Thu ngân sách nhiều thách thức trước tình hình kinh tế biến động
Công tác dự báo thu là một trong những trụ cột quan trọng trong quản lý tài chính công, hỗ trợ Chính phủ lập kế hoạch tài chính dài hạn, phân bổ nguồn lực hiệu quả và ứng phó linh hoạt với các biến động kinh tế. Dự báo thu chính xác góp phần tạo môi trường kinh tế ổn định, minh bạch và công bằng hơn.
Dự báo thu: Thách thức trước tình hình kinh tế đầy biến động. Ảnh: Envato |
Theo các chuyên gia kinh tế, đằng sau những con số tích cực trong công tác thu NSNN cần tiếp tục có giải pháp để đảm bảo sự ổn định tài chính và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. |
Trong những năm qua, công tác lập dự toán thu NSNN tại Việt Nam đã từng bước được cải tiến về phương pháp kết hợp hài hòa giữa các phương pháp truyền thống và hiện đại, sửa đổi về quy trình để đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và các địa phương. Nhờ đó, công tác dự báo thu ngân sách chính xác hơn, các địa phương hầu hết hoàn thành hoặc vượt mức dự toán thu NSNN, đảm bảo nguồn lực cho các chương trình phát triển kinh tế – xã hội.
Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác dự báo thu tại Việt Nam vẫn còn gặp một số thách thức cần được cải thiện. Chẳng hạn, chênh lệch giữa dự toán và thực tế thu ở một số khoản thu vẫn còn khá lớn, đặc biệt là những khoản chịu tác động mạnh từ các yếu tố bất thường. Điều này chủ yếu xuất phát từ việc áp dụng các phương pháp truyền thống mà chưa tích hợp đầy đủ các công cụ hiện đại trong xử lý dữ liệu.
Ngoài ra, nguồn nhân lực chuyên môn cũng là một điểm cần khắc phục. Đội ngũ cán bộ trẻ, dù năng động, vẫn thiếu kinh nghiệm và kỹ năng trong vận hành các mô hình dự báo phức tạp. Hơn nữa, việc ứng dụng công nghệ vào dự báo thu còn hạn chế, khi phương pháp thủ công vẫn phổ biến, làm giảm khả năng phân tích nhanh và chính xác trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu biến động không ngừng.
Hiện đại hóa dự báo thu: Học hỏi để dẫn đầu
Tuy còn nhiều khó khăn, chính phủ Việt Nam đã và đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm cải thiện công tác dự báo thu. Đặc biệt, Bộ Tài chính đã thành lập một tổ công tác gồm 25 thành viên từ 11 cơ quan liên quan, chịu trách nhiệm tổ chức và thực hiện công tác dự báo kinh tế vĩ mô và dự báo thu.
Tổ công tác này đóng vai trò trung tâm trong việc nghiên cứu, phát triển và vận hành các mô hình dự báo hiện đại, đồng thời phối hợp với các chuyên gia trong và ngoài nước để xây dựng cơ sở dữ liệu cần thiết.
Hiện đại hóa dự báo thu: Học hỏi để dẫn đầu. Ảnh: TL minh hoạ |
Dự án “Tăng cường quản lý tài chính công tại Việt Nam,” do Liên minh châu Âu và Chính phủ Đức đồng tài trợ thông qua GIZ, đã triển khai một chuỗi hoạt động hỗ trợ Bộ Tài chính trong lĩnh vực này. Các chuyên gia quốc tế với kinh nghiệm dày dặn đã làm việc với tổ công tác, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp thiết thực và đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, giúp Việt Nam tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế về công tác dự báo thu.
Để năng cao tính chính xác của công tác dự báo, các chuyên gia đề xuất áp dụng các mô hình dự báo tiên tiến như hồi quy, bảng cân đối liên ngành, và phân tích dữ liệu lớn để xử lý khối lượng thông tin ngày càng phức tạp. Kinh nghiệm từ Đức và các quốc gia châu Âu cho thấy việc sử dụng các công cụ này có thể cải thiện đáng kể độ chính xác của dự báo, giảm sai lệch xuống dưới 5%. Đây cũng là mục tiêu được đề ra trong chiến lược cải cách hệ thống Thuế đến năm 2030.
Chính phủ cũng nên cân nhắc đơn giản hóa quy trình lập dự toán thông qua giảm số lượng cấp tham gia và ứng dụng công nghệ số. Singapore đã một ví dụ điển hình thành công trong việc số hóa toàn bộ hệ thống thuế, giúp rút ngắn thời gian lập dự toán mà vẫn đảm bảo tính chính xác cao.
Đồng thời, cần ưu tiên xây dựng kho dữ liệu quốc gia về thu ngân sách, tích hợp từ cấp trung ương đến địa phương, sẽ giúp chuẩn hóa thông tin và nâng cao hiệu quả dự báo. Đây là bước đi quan trọng để đảm bảo tính minh bạch và khả năng ứng phó nhanh với các biến động kinh tế.
Hơn hết, cần phát triển nguồn nhân lực thông qua đào tạo chuyên sâu cho cán bộ làm công tác dự báo thu là yếu tố then chốt. Việt Nam nên tổ chức các khóa học hợp tác với chuyên gia quốc tế và xây dựng chương trình đào tạo dài hạn, bao gồm cả việc gửi cán bộ ra nước ngoài học hỏi kinh nghiệm thực tiễn.
Bệ phóng cho nền kinh tế vững mạnhDự báo thu không chỉ là một công cụ quản lý tài chính mà còn là nền tảng cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Những nỗ lực cải cách và hiện đại hóa công tác dự báo thu tại Việt Nam, với sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, sẽ giúp nâng cao hiệu quả điều hành ngân sách, đảm bảo nguồn lực cho các mục tiêu kinh tế – xã hội. Dự án “Tăng cường quản lý tài chính công tại Việt Nam” sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để xây dựng một hệ thống dự báo thu hiện đại, toàn diện và hiệu quả, góp phần quan trọng vào một nền kinh tế thịnh vượng và ổn định. |