Thông tin về tình hình thực hiện chính sách bảo hiểm trên địa bàn tháng 3/2025 vừa qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố Hải Phòng cho biết số lượng người đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là 1.350 người, tăng 519 người (tăng 62,45%) so với tháng 2/2025.
Trong tổng số lao động đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp có 69 người dưới 24 tuổi, chiếm 5,11%, độ tuổi từ 25-40 là 810 người, chiếm 60% và từ 40 trở lên là 471 người, chiếm 34,89%.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hải Phòng, số lượng lao động thất nghiệp chủ yếu trong độ tuổi trên 25 là do nhóm lao động này đang trong độ tuổi lao động, lại có đủ kinh nghiệm, có sức khỏe và rất năng động, nên những người lao động trong độ tuổi này thường có xu hướng chuyển đổi công việc nhiều hơn các nhóm lao động có độ tuổi khác.
Tỷ lệ lao động nữ thất nghiệp (59,85%) nhiều hơn tỷ lệ nam thất nghiệp (40,15%). Phần lớn họ là lao động phổ thông làm việc chủ yếu trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo như dày da, may mặc, điện tử…
Trong các nhóm ngành này, người lao động thường xuyên phải làm việc tăng ca, làm thêm giờ, áp lực công việc cao, thu nhập không ổn định, nên dẫn đến tình trạng người lao động tự động đơn phương xin chấm dứt hợp đồng lao động để chuyển đổi công việc, tìm kiếm cơ hội làm việc trong môi trường làm việc tốt hơn.
Bên cạnh đó, việc lao động nữ khi hết thời gian nghỉ chế độ thai sản thì họ cũng đơn phương xin chấm dứt hợp đồng lao động luôn để ở nhà chăm con nhỏ. Những lao động này mặc dù được tư vấn công việc phù hợp với trình độ chuyên môn khi đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, song phần lớn họ vẫn không thể quay trở lại thị trường lao động ngay lập tức.
Trong số 1.350 lao động thất nghiệp đến làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hải Phòng, số lượng lao động làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị xã hội và doanh nghiệp nhà nước chỉ chiếm một phần rất nhỏ, chiếm 3,78%. Trong khi đó, số lượng lao động làm việc tại các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài chiếm đến 96,22%.
Người lao động khi đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng được tư vấn, giới thiệu việc làm để sớm quay trở lại thị trường lao động. Trong tháng 3 vừa qua, tại Trung tâm đã có 238 người lao động được giới thiệu việc làm trên tổng số 1.350 người được tư vấn. Số người hưởng trợ cấp thất nghiệp quyết định học nghề tháng 3/2025 là 97 người, tăng 35 người (tăng 56,45%) so với tháng 2/2025.
Bên cạnh đó, Trung tâm cũng thường xuyên rà soát, mở rộng, phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn để tổ chức tư vấn tuyển sinh nhiều ngành nghề đa dạng, phù hợp với yêu cầu thực tế tại địa phương và nhu cầu của người lao động.
Đồng thời, Trung tâm cũng bố trí các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc theo nhiều hình thức như tư vấn trực tiếp, tư vấn qua điện thoại cho người lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho lao động thất nghiệp đăng ký tìm việc làm, học nghề.

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hải Phòng, dù 100% người lao động khi đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp đều được tư vấn, nhưng nhìn chung tỷ lệ người được giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề tại Trung tâm chưa cao.
Nguyên nhân là tại các khu công nghiệp và doanh nghiệp lớn, họ đều có bộ phận tuyển dụng riêng và người lao động thường trực tiếp đến nộp hồ sơ tại đây. Lao động đã có tay nghề khi nộp hồ sơ thường được tuyển dụng rất dễ dàng, nên phần lớn người lao động không cần tìm việc qua Trung tâm.
Mặt khác, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin như hiện nay, thì người lao động không cần qua các trung tâm giới thiệu việc làm, không cần đến sàn giao dịch việc làm cũng có thể tìm được rất nhiều thông tin tuyển dụng trên các trang mạng internet. Thực tế, rất nhiều người đã được tìm được công việc phù hợp tại đây.
Ngoài ra, nguyên nhân nữa là đa số người lao động thất nghiệp là lao động phổ thông, tập trung vào các ngành nghề sử dụng nhiều lao động như: may mặc, dày da, điện tử, cơ khí.
Trong thời gian thất nghiệp, mặc dù được tư vấn giới thiệu việc làm, học nghề miễn phí nhưng tâm lý người lao động vẫn muốn nhận tiền hỗ trợ thất nghiệp, đồng thời họ muốn chủ động tìm việc mang tính dịch vụ như bán hàng, tự kinh doanh, làm xe ôm…
Thời gian hỗ trợ học nghề từ 3 – 6 tháng cũng là một khó khăn đối với những người thất nghiệp đã có trình độ, chuyên môn, kỹ thuật cao, khi muốn tham gia khóa học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng nghề để chuyển đổi nghề phù hợp với yêu cầu của người sử dụng lao động.