Theo Qualcomm, hơn 1,4 tỉ smartphone 5G sẽ được tiêu thụ vào năm 2022 – Ảnh: ĐỨC
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng:
Sớm thử nghiệm để năm 2020 phủ sóng toàn bộ các khu công nghệ cao
Một trong những ứng dụng giai đoạn đầu của 5G là nhà máy thông minh, là công nghệ cao, ở đó rất nhiều công nghệ mới 5G đang được sử dụng. Ở đó, Viettel và các nhà mạng phải sớm thử nghiệm để năm 2020 phủ sóng toàn bộ các khu công nghệ cao, các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, các nhà máy sản xuất thông minh.
Thiếu tướng Lê Đăng Dũng (quyền chủ tịch, tổng giám đốc Tập đoàn Viettel):
Chờ kết nối 5G để phát huy hiệu quả cao nhất
Thực chất cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đều phải dựa trên nền tảng viễn thông và công nghệ thông tin. Chính vì vậy chúng ta cần có một hạ tầng viễn thông tiên tiến nhất. Bên cạnh việc có một mạng lưới 4G lớn nhất, phủ sóng toàn quốc, một hạ tầng mạng lõi và truyền dẫn được ảo hóa, Viettel sớm chú trọng xây dựng mạng 5G để đáp ứng các ứng dụng thời gian thực, độ phân giải siêu cao và các kết nối IoT độ trễ siêu nhỏ.
Viettel đã phát triển các sản phẩm Big Data, các sản phẩm AI cho y tế, công nghiệp, nông, lâm nghiệp… Các sản phẩm này đang chờ có kết nối 5G để phát huy hiệu quả cao nhất.
Ông ST Liew (phó chủ tịch Qualcomm Technologies):
Đưa ra lộ trình phát triển với ưu tiên rõ ràng
Chính phủ Việt Nam thể hiện rõ quyết tâm trong việc triển khai 5G trong năm nay. Điều này rất đáng được khen ngợi, cho thấy tầm nhìn xa của Chính phủ. Tất nhiên để đạt được bất kỳ thành tựu mới nào thì cũng phải vượt qua những thách thức nhưng với Việt Nam, tôi không cho rằng chúng là khó khăn, mà chúng chỉ đơn giản là những điều ta phải làm để phát triển và tiến lên phía trước. Điều quan trọng là chúng ta phải biết mình cần gì, từ đó phân loại ưu tiên để triển khai có lộ trình.
Trong trường hợp của Việt Nam, cũng giống như nhiều nước trên thế giới, trong thời gian đầu có thể triển khai 5G cục bộ tại đô thị thông minh hoặc các khu công nghiệp. Bên cạnh đó, để có thể đưa ra lộ trình phát triển với ưu tiên rõ ràng, tôi khuyến nghị Việt Nam cố gắng triển khai và ứng dụng 5G vào những ngành rộng hơn ngoài điện thoại di động vì di động chỉ là một phần rất nhỏ của công nghệ 5G. Việt Nam có một nền công nghiệp sản xuất rất phát triển. Đây là một nền móng tốt để tận dụng công nghệ 5G, tạo ra đột phá trong cuộc cách mạng 4.0.
5G đang tăng tốc trên toàn thế giới
Năm 2019, chưa đầy một năm sau khi các tiêu chuẩn được xác định, các mạng 5G đã được triển khai thương mại quy mô lớn, nhanh hơn nhiều so với 4G. Cho đến nay, các nhà mạng tại hơn 20 thị trường đã khai trương tổng cộng 40 mạng 5G thương mại. Dự kiến đến cuối năm nay con số này là hơn 60.
5G mang lại những trải nghiệm người dùng hoàn toàn mới. Tại Hàn Quốc – thị trường đầu tiên ra mắt mạng 5G thương mại, 1 triệu người dùng đã đăng ký 5G trong vòng 69 ngày đầu tiên triển khai.
Khi 4G được triển khai, phải mất 150 ngày để tích lũy cùng số lượng người dùng như vậy. Sự xuất hiện của 5G cũng là một lợi ích cho các nhà khai thác, vì người dùng 5G trung bình tiêu thụ dữ liệu nhiều gấp ba lần so với người dùng 4G.
Trong vòng chưa đầy 6 tháng, các nhà mạng Hàn Quốc đã đạt được hơn 3,5 triệu thuê bao 5G. Phần lớn sự tăng trưởng này là nhờ vào các dịch vụ mới trên nền tảng 5G như AR/VR và phát sóng các chương trình thể thao 360 độ HD trực tiếp. Chỉ riêng với các dịch vụ này, mức tiêu thụ dữ liệu của những người dùng 5G sớm đã tăng lên gấp 3 lần, lên tới 1,3 GB mỗi tháng.