Quá trình tạo ra những chiếc máy tính nhanh hơn, hiệu quả hơn tại các công ty công nghệ đang trải qua cột mốc thay đổi sâu sắc. Hiệu suất đạt được trong nhiều thập kỷ chủ yếu nhờ thu nhỏ các bộ phận riêng lẻ trên vi mạch giờ đây ngày càng phụ thuộc vào khoa học vật liệu – lĩnh vực vốn đang phát triển nhanh hơn trước rất nhiều.
Applied Materials, nhà sản xuất máy móc chuyên phục vụ quá trình tạo chip tiên tiến có trụ sở tại Santa Clara được thành lập vào năm 1967, là công ty lớn nhất trong số những thương hiệu dẫn đầu.
Thực tế, các nhà sản xuất chip đang phải đối mặt với những bài toán hóc búa liên quan đến độ nhỏ của các phần tử trên chip. Một số tính năng giờ đây còn được đo tính dựa trên quy mô chỉ vài nguyên tử.
Applied Materials đã phát minh ra nhiều quy trình sản xuất mới, sau đó chế tạo thành công các thiết bị có thể sử dụng tại nhiều nhà máy sản xuất vi mạch cực kỳ phức tạp và đắt tiền (fab). Vi mạch càng nhỏ, càng tiên tiến, quy trình sản xuất càng mất thời gian. Chi phí cho mỗi thế hệ nhà máy tăng lên gấp 10 lần, thậm chí vượt quá 10 tỷ USD.
Theo WSJ, Applied Materials là một trong những công ty nhận được những ưu đãi lớn từ Đạo luật Chips vốn được thiết kế để thúc đẩy quá trình sản xuất chất bán dẫn trong nước. Nước Mỹ đang chạy đua để giảm bớt sự phụ thuộc vào nước ngoài mà vẫn có được nguồn cung cấp vi mạch quan trọng.
Trong hàng thập kỷ, Applied Materials nỗ lực tạo ra loại vi mạch nhanh và nhỏ gọn. Nói rõ hơn, các kỹ sư vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, dù cho tốc độ chậm hơn nhiều so với thông lệ trước đây.
Được biết, Applied Materials và các đối thủ cạnh tranh đang hợp tác chặt chẽ với các nhà sản xuất và cung cấp chip như ASML để hoàn thiện các dây chuyền liên quan đến tạo chip nhớ. Theo Scotten Jones, thành viên cấp cao tại TechInsights, những con chip tiên tiến nhất thế giới được tạo ra thông qua rất nhiều các quá trình phức tạp.
Subramanian Iyer, người đã có hơn 30 năm làm việc tại IBM trong lĩnh vực sản xuất vi mạch, cho biết quá trình chế tạo chip 3 chiều mà Applied Materials đang xử lý tiêu tốn rất nhiều ‘chất xám’. “Vào cuối những năm 90, một con chip 6 lớp dây dẫn đã được coi là công nghệ tiên tiến rồi. Giờ đây, có những loại chip có thể lên tới 19 đến 20 lớp dây”, ông Subramanian Iyer nói.
Được biết trước đó, Applied Materials thông báo kế hoạch đầu tư 4 tỷ USD cho một trung tâm nghiên cứu sản xuất chip ở Thung lũng Silicon, California, nhằm đạt thêm nhiều những tiến bộ trong sản xuất chất bán dẫn. Trung tâm có trụ sở tại Sunnyvale này sẽ đi vào hoạt động vào năm 2026 và tạo ra tới 2.000 việc làm. Mô hình mới được kỳ vọng có thể giúp cắt giảm 30% thời gian cần thiết để phát triển một con chip.
Theo Giám đốc điều hành Applied Materials Gary Dickerson, đổi mới toàn diện là cách thức hoạt động của các công ty thành công và Applied Materials sẽ làm điều này bất kể việc có nhận được sự hỗ trợ của chính phủ hay không.
Được biết, Intel, TSMC và Samsung Electronics, 3 trong số các nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới đang xây dựng các nhà máy sản xuất chip ở Ohio, Arizona và Texas, dự kiến sẽ xin trợ cấp của liên bang. Đây là bằng chứng cho thấy Đạo luật Chips đang thu hút đầu tư toàn ngành.
Theo: WSJ