Đó là những chia sẻ của nghệ sĩ Phương Ánh, “bầu sô” của CLB nghệ thuật tuồng cổ Phương Ánh (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ), một trong những gánh tuồng cổ hiếm hoi còn sót lại tại miền Tây.
Tôi gặp nghệ sĩ Phương Ánh và gánh tuồng vào một ngày hè oi ả tại Sóc Trăng, giữa ngôi đình cổ tại huyện Trần Đề. Cả gánh tuồng có khoảng 20 con người đang tất bật chuẩn bị cho buổi diễn vào buổi tối.
“Một năm gánh tuồng chúng tôi chỉ lưu diễn 6 tháng đầu năm, còn lại 6 tháng cuối năm thì giải thể vì không có ai thuê, những ngày nghỉ diễn phải nói thực sự khó khăn, khó khăn về kinh tế cũng như khó khăn về tinh thần. Nhiều hôm nhớ nghề quá, tôi lôi quần áo sân khấu ra mặc, tự trang điểm và tự ngắm mình qua gương” – nghệ sĩ Phương Ánh giãi bày.
Ở lục tỉnh Nam Bộ giờ chỉ còn khoảng 4 đến 5 gánh tuồng cổ, thời gian trôi đi, những gánh tuồng cứ “gãy” dần. Những người nghệ sĩ tâm huyết với nghề cứ ngày càng già đi, còn khán giả thì ngày càng thưa vắng…
5 giờ chiều, các nghệ sĩ bắt đầu ăn tối, “bà bầu” Phương Ánh kiêm luôn trách nhiệm làm “chị nuôi” cho cả đoàn.
Bữa cơm đạm bạc, có chút cá kho, rau luộc, kho quẹt. Nơi sinh hoạt của cả đoàn vỏn vẹn mấy mét vuông hai bên cánh gà, mỗi người một chiếc võng vắt vẻo đan vào nhau. Họ ăn ở đó, ngủ ở đó và trang điểm, thay trang phục cũng ở đó.
6 giờ tối, các nghệ sĩ bắt đầu trang điểm và chuẩn bị trang phục cho đêm diễn. Dưới ánh đèn leo lét, mỗi người một góc cánh gà và tự trang điểm cho mình.
Tối hôm đó, khán giả đến xem tuồng chỉ có người già và đám trẻ nhỏ. Người già đến xem vì tuồng gắn liền với cả tuổi thanh xuân của họ, còn đám trẻ nhỏ đến vì tò mò hiếu kỳ vì những khuôn mặt được hóa trang cầu kỳ và những bộ trang phục sặc sỡ.
“Thời rực rỡ nhất của tuồng hay cải lương là vào những năm 50-60. Tui nhớ ngày đó, những đêm diễn đỏ đèn, khán giả đến đông nghịt, nhiều người phải đến trước vài tiếng để có vị trí đẹp. Ngày đó tui còn nhỏ, đi theo gánh diễn của ba má, đoàn diễn đi đến đâu là được sự quan tâm rất nồng nhiệt của khán giả. Nhưng rồi theo thời gian các gánh tuồng gãy dần, khán giả thì ngày càng thờ ơ, những gánh diễn như bọn tui cầm cự đến ngày hôm nay vì quá yêu nghề, quá đau đáu với nó, chứ còn nói để sống được với nghề thì là điều không thể” – nghệ sĩ Phương Ánh nhớ lại một thời vang bóng của tuồng.
Trong gánh tuồng Phương Ánh, phần lớn các nghệ sĩ đều đã nhiều tuổi. Cũng như “bà bầu” Phương Ánh, các nghệ sĩ ở gánh tuồng đều xuất thân từ các đoàn tuồng chuyên nghiệp như An Giang, Đồng Tháp… rồi khi tuồng không còn chỗ đứng và bị giải thể, họ phải bươn chải, sống bằng nhiều công việc khác nhau như xe ôm, buôn bán tạp hóa nhỏ…
Gánh tuồng Phương Ánh xuất hiện – như một nơi để họ tụ về để sống tiếp với giấc mơ còn dang dở…
Phải chia sẻ thật, chụp ảnh trong điều kiện ánh sáng yếu là một thử thách khó ngay cả với những chiếc máy ảnh.
Nhưng P30 Pro đã khiến tôi bất ngờ về khả năng của nó. Với điều kiện ánh sáng yếu, tôi đã linh hoạt chuyển sang chế độ portrait (chụp ảnh chân dung) có sẵn trong máy. Khi chuyển sang chế độ này, khẩu độ của máy sẽ chuyển về F1.6, đây là một độ mở tối ưu nhất để bạn có thể chụp tốt các chủ thể trong điều kiện thiếu sáng.
Một điểm cộng nữa của Huawei P30pro đó là khả năng cân bằng trắng khá ấn tượng.
Trong điều kiện ánh sáng phức tạp, công nghệ AI của P30 Pro đã xử lý và tạo ra được những bức ảnh có sự cân bằng tốt về màu sắc, ảnh không bị ám sắc (màu vàng hoặc đỏ). Đây là một điều không đơn giản ngay cả với những chiếc máy ảnh chuyên nghiệp nhất.
Hai ngày được tác nghiệp cùng gánh tuồng cổ Phương Ánh, nó đã giúp tôi hiểu hơn được về nghệ thuật hát tuồng – một trong những giá trị văn hoá phi vật thể đặc sắc của Việt Nam nhưng đang dần bị mai một.
Lưu giữ và bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống phi vật thể, nó là một thách thức lớn cho bất kỳ một quốc gia nào. Và sẽ thật đau xót nếu một ngày nghệ thuật tuồng Việt Nam chỉ tồn tại qua những bức ảnh hay những thước phim tư liệu.