Là một quốc gia đang phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Việt Nam đang ngày càng khẳng định vị thế là một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Trong số các nền kinh tế mới nổi, Việt Nam nổi bật nhờ vào tốc độ tăng trưởng ổn định, lực lượng lao động trẻ, năng động và không ngừng gia tăng các sáng kiến hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp.
Mặc dù tiềm năng phát triển là rất lớn, tại phiên thảo luận với chủ đề “Thúc đẩy đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp mới tại nền kinh tế mới nổi”, được tổ chức vào chiều ngày 15/4/2025 trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G) lần thứ tư năm 2025 tại Hà Nội, các chuyên gia nhấn mạnh Việt Nam vẫn cần đẩy mạnh hơn nữa các cơ chế hỗ trợ toàn diện cho hệ sinh thái khởi nghiệp nói chung và các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) nói riêng trong thời gian tới.
ĐIỂM SÁNG KHỞI NGHIỆP ĐẦY TIỀM NĂNG
Theo bà Ngô Thùy Ngọc Tú, Đồng sáng lập Quỹ đầu tư mạo hiểm TouchStone Partners, hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của Việt Nam hiện đang có tiềm năng rất lớn, đặc biệt là khả năng chống chịu tốt, tư duy thực tế, sáng tạo và linh hoạt. Đây không chỉ là nền tảng vững chắc để các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam vượt qua những thách thức, mà còn cho phép họ thích nghi nhanh chóng với những thay đổi của thị trường và nền kinh tế toàn cầu.
Tính đến cuối năm 2024, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam đã ghi nhận hơn 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó có 2 kỳ lân công nghệ và 11 doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD.
Nhờ những bước phát triển mạnh mẽ và đồng bộ đó, năm 2024, Việt Nam đã tăng 2 bậc từ vị trí 58 lên vị trí thứ 56 trong bảng xếp hạng Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu (Global Startup Ecosystem Index). Kết quả này cho thấy nỗ lực xây dựng môi trường khởi nghiệp năng động, sáng tạo và hấp dẫn nhà đầu tư quốc tế của Việt Nam đang dần phát huy hiệu quả.
Cùng với đó, Việt Nam đang cho thấy sự năng động rất nổi bật trong lĩnh vực công nghệ với các phòng thí nghiệm hiện đại, các tài sản trí tuệ (Intellectual Property – IP) ngày càng phát triển và một lượng lớn các kết quả nghiên cứu đầy giá trị.
“Những yếu tố này chứng minh rằng Việt Nam không chỉ có ý tưởng sáng tạo, mà còn có cơ sở hạ tầng và nguồn lực để phát triển các công nghệ đột phá phục vụ cho các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, bà Tú cho hay.
Tương tự, khi nhắc đến thị trường Việt Nam, ông Min Alexander, Đồng sáng lập kiêm Giám đốc Công ty RE:HARVEST (Hàn Quốc), bày tỏ ấn tượng mạnh mẽ với những nỗ lực và định hướng phát triển bền vững mà Việt Nam đang theo đuổi.
Ông nhận định rằng Việt Nam đang sở hữu một hệ sinh thái khởi nghiệp năng động và đầy tiềm năng, với nhiều chính sách và quy định ưu tiên cho tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Thậm chí, Việt Nam đang có những bước tiến mạnh mẽ hơn cả Hàn Quốc trong việc xây dựng môi trường khởi nghiệp thân thiện với môi trường, thể hiện qua các cơ chế hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo hướng đến phát triển bền vững.
Không chỉ dừng lại ở chính sách, hệ thống đào tạo và phát triển nguồn nhân lực khởi nghiệp tại Việt Nam cũng đang chuyển mình rõ nét. Nhiều trường đại học, viện nghiên cứu không chỉ tích cực thành lập các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp mà còn chủ động áp dụng các mô hình thử nghiệm và triển khai các dự án thực tiễn (Proof of Concept – POC).
“Đây chính là những nền móng vững chắc để hình thành một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo bền vững. Nếu Việt Nam tiếp tục duy trì và phát triển theo định hướng hiện tại, tôi tin rằng quốc gia này sẽ sớm xây dựng được một hệ sinh thái khởi nghiệp đủ mạnh, đủ linh hoạt để thích ứng và duy trì những đổi mới mang tính dài hạn”, ông Alexander nhấn mạnh.
