ về cuộc sống. Sau khi tạo được niềm tin, hứa hẹn về cuộc sống tương lai, đối tượng khéo léo dẫn dụ bị hại “hùn vốn đầu tư” tiền ảo, đưa bị hại vào nhóm chat để các “Chuyên gia trợ giúp”, quá trình tham gia thấy kiếm được lợi nhuận lớn nên bị hại tăng cường chuyển tiền để đầu tư, đến khi không rút tiền về tài khoản được mới biết mình bị lừa.
Các đặc điểm nhận biết đối tượng lừa đảo trên sàn giao dịch tiền ảo, tiền kỹ thuật số:
– Phương thức tiếp cận của đối tượng nhiều, thường vào vai mẹ đơn thân có điều kiện kinh tế, doanh nhân thành đạt độc thân…để kết bạn làm quen, trò chuyện tình cảm trong thời gian dài, dần dần lôi kéo đầu tư.
– Đối tượng chủ động tiếp cận để giới thiệu, quảng cáo về trang web hoặc sàn giao dịch mà mình đang đầu tư và thu được lợi nhuận cao từ các sàn này.
– Bị hại thường được đưa vào các nhóm chat trên mạng xã hội, có “Chuyên gia trợ giúp đầu tư”, có nhiều tài khoản khác đóng vai người đầu tư (tài khoản chim mồi), thường xuyên đăng tin chuyển tiền thành công hoặc đã nhận được lợi nhuận lớn từ sàn đầu tư để kích thích bị hại.
– Đối tượng né tránh không gặp mặt nạn nhân (kể cả né tránh cuộc gọi video call), đưa ra nhiều lý do như: đang họp, hội nghị, lái xe, đi công tác… giả mạo định vị để tạo lòng tin. Luôn đóng vai là người tử tế, cùng đồng hành với nạn nhân, khiến nạn nhân dù nghi ngờ bị lừa đảo nhưng vẫn tin tưởng vào “người đồng hành” tiếp tục chuyển tiền.
Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Công an tỉnh Tiền Giang khuyến cáo:
– Tiền ảo là vấn đề phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro chưa được đánh giá hết, ở Việt Nam chưa có biện pháp để bảo vệ người dùng và biện pháp quản lý. Người dân cần cảnh giác khi tham gia đầu tư tài chính qua các ứng dụng đầu tư tài chính trên không gian mạng, các trang web ứng dụng đầu tư tiền ảo được quảng cáo lãi suất cao tiềm ẩn nguy cơ bị lừa đảo,
– Khi phát hiện tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan tiền ảo qua mạng, người dân báo cáo cho cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc gọi điện thoại về Trực ban Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Công an tỉnh Tiền Giang để xác minh, điều tra xử lý theo quy định.