Chậm ban hành các chỉ đạo
Kết luận thanh tra về công tác chỉ đạo, điều hành cung cấp điện của Tập đoàn Điện lực VN (EVN) giai đoạn 2021 – 2023 được Bộ Công thương công bố ngày 12.7 đã chỉ rõ nguyên nhân vì sao khiến 85 dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp bị chậm đưa vào vận hành phát điện.
Theo Bộ Công thương, trong các dự án này có nhiều thủ tục pháp lý cần phải hoàn thiện có liên quan đến EVN như: thoả thuận đấu nối (nếu đã hết hạn); hoàn thành thực hiện các thử nghiệm theo quy định đối với các nhà máy điện đã đăng ký thử nghiệm; xem xét kết quả thử nghiệm của các nhà máy điện, đảm bảo phù hợp với yêu cầu kỹ thuật và các quy định có liên quan và thủ tục đóng điện vào vận hành của các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp đã nộp hồ sơ.
Tuy nhiên, ngày 30.3, EVN mới có Công văn số 1515/EVN-KH chỉ đạo Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT), các tổng công ty điện lực trực thuộc thực hiện gia hạn thỏa thuận đấu nối đối với các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp làm cơ sở hoàn thiện hồ sơ công nhận vận hành thương mại (COD).
Đến ngày 25.5, EVNNPT, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC), Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đã hoàn thành gia hạn thỏa thuận đấu nối cho tất cả các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp cần gia hạn thỏa thuận đấu nối. Theo đó, ngày 1.6, EVN đã thỏa thuận, thống nhất giá điện tạm thời với 43 dự án.
Các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp là những dự án đã và đang hoàn thành việc thử nghiệm nhưng ngày 30.3, EVN mới có Công văn số 1515/EVN-KH chỉ đạo thực hiện gia hạn thỏa thuận đấu nối. Ngày 18.5, Công ty Mua bán điện thuộc EVN (EPTC) mới có Công văn số 3879/EPTC-KTCNTT gửi đến chủ đầu tư của 85 dự án điện gió, điện mặt trời đề nghị gửi cập nhật chương trình chạy thử nghiệm để EPTC xem xét thống nhất.
Đến ngày 1.6, mới có 28/85 dự án điện gió, điện mặt trời được xem xét và thống nhất chương trình chạy thử nghiệm cập nhật, chương trình chạy thử nghiệm. Trong đó, 9 dự án đã hoàn thành thử nghiệm và được công nhận COD.
Theo đó, Thanh tra Bộ Công thương kết luận: EVN đã chậm trễ trong công tác chỉ đạo, điều hành, đôn đốc các đơn vị thành viên phối hợp với các chủ đầu tư dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan đến EVN để đưa các dự án này đi vào vận hành theo chỉ đạo của Bộ Công thương.
Lãng phí tài nguyên, nguồn lực đầu tư xã hội
Thanh tra Bộ Công thương cũng làm rõ việc bổ sung các nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) chuyển tiếp trong thời gian gần đây và trong thời gian tới có tác động như thế nào đến việc cung cấp điện cho hệ thống trong thời gian vừa qua, trong thời gian tới.
Cụ thể, tại Công văn số 1120/ĐĐQG-PT+TTĐ ngày 11.4 của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, việc giải tỏa các nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp năm 2023 đã được đánh giá qua 3 kịch bản: chỉ xét 22 nhà máy đã hoàn thành thử nghiệm; chỉ xét 34 nhà máy thuộc kiến nghị của 36 chủ đầu tư; xét 85 nhà máy đã ký hợp đồng mua bán điện nhưng chưa COD.
Qua kết quả tính toán cho thấy về cơ bản, một số khu vực có khả năng hấp thụ được hết, tuy nhiên sẽ tiếp tục gây thêm quá giới hạn truyền tải lưới điện 500 kV trục Trung – Bắc trong một số chế độ. Trong khi đó, tại biên bản kiểm tra xác minh ngày 4.7, EVN báo cáo bổ sung: “Về cơ bản, hệ thống có thể hấp thụ được hết ở đa số các thời điểm”.
Nhưng cho đến thời điểm Bộ Công thương thực hiện thanh tra, mới chỉ có 14 nhà máy điện gió, điện mặt trời đã vận hành thương mại, thấp hơn số lượng dự kiến tại cả 3 kịch bản nêu trên.
Qua đó, Thanh tra Bộ Công thương kết luận: Việc EVN không có văn bản chỉ đạo các đơn vị thành viên khẩn trương phối hợp các chủ đầu tư nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp, chậm chỉ đạo đàm phán giá phát điện tạm thời, hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan đến EVN, dẫn đến các dự án nhà máy điện này chậm được đưa vào vận hành, gây lãng phí tài nguyên và nguồn lực đầu tư xã hội.
Đối với các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp, Bộ Công thương cũng đã ban hành Công văn số 107, ngày 9.1 đôn đốc EVN khẩn trương phối hợp thỏa thuận, thống nhất giá phát điện đảm bảo không vượt quá khung giá phát điện do Bộ Công thương ban hành (Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7.1) để sớm đưa các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp vào vận hành, tránh gây lãng phí tài nguyên.
Tuy nhiên, EVN, EPTC và các đơn vị thành viên có liên quan chưa triển khai thực hiện kịp thời theo chỉ đạo; chậm trễ trong công tác phối hợp với các chủ đầu tư để hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan đến EVN để đưa các dự án vào vận hành; chậm chỉ đạo thỏa thuận giá phát điện tạm thời đối với dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp theo quy định tại khoản 2, điều 26, Nghị định số 137/2013/NĐ-CP.
Thanh tra Bộ Công thương kết luận, trách nhiệm thuộc về EVN, EPTC và các đơn vị thành viên có liên quan.