Thời điểm này, bức tranh lợi nhuận của các ngân hàng năm 2024 đã được hé lộ, khi có hơn một nửa số ngân hàng thương mại đã công bố kết quả kinh doanh. Có thể nói, đây vẫn là bức tranh đa sắc khi có những ngân hàng lợi nhuận tăng bằng lần, thậm chí gấp vài lần cùng kỳ năm trước, có những ngân hàng lợi nhuận đi ngang, thậm chí có phần bị co hẹp.
18 ngân hàng công bố kết quả kinh doanh, có tới 8 ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế trên 20.000 tỷ, dẫn đầu là Vietcombank với lợi nhuận ước đạt 43.000 tỷ đồng, vượt xa các nhà băng khác. Tuy nhiên, mức tăng trưởng chỉ khoảng 5% so với năm trước đó. Mức tăng trưởng lợi nhuận đột phá nhất thuộc về BVB, mức tăng hơn 5 lần. Trong đó, lợi nhuận vẫn chủ yếu đến từ hoạt động cho vay.
Ông Nguyễn Ngọc Nghiệm – Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp và Định chế – BVBank chia sẻ: “Tận dụng được nhịp phục hồi của kinh tế. Thành ra mình có những điều chỉnh về chính sách dành cho khách hàng, chính sách quản lý rủi ro cũng như nâng cao trải nghiệm khách hàng và đẩy mạnh tín dụng hướng tới khách hàng trọng tâm là tín dụng nhỏ lẻ và sản xuất, đặc biệt là doanh nghiệp SME và micro SME”.
Ông Từ Tiến Phát – Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB cho biết thêm: “Chúng tôi gia tăng thị phần rất tốt trong năm 2024. Để phục vụ cho chiến lược gia tăng thị phần đó, chúng tôi có một phần nào đó NIM cũng giảm ít đi. Tiếp theo nữa liên quan đến việc hỗ trợ cho nền kinh tế, giảm lãi suất cho khách hàng doanh nghiệp cũng như cá nhân, không chỉ giảm lãi suất kỳ đầu, chúng tôi cũng giảm lãi suất cho nhiều khách hàng hiện hữu”.
Ngân hàng Nhà nước dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 16% trong năm nay
Lãi suất huy động tăng nhẹ. Trong khi đó, các ngân hàng vẫn giảm thêm lãi suất cho vay, mức giảm bình quân 0,59% với những khoản vay mới để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Theo ước tính của các công ty chứng khoán, biên lợi nhuận ròng NIM của các ngân hàng hầu hết đều giảm trong năm 2024, mức giảm bình quân từ 0,15 – 0,25%. NIM giảm nhưng được bù đắp bởi quy mô tín dụng tăng, giúp tăng trưởng lợi nhuận bình quân của các ngân hàng vẫn rất tích cực, khoảng 18%.
Ông Võ Minh Chiến – Trưởng BP Phân tích Ngành Tài chính – CTCK VNDirect nhận định: “Mức tăng trưởng này chúng tôi cho rằng phù hợp, không quá đột biến, không quá thấp, các ngân hàng tăng cường trích lập dự phòng. Chi phí dự phòng của toàn ngành tăng khoảng 10,1% so với cùng kỳ, thể hiện sự nỗ lực của toàn ngành trong việc kiểm soát nợ xấu, quản lý rủi ro. Sẽ có nhiều room hơn, nhiều không gian hơn để tập trung vào câu chuyện tăng trưởng trong năm 2025”.
Ông Quản Trọng Thành – Giám đốc Phân tích CTCK Maybank Investment Bank nêu ý kiến: “Sẽ có sự phục hồi không đồng đều. Các ngân hàng có sức mạnh về nguồn khách hàng bao gồm khách hàng doanh nghiệp lớn hay tập trung vào phân khúc khách hàng cá nhân có tiềm lực thì chúng tôi cho rằng đó sẽ là những ngân hàng sẽ phục hồi trước. Và chúng ta sẽ thấy 2025, bức tranh, bản đồ của ngành ngân hàng bắt đầu định vị dần. Những ngân hàng có sức mạnh về năng lực công nghệ sẽ bắt đầu bứt tốc”.
Ngân hàng Nhà nước dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 16% trong năm nay, mức cao nhất trong vòng 8 năm. Bức tranh tín dụng khởi sắc, lợi nhuận của các nhà băng sẽ tiếp tục có các gam màu tươi sáng hơn trong năm 2025. Lợi nhuận bình quân của ngành ngân hàng được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ 19%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!