THÚC ĐẨY CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CHO CÁC STARTUP NGAY TỪ GIAI ĐOẠN ĐẦU
Bên cạnh những tiềm năng đáng ghi nhận, các chuyên gia cho rằng hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam vẫn đang đối mặt với một số những hạn chế cần được giải quyết.
Trong đó, ông Min Alexander cho rằng Việt Nam vẫn còn thiếu các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp quy mô quốc gia, cũng như sự tham gia còn hạn chế từ các quỹ đầu tư công. Đây chính là rào cản khiến nhiều dự án đầy triển vọng, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ tiên phong như công nghệ khí hậu (climate tech), chưa thể phát triển đúng hướng hoặc vươn xa ra thị trường quốc tế.
Hiện nay, nhiều ý tưởng khởi nghiệp tại Việt Nam và kết quả nghiên cứu khoa học có tiềm năng đột phá vẫn đang “kẹt” ở giai đoạn phòng thí nghiệm hoặc dừng lại ở mô hình thử nghiệm nhỏ, chưa thể bước ra thị trường do thiếu cơ chế kết nối hiệu quả với doanh nghiệp, nhà đầu tư hoặc các nền tảng sản xuất và ứng dụng thực tiễn.
Không những thế, tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp khởi nghiệp giai đoạn đầu còn khá chậm. Sự chậm trễ này bắt nguồn từ hoạt động hỗ trợ chưa đủ mạnh, thiếu các chương trình tăng tốc, ươm tạo có chiều sâu và thiếu các nguồn vốn đầu tư phù hợp trong giai đoạn quan trọng nhất.
“Tôi đã từng gặp nhiều startup công nghệ đến từ Việt Nam tham gia các cuộc thi quốc tế như Future Food Asia tại Singapore hay các diễn đàn khởi nghiệp tại Dubai. Khi trò chuyện cùng những startup đó, tôi thường nghe họ chia sẻ rằng ở trong nước vẫn còn rất ít các cuộc thi hay chương trình hỗ trợ của Chính phủ dành cho họ”, ông Min Alexander chia sẻ.
Trước thực trạng đó, ông cũng đề xuất Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng hệ thống chính sách đồng bộ nhằm tạo ra môi trường thuận lợi cho các startup phát triển. Điều này không chỉ bao gồm các chương trình hỗ trợ mang tính hệ thống, mà còn là việc thiết lập các quỹ đầu tư mạo hiểm có yếu tố nhà nước nhằm dẫn dắt và kích hoạt nguồn vốn tư nhân.
“Khi có được sự hỗ trợ đúng cách và kịp thời, tôi tin rằng Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên trở thành một trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bền vững và năng động hàng đầu khu vực”, ông Min Alexander khẳng định.
Bổ sung thêm về các giải pháp trong thời gian tới, bà Tú cho rằng một trong những bước đi chiến lược mà Việt Nam cần đặc biệt chú trọng là thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển giao và thương mại hóa các tài sản trí tuệ (IP) cũng như các công nghệ đang trong giai đoạn thử nghiệm.
Hiện nay, nhiều ý tưởng khởi nghiệp tại Việt Nam và kết quả nghiên cứu khoa học có tiềm năng đột phá vẫn đang “kẹt” ở giai đoạn phòng thí nghiệm hoặc dừng lại ở mô hình thử nghiệm nhỏ, chưa thể bước ra thị trường do thiếu cơ chế kết nối hiệu quả với doanh nghiệp, nhà đầu tư hoặc các nền tảng sản xuất và ứng dụng thực tiễn.
“Chính vì vậy, nếu làm tốt bước này, Việt Nam sẽ không chỉ nâng cao giá trị của các sáng kiến đổi mới, mà còn có thể vươn lên trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị công nghệ toàn cầu”, bà Tú khẳng định.
Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G) lần thứ tư năm 2025 với chủ đề “Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm” diễn ra tại Hà Nội từ ngày 14 -17/4/2025.
Đây là hội nghị cấp cao đa phương về tăng trưởng xanh quy mô lớn nhất do Việt Nam đăng cai tổ chức trong giai đoạn 2021-2026, thể hiện cam kết mạnh mẽ, vai trò chủ động và trách nhiệm quốc tế của Việt Nam trong khuôn khổ P4G, cũng như trong nỗ lực toàn cầu nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.