Lĩnh vực an toàn thông tin mạng đang ngày càng được các doanh nghiệp CNTT Việt Nam quan tâm, nghiên cứu phát triển – Ảnh: T. HÀ
Theo kết quả đánh giá, xếp hạng an toàn thông tin (ATTT) mạng đối với 90 cơ quan nhà nước tại Việt Nam trong năm 2018 vừa được Bộ Thông tin và truyền thông công bố ngày 17-4, không có đơn vị nào xếp loại A – quan tâm triển khai ATTT ở mức tốt, chỉ có gần 17% đơn vị xếp loại B – đã quan tâm triển khai ATTT ở mức khá.
Phần lớn các cơ quan nhà nước, khoảng 70% với 63/90 đơn vị được khảo sát, xếp ở mức trung bình về mức độ quan tâm triển khai ATTT.
Đây là lần đầu tiên Bộ Thông tin và truyền thông công bố kết quả đánh giá mức độ bảo đảm ATTT mạng trong các cơ quan, tổ chức nhà nước.
Ông Hoàng Minh Tiến – phó cục trưởng Cục ATTT Bộ Thông tin và truyền thông – cho biết các cơ quan nhà nước được đánh giá theo thang điểm 100. Trong đó, điểm tối đa cho tiêu chí “Kết quả tổng hợp từ phiếu khảo sát” là 50 điểm; tiêu chí “Tình hình lây nhiễm mã độc” là 20 điểm.
Ba tiêu chí “Tình trạng lộ lọt thông tin tài khoản”, “Tình trạng bảo đảm ATTT của Trang/Cổng thông tin điện tử” và “Số lượng sự cố nghiêm trọng đã ghi nhận” cùng có điểm tối đa là 10 điểm cho mỗi tiêu chí.
Kết quả đánh giá, xếp hạng mức độ đảm bảo ATTT mạng năm 2018 của các cơ quan nhà nước vừa được công bố cho thấy, trong 90 bộ, ngành, địa phương được đánh giá, không có cơ quan nào đã quan tâm triển khai ATTT ở mức tốt và và không có cơ quan xếp loại E (Chưa quan tâm đến ATTT).
Ngoài đa số xếp ở mức trung bình, hiện có 12 cơ quan xếp loại D là mức độ mới bắt đầu quan tâm đến ATTT. Những bộ ngành bét bảng về mức độ quan tâm đến ATTT là Bộ Công thương, Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Nội vụ và Ủy ban Dân tộc.
Đối với khối địa phương, những tỉnh thành mức độ quan tâm đến ATTT thấp nhất là Cà Mau, Khánh Hòa, Lai Châu, Long An, Nam Định, Phú Yên, Sóc Trăng và Tiền Giang.
Bốn cơ quan nhà nước khối trung ương được đánh giá cao nhất về mức độ đảm bảo ATTT trong năm 2018 (xếp loại B) là Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Văn phòng Chính phủ.
Với khối cơ quan địa phương, 11 tỉnh, thành phố được đánh giá cao hơn cả về mức độ đảm bảo ATTT năm ngoái gồm có: Bắc Ninh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đồng Nai, Lâm Đồng, Lào Cai, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thái Bình, Thừa Thiên Huế và Vĩnh Phúc.
Từ kết quả đánh giá, xếp hạng các cơ quan nhà nước, Phó Cục trưởng Cục ATTT Hoàng Minh Tiến đã đưa ra nhận xét: Các cơ quan xếp hạng cao đều có đơn vị, bộ phận chuyên trách về ATTT.
Tuy nhiên, hầu hết các cơ quan nhà nước được đánh giá đợt này chưa có một tổ chức, doanh nghiệp giám sát, bảo vệ chuyên nghiệp dẫn đến việc bị tấn công mạng mà không biết và hầu hết các cơ quan còn lúng túng, chậm xử lý khi bị tấn công mạng.
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, từ nay việc đánh giá và công bố mức độ bảo đảm ATTT mạng trong các cơ quan, tổ chức nhà nước sẽ được bộ thực hiện định kỳ hằng năm, tiến tới sẽ đánh giá ATTT cho các doanh nghiệp và tổ chức khác trong xã hội.
Báo cáo đánh giá, xếp hạng an toàn thông tin mạng của các cơ quan nhà nước tại Việt Nam năm 2018 được Cục ATTT thuộc Bộ Thông tin và truyền thông phối hợp cùng Hiệp hội ATTT Việt Nam (VNISA) thực hiện với mục tiêu làm thước đo (KPI) việc triển khai các giải pháp ATTT của các cơ quan. Đồng thời tạo động lực cho các cơ quan, tăng cường công tác bảo đảm ATTT mạng.
Việc đánh giá, xếp hạng ATTT mạng (Cyber Security Index – CSI) được thực hiện đối với 90 cơ quan nhà nước, bao gồm các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trừ 3 Bộ:Thông tin và truyền thông, Công an và Quốc phòng.
Việc đánh giá mức độ đảm bảo ATTT của các bộ, ngành, địa phương trong năm 2018 đã được thực hiện theo phương pháp kết hợp đánh giá qua khảo sát và kết quả đánh giá ghi nhận thực tiễn.
T. HÀ