LPB chốt quyền trả cổ tức tỷ lệ 19% bằng cổ phiếu
Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank, HOSE: LPB) thông báo chốt ngày trả cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu và thực hiện quyền mua cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 22/08/2023.
Cụ thể, với tỷ lệ thực hiện 19% (cổ đông sở hữu 100 cp nhận 19 cp mới), LPB cần phát hành hơn 328.53 triệu cp để trả cổ tức.
Dự kiến sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ của LPB sẽ tăng thêm 3,285.3 tỷ đồng, lên mức hơn 20,576 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Ngân hàng cũng dự kiến tăng thêm gần 5,000 tỷ đồng vốn điều lệ thông qua việc phát hành thêm gần 500 triệu cp để chào bán cho cổ đông hiện hữu. Tỷ lệ thực hiện quyền là 28.9% (cổ đông sở hữu 100 cp được mua thêm 28.92 cp). Mức giá chào bán không thấp hơn mệnh giá.
Vốn điều lệ dự kiến của LPB sau khi hoàn tất chào bán cho cổ đông hiện hữu sẽ tăng lên mức hơn 25,576 tỷ đồng.
Năm 2023, LPB dự kiến tăng vốn điều lệ thêm tổng cộng hơn 11,385 tỷ đồng, tương ứng phát hành thêm 1.14 tỷ cp. Trong đó, 328.53 triệu cp phát hành trả cổ tức tỷ lệ 19%; 500 triệu cp chào bán cho cổ đông hiện hữu; 300 triệu cp chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài; 10 triệu cp phát hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Thời gian thực hiện trong năm 2023-2024 sau khi có chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Sau khi hoàn thành các đợt phát hành, vốn điều lệ của LPBank dự kiến tăng từ hơn 17,291 tỷ đồng lên hơn 28,676 tỷ đồng.
LPBank cho biết tổng số tiền thu được từ các đợt tăng vốn sẽ được sử dụng để đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng/sửa chữa/cải tạo/đầu tư mua sắm tài sản cố định, mở rộng mạng lưới hoạt động, đầu tư tài sản cố định (5,000 tỷ đồng), cho vay nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng (3,100 tỷ đồng). Trong đó, cho vay ngắn hạn 1,000 tỷ đồng và 2,100 tỷ đồng cho vay trung – dài hạn đối với lĩnh vực nông nghiệp, tiêu dùng, thương mại, công nghiệp chế biến chế tạo…
Theo LPB, vốn điều lệ là một trong những chỉ tiêu quan trọng nhất quyết định mức độ an toàn vốn trong hoạt động ngân hàng cũng như khả năng phát triển trong tương lai. Mức vốn điều lệ cao sẽ giúp Ngân hàng đáp ứng tốt các chỉ tiêu an toàn, nâng cao khả năng quản trị rủi ro trong hoạt động ngân hàng.
Tăng vốn điều lệ đồng nghĩa với việc tăng các giới hạn liên quan đến cấp tín dụng, thêm nguồn vốn trung dài hạn để mở rộng quy mô cho vay nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng.
Hơn nữa, các quy định mới của Ngân hàng Nhà nước đều gắn giới hạn cấp tín dụng, đầu tư vào tài sản cố định với tỷ lệ vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu. Do đó, việc tăng vốn điều lệ là hết sức cần thiết để có thể tăng cường nguồn lực cũng như mở rộng đối tượng khách hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị phần, mua sắm, đầu tư tài sản cố định, cải tiến cơ sở vật chất, tận dụng thế mạnh mạng lưới rộng khắp.
Ngoài kế hoạch tăng vốn, LPB cũng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2023 đạt 6,000 tỷ đồng, tăng 310 tỷ đồng so với năm 2022, tương đương tỷ lệ tăng 5.4%. Tổng tài sản dự kiến đạt 375,000 tỷ đồng, tăng 14.4%. Huy động thị trường 1 đạt 295,740 tỷ đồng, tăng 17.9%; Tín dụng thị trường 1 đạt 273,490 tỷ đồng, tăng 16%. Kế hoạch tăng trưởng tín dụng thị trường 1 có thể được điều chỉnh phụ thuộc vào giới hạn tăng trưởng theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước.
Khang Di