Khi hoàn thành, KCN Vĩnh Thạnh – giai đoạn 2 (Phú Mỹ 3 Cần Thơ IP) kết hợp cùng KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 (Bà Rịa – Vũng Tàu), cảng cạn Phú Mỹ, cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải tạo thành một chuỗi liên kết công nghiệp, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị logistic cảng biển quan trọng cho Cần Thơ và cả ĐBSCL.
Chuỗi liên kết công nghiệp, cung ứng khép kín
Ngày 6.2, UBND TP.Cần Thơ tổ chức công bố, trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư; chấp thuận nhà đầu tư và chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Vĩnh Thạnh – giai đoạn 2 (Phú Mỹ 3 Cần Thơ IP). Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1707/QĐ-TTg ngày 31.12.2024, do Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ làm chủ đầu tư. Quy mô dự án rộng 540,58 ha tọa lạc tại H.Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ; tổng vốn đầu tư 7.850 tỉ đồng.
Ông Tạ Quốc Bảo, Phó tổng giám đốc Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ, chủ đầu tư dự án cho biết, với kinh nghiệm từ KCN Phú Mỹ 3 tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, KCN Vĩnh Thạnh – giai đoạn 2 sẽ được xây dựng theo mô hình KCN chuyên sâu với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, bền vững, thân thiện với môi trường. Mục tiêu là thu hút các dự án sản xuất, chế biến, gia công, lắp ráp các sản phẩm và các dự án đầu tư thực hiện cụm liên kết ngành dựa trên tiềm năng và lợi thế của Cần Thơ và ĐBSCL.
Đặc biệt, khi hoàn thành, KCN Vĩnh Thạnh – giai đoạn 2 kết hợp giữa KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3, cảng cạn Phú Mỹ, cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải tạo thành một chuỗi liên kết công nghiệp, chuỗi cung ứng. Trong đó KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 đóng vai trò thượng nguồn và KCN Vĩnh Thạnh – giai đoạn 2 là hạ nguồn.
“Nguyên vật liệu, nhiên liệu sản xuất được nhập khẩu về cảng biển nước sâu Cái Mép – Thị Vải rồi chuyển qua cảng cạn Phú Mỹ bằng đường thủy đưa về các nhà máy tại KCN Vĩnh Thạnh – giai đoạn 2 để sản xuất ra các sản phẩm hoàn thiện. Sau đó hàng hóa được vận chuyển ngược trở lại cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải để xuất khẩu. Với các nguyên vật liệu cơ bản được sản xuất tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 và khu vực lân cận như: Hóa chất cơ bản, thép, vật liệu xây dựng, hạt nhựa, sản phẩm hóa dầu… cũng sẽ được cung ứng nội địa cho các nhà máy hạ nguồn tại KCN Vĩnh Thạnh – giai đoạn 2”, ông Bảo nói.
Dự án cũng tập trung đáp ứng linh hoạt nhu cầu đa dạng về quy mô sử dụng đất nhằm thu hút đầu tư các ngành: công nghiệp nặng, công nghiệp giá trị gia tăng cao, công nghiệp hỗ trợ, các ngành nghề đầu tư xây dựng, khai thác cảng, dịch vụ logistics… tạo thành cụm liên kết ngành trong KCN của Cần Thơ và cả ĐBSCL.
KCN thứ 7 của Cần Thơ có ý nghĩa với cả ĐBSCL
Phó chủ tịch Thường trực TP.Cần Thơ Dương Tấn Hiển, cho biết, KCN Vĩnh Thạnh – giai đoạn 2 là KCN thứ 7 của TP.Cần Thơ. Dự án có ý nghĩa quan trọng với địa phương trong phát triển công nghiệp chuyên sâu thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước, thực hiện các cụm liên kết ngành; đồng thời góp phần quan trọng giải quyết việc làm cho địa phương và các tỉnh lân cận vùng ĐBSCL.
Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ cũng cam kết: “Cần Thơ sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để chủ đầu tư dự án đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Thành phố cam kết sẽ đồng hành và chỉ đạo các sở ngành, địa phương H.Vĩnh Thạnh tích cực hỗ trợ nhà đầu tư trong công tác giải phóng mặt bằng, triển khai xây dựng các khu tái định cư, các tuyến đường giao thông kết nối…”.
Hiện tại, TP.Cần Thơ hiện có 6 KCN trong đó có 5 khu đang hoạt động gồm: Trà Nóc 1, Trà Nóc 2, Hưng Phú 1, Hưng Phú 2 và KCN Thốt Nốt, đã cho thuê 329,55 ha đất công nghiệp đạt tỷ lệ lấp đầy gần 88%. Có 1 KCN đang đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật là KCN Vĩnh Thạnh giai đoạn 1. Lũy kế đến nay, các KCN, khu chế xuất của Cần Thơ có 257 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký là 2,3 tỉ USD vốn thực hiện là được 1,3 tỉ USD với 227 dự án đầu tư trong nước, 29 dự án FDI, 1 dự án vốn ODA.