Khẳng định vai trò huy động vốn an toàn, hiệu quả cho ngân sách Nhà nước
Trong những năm vừa qua, thị trường trái phiếu Việt Nam, nòng cốt là thị trường trái phiếu chính phủ đã có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành kênh huy động vốn cho đầu tư phát triển của Chính phủ, các ngân hàng chính sách và chính quyền địa phương, là hình thức đầu tư an toàn, hiệu quả cho các nhà đầu tư.
Sau khi thị trường trái phiếu Chính phủ chuyên biệt được chính thức khai trương và đi vào hoạt động vào ngày 24/9/2009; đến nay, sau 15 năm vận hành, thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) đã phát triển hết sức mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
“Thị trường TPCP chuyên biệt đã khẳng định được vai trò là kênh huy động vốn an toàn, hiệu quả cho ngân sách nhà nước và là thị trường tham chiếu về lãi suất cho các thị trường tài chính và hàng hóa của nền kinh tế”, ông Nguyễn Anh Phong, Tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đánh giá.
Trong giai đoạn 2009 – 2024, kênh phát hành TPCP đã huy động được trên 3,25 triệu tỷ đồng cho ngân sách nhà nước (NSNN), bình quân đạt khoảng 220.000 tỷ đồng/năm, gấp khoảng 5 lần so với giai đoạn 2000 – 2008 để phục vụ đầu tư phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt, trong giai đoạn 2021-2024, khối lượng phát hành TPCP đạt khoảng 288.000 tỷ đồng/năm (gấp khoảng 1,3 lần so với bình quân cả giai đoạn 2009 – 2024), trong đó 100% khối lượng phát hành từ 5 năm trở lên. Quy mô dư nợ TPCP đến hết tháng 10/2024 đã đạt trên 2,35 triệu tỷ đồng, tương đương 23% GDP, gấp 18 lần so với năm 2009. Từ năm 2019, toàn bộ TPCP được phát hành theo phương thức đấu thầu điện tử tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội.
Cùng với sự phát triển của thị trường TPCP, trong giai đoạn 2009 – 2024, các ngân hàng chính sách đã huy động được 476.601 tỷ đồng trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, an sinh xã hội; các chính quyền địa phương đã phát hành được 39.893 tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương để đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng của địa phương. Theo đó, sự phát triển của thị trường TPCP đã hỗ trợ tích cực sự phát triển của thị trường trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và thị trường trái phiếu chính quyền địa phương.
Thanh khoản trái phiếu tăng mạnh, từ mức khiêm tốn chỉ 365 tỷ đồng/phiên vào năm 2009, đã tăng lên khoảng 11.200 tỷ đồng/phiên vào năm 2024, giá trị giao dịch Repos tăng từ mức 6,5% năm 2009 lên mức 40% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường.
Trái phiếu Chính phủ vẫn chưa hấp dẫn nhà đầu tư ngoại
Mặc dù bày tỏ ấn tượng với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường trái phiếu chính phủ Việt Nam. Đặc biệt, từ năm 2011 đến nay, quy mô dư nợ trái phiếu Chính phủ tăng từ 6% GDP lên 23% GDP (gần 4 lần), trong khi GDP của Việt Nam tăng trưởng rất nhanh. Tuy nhiên, ông Ketut Ariadi Kusuma, chuyên gia tài chính cao cấp Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, quy mô thị trường trái phiếu chính phủ Việt Nam (khoảng 100 tỷ USD) vẫn còn nhỏ so với nhiều nước ASEAN. Chẳng hạn, tại Philippines, quy mô thị trường trái phiếu chính phủ lớn gấp 2 lần Việt Nam. Đặc biệt, mức độ thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường trái phiếu chính phủ Việt Nam còn rất hạn chế.
“Các nhà đầu tư nước ngoài có nhiều loại trái phiếu chính phủ của các quốc gia để lựa chọn. Khi so sánh về rủi ro và lãi suất thì TPCP của Việt Nam chưa hấp dẫn lắm. Hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam được S&P và Fitch xếp hạng ở mức BB+, vẫn thấp hơn ngưỡng đầu tư của nhiều nhà đầu tư nước ngoài; trong khi họ đều muốn nhắm tới những công cụ đầu tư an toàn, rủi ro thấp và lợi suất cao hơn”, ông Ketut Ariadi Kusuma đánh giá.
