32 năm trước, ngày 16/4/1993, Việt Nam lần đầu tiên xuất hiện doanh nghiệp khai thác dịch vụ thông tin di động – MobiFone. Giữa bối cảnh đất nước vừa mở cửa sau thời kỳ bao cấp – thời điểm mà việc sở hữu điện thoại di động với người dân là điều xa xỉ thì MobiFone ra đời với khát khao hiện thực hóa tầm nhìn phát triển kinh tế xã hội của đất nước, tiên phong xây dựng nền tảng viễn thông di động để mọi người dân Việt Nam đều có thể tiếp cận và trải nghiệm dịch vụ viễn thông di động.
“KHAI SINH” TRONG GIAN KHÓ

Hơn hai thập kỷ sau, năm 2014, MobiFone đã vươn mình lớn mạnh trở thành Tổng công ty trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông. Đến tháng 11/2018, MobiFone được chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Với hơn 30 năm phát triển, MobiFone đã không ngừng phấn đấu trở thành doanh nghiệp công nghệ, tích cực tham gia triển khai Chiến lược quốc gia phát triển hạ tầng thông tin, hạ tầng số, bảo đảm an toàn thông tin mạng và Chương trình quốc gia về nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, tự cường của nền sản xuất Việt Nam đến năm 2045 (Make in Vietnam).
TĂNG TỐC CHUYỂN ĐỔI SỐ “NÂNG TẦM CUỘC SỐNG”
Thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy của Đảng, Bộ Công an tiếp nhận TCT Viễn thông MobiFone. Việc chuyển giao MobiFone về Bộ Công an diễn ra vào thời điểm chiến lược, ngay sau khi Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số Quốc gia được ban hành. Sự kiện này không chỉ phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước trong bối cảnh mới mà còn giúp MobiFone tận dụng nguồn lực, cơ chế quản lý hiện đại để tái thiết theo hướng tinh gọn – mạnh – hiện đại…

Để thực hiện những bước chuyển mình mạnh mẽ đó, dựa trên nền tảng sẵn có của một trong những doanh nghiệp viễn thông hàng đầu Việt Nam, MobiFone sẽ tiếp tục đầu tư mạnh vào công nghệ tiên tiến, đặt quyết tâm cao trở thành doanh nghiệp công nghệ có hạ tầng số chủ lực của quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số và xây dựng xã hội số. Quyết tâm này đã được cụ thể hóa trong Đề án chiến lược 2030, tầm nhìn 2035.
Theo đó, về phát triển hạ tầng số, MobiFone sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào các công nghệ tiên tiến như 5G, cloud (điện toán đám mây), IoT… đảm bảo kết nối mạnh mẽ và tối ưu hóa trải nghiệm người dùng trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia.
Ngày 26/3/2025, MobiFone chính thức cung cấp dịch vụ 5G tại các tỉnh, thành phố lớn, hướng tới phủ sóng toàn quốc. MobiFone triển khai mạng 5G trên băng tần 3.800-3.900 MHz cho tốc độ đến 1,5 Gbps (gấp 10 – 15 lần so với 4G), độ trễ thấp, đáp ứng các dịch vụ công nghệ cao.
Đồng thời, MobiFone sẽ phát triển các nền tảng số phục vụ Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, hệ sinh thái các dịch vụ phục vụ tài chính số, y tế số, thành phố thông minh… mang đến nhiều giá trị hơn cho xã hội.
Cùng với phát triển công nghệ, MobiFone hướng đến phát triển bền vững, tích hợp các giá trị ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) vào chiến lược, tập trung xây dựng một cơ sở mạng lưới được cải tiến, tối ưu hóa và thông minh, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu, ứng dụng năng lượng sạch, giảm tiêu thụ năng lượng và phát thải… góp phần đáp ứng cam kết COP26 về giảm phát thải khí nhà kính.
CHUYỂN ĐỔI SỐ TOÀN DIỆN VÀ VƯƠN TẦM QUỐC TẾ
Bứt phá khỏi những hạn chế của mô hình doanh nghiệp “thuần viễn thông”, MobiFone đang tái cấu trúc để trở thành tập đoàn công nghệ số, với các lĩnh vực kinh doanh mở rộng, như: Hạ tầng điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo; Hệ sinh thái dịch vụ Tài chính số, hợp tác với ngân hàng để triển khai eKYC, ví điện tử; các giải pháp thành phố thông minh, hỗ trợ chính phủ và doanh nghiệp chuyển đổi số…
Trong lộ trình đó, bên cạnh nền tảng viễn thông và các dịch vụ số đã đưa vào thị trường thời gian qua, MobiFone cũng sẽ xây dựng, phát triển hệ sinh thái số toàn diện, nâng cao trải nghiệm khách hàng và mở rộng các dịch vụ số hữu ích, sáng tạo. Từ đó, mở ra một không gian tăng trưởng mới đầy hứa hẹn.
Với hệ sinh thái các sản phẩm sẵn có, MobiFone sẽ tiếp tục phát triển các dịch vụ số tiên tiến như MobiFone Meet, mobiAgri, mobiEdu… để phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Đặc biệt, doanh nghiệp cũng sẽ xây dựng chiến lược R&D bài bản để thúc đẩy văn hóa đổi mới sáng tạo, không ngừng cải tiến quy trình, sản phẩm…
Việc chuyển giao về Bộ Công an tạo điều kiện thuận lợi cho MobiFone tham gia sâu hơn vào việc giải quyết những bài toán lớn về an toàn thông tin, an ninh mạng, cũng như phát triển các nền tảng số phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, MobiFone sẽ có cơ hội đưa công nghệ tiên tiến của mình vào các ứng dụng, các dịch vụ công trực tuyến, các nền tảng số của Bộ… góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số Quốc gia.
Không chỉ đặt mục tiêu trở thành nhà mạng hàng đầu Việt Nam, MobiFone luôn hướng đến trở thành một tập đoàn công nghệ có sức ảnh hưởng lớn trong khu vực và quốc tế. Thời gian tới, doanh nghiệp sẽ mở rộng hợp tác với các tập đoàn công nghệ toàn cầu, tiếp cận các xu hướng mới như 5G-A, AI, blockchain… để nâng cao khả năng cạnh tranh. Đồng thời, đặt tham vọng mở rộng thị trường quốc tế, cung cấp các giải pháp số tiên tiến đến các nước Đông Nam Á và xa hơn.
Tin rằng, với chiến lược đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, chuyển đổi số toàn diện và mở rộng phạm vi ảnh hưởng quốc tế, MobiFone không chỉ duy trì vị thế dẫn đầu tại Việt Nam mà còn từng bước trở thành tập đoàn công nghệ có sức ảnh hưởng toàn cầu.