Giá vàng thế giới tiếp tục tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (22/11), vượt mốc 2.700 USD/oz trong hơn 2 tuần trở lại đây và hoàn tất tuần tăng mạnh nhất trong gần 2 năm. Nhu cầu phòng ngừa rủi ro đang là yếu tố hỗ trợ quan trọng đối với giá vàng, giúp cân bằng lại áp lực giảm đến từ xu hướng tăng giá của đồng USD và sự suy giảm kỳ vọng vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Lúc đóng cửa, giá vàng giao ngay tăng 47,2 USD/oz, tương đương tăng gần 1,8%, chốt ở mức 2.716,9 USD/oz – theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco. Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, mức giá này tương đương khoảng 83,5 triệu đồng/lượng, tăng 1,2 triệu đồng/lượng so với sáng ngày thứ Sáu.
Tuần này, giá vàng giao ngay tăng trọn 5 phiên. Giá vàng thế giới quy đổi tăng 4,4 triệu đồng/lượng cả tuần, hồi phục phần lớn cú giảm hơn 5 triệu đồng/lượng trong 2 tuần trước.
Báo giá USD tại Vietcombank chốt tuần ở mức 25.170 đồng (mua vào) và 25.509 đồng (bán ra), giá mua không đổi nhưng giá bán tăng 5 đồng so với sáng thứ Sáu. So với cuối tuần trước, giá USD tại ngân hàng này hiện tăng 10 đồng ở chiều mua vào nhưng giảm 3 đồng ở chiều bán ra.
“Xung đột Nga-Ukraine leo thang đặt ra rủi ro xung đột giữa Nga và Mỹ. Điều này chắc chắn thúc đẩy nhu cầu phòng ngừa rủi ro trong ngắn hạn”, Giám đốc hoạt động Alex Ebkarian của công ty Allegiance Gold nói với hãng tin Reuters.
Tuần này, sau khi Anh và Mỹ cho phép Kiev sử dụng vũ khí do các nước này sản xuất để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, Moscow cũng đã đẩy mạnh việc tấn công Ukraine. Tổng thống Vladimir Putin hôm thứ Năm cho biết Nga đã phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vào Ukraine và cảnh báo về một cuộc xung đột toàn cầu.
Cả tuần, giá vàng giao ngay tăng 5,7%, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 3/2023 – thời điểm mà cuộc khủng hoảng ngân hàng khu vực ở Mỹ khiến thị trường tài chính toàn cầu rúng động và nhà đầu tư đổ xô mua các tài sản an toàn.
Nếu so với mức đáy của 2 tháng dưới 2.540 USD/oz thiết lập vào hôm thứ Năm tuần trước, giá vàng hiện đã tăng hơn 170 USD/oz.
Vàng là tài sản an toàn truyền thống, thường phát huy vai trò “hầm trú ẩn” trong môi trường bất ổn địa chính trị và rủi ro kinh tế gia tăng. Tuy nhiên, vàng được định giá bằng USD và không mang lãi suất, nên biến động tỷ giá đồng USD về kỳ vọng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) gần đây đã và đang gây áp lực giảm giá lên vàng.
Phiên ngày thứ Sáu, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh của đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác tăng gần 0,5%, chốt ở mức 107,49 điểm. Đây là mức tỷ giá cao nhất của USD trong vòng 2 năm trở lại đây.
Tuần này, nhà đầu tư giảm đặt cược vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 12. Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, khả năng Fed hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tới đã giảm về mức dưới 53%, từ mức hơn 80% cách đây hơn 1 tuần.
Phát biểu trong tuần này, một số nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Fed bày tỏ lo ngại rằng tiến trình giảm lạm phát có thể đang chững lại. Trên cơ sở mối lo ngại này, các vị quan chức đó kêu gọi thận trọng trong việc ra quyết định lãi suất. Tuy nhiên, cũng có những quan chức Fed nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục cắt giảm lãi suất.
Theo ông Ebkarian, với những dịch chuyển chính sách sắp tới ở Mỹ, và rủi ro lạm phát tăng lên ở nước này do kế hoạch áp thuế quan của Tổng thống đắc cử Donald Trump, triển vọng tăng giá của vàng vẫn khả quan vì vàng có thể phát huy vai trò kênh đầu tư chống lạm phát. Vị chuyên gia dự báo từ nay đến giữa tháng 12, giá vàng có thể kiểm nghiệm ngưỡng 2.750 USD/oz.