Tuần tới sẽ cho thấy rõ hơn việc các nhà hoạch định chính sách của các nền kinh tế phát triển còn lại bao nhiêu dư địa cho chính sách thắt chặt của mình, trong khi ở các nền kinh tế mới nổi, Ấn Độ chuẩn bị bước vào giai đoạn quan trọng của thị trường trái phiếu, và một loạt ngân hàng trung ương đang phải vật lộn với tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Dưới đây là những sự kiện tài chính thế giới đáng chú ý trong tuần 25-28/9:
1/ Dữ liệu PCE của Mỹ
Một thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ được công bố vào ngày 29/9, ngay sau khi ngân hàng trung ương Mỹ báo hiệu rằng họ có kế hoạch giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn để giảm áp lực giá cả hơn nữa.
Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ trong tháng 7/2023 tăng 3,3% so với 12 tháng trước đó. Fed theo dõi chỉ số giá PCE với mục tiêu đưa lạm phát về mức 2%.
Trong quyết định mới nhất công bố hôm 20/9, Fed đã giữ lãi suất ổn định, nhưng dự kiến chính sách tiền tệ sẽ vẫn thắt chặt hơn nữa so với dự kiến trước đó cho đến năm 2024.
Các nhà đầu tư cũng sẽ theo dõi các sự kiện ở Washington, nơi các nhà lập pháp nước Mỹ đang tranh luận về một dự luật chi tiêu có thời hạn cuối là ngày 30 tháng 9 để ngăn chặn khả năng Chính phủ phải đóng cửa – điều có thể gây náo loạn thị trường.
2/ Dữ liệu lạm phát của Eurozone
Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) vẫn chưa đưa ra mốc gian kết thúc cuộc chiến chống lạm phát, nhưng thị trường đang dự đoán thời điểm có thể xảy ra. Điều đó có nghĩa là dữ liệu giá tiêu dùng mới nhất của khu vực đồng euro (Eurozone), công bố vào ngày 29/9, có khả năng tác động đáng kể đến thị trường.
Lạm phát chung ở khu vực đồng euro vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của ECB nhưng đang đi đúng hướng (giảm dần).
Giá tiêu dùng trong khu vực tháng 8 tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái, kéo dài xu hướng giảm bắt đầu vào mùa thu năm ngoái.
ECB đã tăng lãi suất tiền gửi lên mức kỷ lục 4% trong tháng này và điều chỉnh tăng dự báo lạm phát năm 2024.
Nhưng với việc nền kinh tế của khối tiền tệ đang suy yếu, ngân hàng trung ương cũng ám chỉ rằng ít nhất sắp tới sẽ có một đợt tạm dừng tăng lãi suất. Lạm phát tiếp tục giảm chắc chắn sẽ thúc đẩy mạnh mẽ suy đoán về thời điểm cắt giảm lãi suất đầu tiên sau nhiều tháng lãi suất liên tục tăng.
3/ Giá dầu có thể đạt 100 USD/thùng
Sau thời kỳ khủng hoảng chi phí sinh hoạt không ngừng nghỉ và lãi suất tăng cao, các ngân hàng trung ương cuối cùng cũng phải vật lộn để kiềm chế lạm phát, hoặc bắt đầu tính tới chuyện đó.
Giá dầu – một biến số lạm phát lớn nằm ngoài tầm kiểm soát của bất kỳ nhà hoạch định chính sách nào – đã tăng lên trên 90 USD/thùng, mức cao nhất trong 10 tháng, đưa ra một lời nhắc nhở mà cả thế giới không mong muốn rằng xu hướng lạm phát giảm gần đây có thể dễ dàng đảo chiều tăng trở lại. Lý do chính đẩy giá dầu tăng mạnh hiện nay là Saudi Arabia và Nga, chiếm hơn 20% sản lượng toàn cầu, đồng ý gia hạn cắt giảm sản lượng đến cuối năm để điều chỉnh nguồn cung với nhu cầu.
Hầu hết các nhà phân tích đều đồng ý rằng, về mặt lý thuyết, giá dầu sẽ phải duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn mới có thể thúc đẩy lạm phát tăng lên. Nhưng những dự đoán về khả năng giá dầu đạt 100 USD đang trở nên ngày càng phổ biến. Vì thế, các ngân hàng trung ương có lẽ vẫn chưa thể tuyên bố cuộc chiến chống lạm phát kết thúc.
4/ Trái phiếu Ấn Độ được tham gia vào chỉ số thị trường trái phiếu mới nổi
Ấn Độ cuối cùng được JPMorgan đồng ý bắt đầu từ ngày 28 tháng 6 năm 2024 cho tham gia vào chỉ số trái phiếu nội địa thị trường mới nổi GBI-EM, một quỹ trị giá 236 tỷ USD, theo dõi các chỉ số trái phiếu thị trường mới nổi của JPMorgan. Quyết định này sẽ thu hút hàng tỷ USD vào các thị trường thu nhập cố định trong nước của nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, với tỷ trọng tối đa trên chỉ số sẽ là 10% từ tháng 7 năm 2024
Ấn Độ bắt đầu đàm phán về việc đưa nợ chính phủ của mình vào các chỉ số toàn cầu từ năm 2019, nhưng tham vọng đó đã bị trì hoãn bởi một số yếu tố, bao gồm cả quan điểm của nước này về một số vấn đề.
Thị trường trái phiếu chính phủ của nước này – trong đó người nước ngoài hiện nắm giữ chưa đầy 2% lượng trái phiếu đang lưu hành – có thể nhận được một sự thúc đẩy khác khi nhà cung cấp chỉ số FTSE Russell hôm 28/9 sẽ quyết định về việc có nên thêm Ấn Độ vào danh sách chỉ số tham chiếu trái phiếu của các nền kinh tế mới nổi hay không.
5/ Châu Á với những lựa chọn khó khăn
Các ngân hàng trung ương châu Á đang phải đối mặt với một vấn đề nan giải: làm thế nào để xử lý tình trạng tăng trưởng kinh tế đang suy yếu và lạm phát lên đến đỉnh điểm, đồng thời ngăn chặn sự trượt giá của nội tệ để duy trì sự ổn định trong hệ thống tài chính của họ.
Ngân hàng Indonesia hôm 21/9 đã giữ lãi suất ổn định tháng thứ 8 liên tiếp. Lạm phát của Indonesia đã giảm đáng kể, đủ điều kiện để nước này cắt giảm lãi suấ. Tuy nhiên, Thống đốc Perry Warjiyo nhấn mạnh sự ổn định tỷ giá nội tệ là yếu tố quyết định. Đồng rupiah đang ở mức thấp nhất trong 6 tháng và phần bù lãi suất của đồng tiền này so với đô la Mỹ đã giảm xuống.
Cũng ngày, ngân hàng trung ương Philippines cũng ưu tiên hỗ trợ cho đồng peso vì tốc độ tăng trưởng kinh tế quý II ở mức chậm nhất trong gần 12 năm.
Ngân hàng Thái Lan sẽ họp vào ngày 27/9 và có khả năng sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách thắt chặt tiền tệ do đồng baht đang giảm mạnh, bất chấp thâm hụt kép ở mức cao và nền kinh tế đang gặp khó khăn.
Can thiệp mạnh vào thị trường tiền tệ là một chiến thuật. Nhưng phần lớn sự can thiệp của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển lại thường phụ thuộc vào quyết định của các ngân hàng trung ương khác ở xa hơn, cụ thể là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
Tham khảo: Refinitiv