Tới đây sẽ là “Gạo Việt xanh, phát thải thấp”
Tại diễn đàn “Giải pháp nhân rộng các mô hình thí điểm thành công của Đề án Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp”, sáng 23/11, ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), thông tin, cuối tháng 11 năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Đề án phát triển bền vững chuyên canh 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL. 15 ngày sau đó, ra đời Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam (VIETRISA).
“Mục tiêu là rút tỉa được gì từ những mô hình do Bộ NN-PTNT, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và địa phương đã triển khai”, ông Tùng chia sẻ. Còn nhiệm vụ của Cục Trồng trọt là tổng kết những mô hình đã có kết quả tốt để nhân rộng.
Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cũng thẳng thắn thừa nhận, trong ngành hàng lúa gạo còn thiếu sự đồng bộ, hỗ trợ lẫn nhau để nâng cao giá trị hạt gạo Việt. Đôi khi trên truyền thông, ông vẫn nghe được câu chuyện “bẻ kèo” trong mua bán giữa nông dân và doanh nghiệp. Cán bộ ngành nông nghiệp cũng đau đáu vì chưa có thương hiệu lúa gạo Việt Nam chất lượng cao trên thị trường quốc tế.
Mặc dù thực tế, chất lượng lúa gạo Việt Nam không thua kém so với bất cứ nước nào, song giá trị chưa được nâng cao. Đặc biệt, mức phát thải của Việt Nam trong sản xuất lúa gạo là 0,9%, cao hơn Philippines, Thái Lan, Trung Quốc và các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, hiện có 12/13 tỉnh, thành ĐBSCL thực hiện chương trình 1 triệu ha lúa ở ĐBSCL. Đây cũng là vựa lúa gạo lớn nhất ở nước ta. Thế nên, “Gạo Việt xanh, phát thải thấp” sẽ là cái tên trong thời gian tới mà chúng ta hướng đến, ông Tùng nhấn mạnh.
Vừa qua có 7 mô hình tại 5 tỉnh gồm: Đồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh đại diện cho các vùng thượng, hạ, giữa ĐBSCL thí điểm đề án 1 triệu ha đã cho thu hoạch. “Sự vào cuộc tích cực, hăng hái của bà con nông dân cùng sự chung tay của doanh nghiệp và các cấp chính quyền đang cho thấy nhiều tín hiệu tốt”, ông nhận xét.
Theo đó, trong tương lai nhiệm vụ của đề án vẫn là nhân rộng mô hình theo hướng chuỗi giá trị, cơ sở dữ liệu sinh thái, phát triển công nghệ, thay đổi hành vi, tăng cường năng lực.
Nền tảng cốt lõi nằm ở mắt xích hợp tác xã
Ông Hoàng Tuyển Phương – Trưởng phòng Trồng trọt – Lâm nghiệp, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho biết, đơn vị hiện kết nối với hơn 30 kênh truyền thông trong nước và quốc tế. Theo ông, bước đi này nhằm nâng cao năng lực cho các tác nhân trong chuỗi ngành hàng lúa gạo, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam chất lượng cao, phát thải thấp và tạo sinh kế bền vững cho người nông dân.
Việc xây dựng chuỗi ngành hàng lúa gạo cũng sẽ tập trung vào chuyển giao các công nghệ sản xuất lúa gạo chất lượng, giảm phát thải, liên kết sản xuất, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn xuất khẩu SRD, vị này cho hay.
Ngoài vấn đề then chốt giải ngân vốn, ông Trần Minh Hải – Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT), nhấn mạnh, việc phát triển HTX là nền tảng cốt lõi để thực hiện thành công đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp.
Ông cho rằng, cần xây dựng các HTX đủ mạnh và bản lĩnh, có khả năng thực hiện việc mua chung, bán chung với doanh nghiệp và tổ chức sản xuất. Xu hướng phát triển hiện nay tập trung vào việc tăng số lượng thành viên để mở rộng sản xuất cũng như tăng cường liên kết.
Tại ĐBSCL, một HTX trung bình chỉ có 80 thành viên, thấp hơn so với mức trung bình của cả nước là 200 thành viên và của Thái Lan là 1.500 thành viên/HTX.
Về điều hành kinh doanh, ông chỉ rõ các mô hình như HTX Tân Hưng, Phú Thạnh và Bình Thành được đánh giá cao, nhờ khả năng đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất của doanh nghiệp, tổ chức dịch vụ như thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp và vận chuyển lúa.
Khi HTX trở thành các tổ chức vững mạnh, có khả năng quản lý hiệu quả và đáp ứng nhu cầu thị trường, chúng sẽ phát huy vai trò cốt lõi trong nền kinh tế nông thôn hiện đại.
Thế nên, cần có những HTX đủ mạnh để phát triển chuỗi giá trị, tạo ra hạt gạo chất lượng cao, góp phần nâng cao đời sống thành viên và cải thiện hiệu quả sản xuất nông nghiệp, ông Hải nhìn nhận.
Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính đến hết ngày 15/11 năm nay, nước ta đã xuất khẩu hơn 8 triệu tấn gạo, thu về 5,05 tỷ USD – mức cao nhất trong lịch sử. Giá xuất khẩu gạo bình quân của Việt Nam trong 10 tháng qua đạt 626 USD/tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện, các loại gạo Việt xuất khẩu 5% tấm, 25% tấm và 100% tấm cũng có giá đắt đỏ nhất, vượt xa giá gạo cùng loại của các quốc gia xuất khẩu top đầu thế giới như Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan. |