Chuyên gia của WB lưu ý: “Một số tổ chức như JP Morgan yêu cầu phải đạt 25.000 tỷ đồng/mã trái phiếu. Việt Nam cũng đã có mã TPCP đạt mức 20.000 tỷ đồng, nhưng cần số lượng lớn mã có quy mô tối thiểu 1 tỷ USD (25.000 tỷ đồng). Nếu muốn đưa TPCP Việt Nam vào rổ chỉ số trái phiếu toàn cầu thì phải giải quyết được vấn đề rủi ro về thanh khoản, quy mô và ký quỹ trước giao dịch”.
Ông Vũ Quang Đông, Phó Chủ tịch Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam đề xuất, đối với thị trường sơ cấp TPCP, nên phát hành đều đặn các sản phẩm trái phiếu gắn với tái cơ cấu danh mục nợ theo hướng bền vững, đảm bảo có đầy đủ kỳ hạn trái phiếu ngắn hạn, dài hạn từ 3-30 năm, đồng thời có thêm những sản phẩm như TPCP gắn với rủi ro lạm phát.
Đối với thị trường thứ cấp, cần tiếp tục cải tiến mô hình tổ chức thị trường và hệ thống giao dịch; cải tiến chế độ thông tin, báo cáo giao dịch, tiến tới xây dựng một đường cong lãi suất chuẩn cho thị trường tài chính.
“Gần đây, Chính phủ có rất nhiều đại dự án, quy mô nhiều tỷ USD, mong muốn có những TPCP đặc thù dành riêng cho những dự án này để các ngân hàng thương mại tham gia, cân bằng nguồn vốn cho Ngân hàng Nhà nước”, ông Đông nói.
Để tạo thuận lợi cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường chứng khoán thứ cấp, ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, cần đa dạng hóa công cụ phòng ngừa rủi ro cho các nhà đầu tư nước ngoài (ví dụ công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá), góp phần tăng độ sâu và độ sôi động cho thị trường.
Hướng đến mục tiêu dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 58% GDP
Bà Phan Thị Thu Hiền, Vụ trưởng Vụ Tài chính – Ngân hàng, Bộ Tài chính cho biết, với chủ trương phát huy nội lực để phát triển kinh tế đất nước trong kỷ nguyên mới, đặt ra yêu cầu phải phát triển thị trường TPCP cả về quy mô, tính thanh khoản và chủ động hội nhập với thị trường quốc tế. Chiến lược tài chính và chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đặt mục tiêu dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 58% GDP. Để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đến năm 2030 cũng như triển khai các công trình trọng điểm quốc gia, nhu cầu huy động vốn trong giai đoạn tới là rất lớn.
Việt Nam đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP giai đoạn 2025 là 6,5-7%, thậm chí có thể cao hơn để tạo nền tảng cho các giai đoạn phát triển tiếp theo. Để đạt các mục tiêu phát triển vào năm 2030 và năm 2045 thì phải đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong những thập kỷ tới. Trong khi đó, nguồn vốn TPCP có vai trò quan trọng trong hoạt động đầu tư công.
Đặc biệt, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam hơn 1,7 triệu tỷ đồng. Dự kiến hoàn thành cơ bản trong 10 năm, đòi hỏi mỗi năm cần huy động 170.000 tỷ đồng. Do đó, về lý thuyết, nhu cầu huy động vốn nói chung dự kiến tăng từ 500.000 – 600.000 tỷ đồng/năm hiện nay lên 700.000 – 800.000 tỷ đồng/năm trong thời gian tới, phụ thuộc vào tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Bộ Tài chính sẽ triển khai các chính sách huy động vốn từ trong và ngoài nước, tập trung vào TPCP, kênh huy động chủ yếu chiếm 75-82% nguồn vốn ngân sách. Điều đó đòi hỏi thị trường TPCP sẽ tiếp tục được phát triển cả về quy mô và chiều sâu để đáp ứng nhu cầu huy động vốn và thu hút nhà đầu tư.
“Cần có sự chủ động và linh hoạt hơn trong huy động vốn, đồng thời gắn kết chặt chẽ với tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công để đạt được hiệu quả cao nhất”, bà Phan Thị Thu Hiền nhấn mạnh.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, thời gian tới sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp. Với thị trường sơ cấp, phát hành đều đặn các sản phẩm trái phiếu gắn với tái cơ cấu danh mục nợ TPCP theo hướng bền vững, đảm bảo có đủ kỳ hạn từ 3-30 năm. Với thị trường thứ cấp, tiếp tục cải tiến chế độ thông tin, báo cáo giao dịch, tiến tới xây dựng đường cong lãi suất chuẩn cho thị trường tài chính; mở rộng nhà đầu tư, khuyến khích sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.