Ngày 6/2, ông Nguyễn Thanh Bình – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị xác nhận, đơn vị đã bàn giao tạm thời công trình cầu An Lạc (còn gọi là cầu dây văng sông Hiếu) cho Sở GTVT và UBND thành phố Đông Hà quản lý.
Cầu An Lạc ở thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị được thắp sáng, soi ánh đèn xuống dòng sông Hiếu đẹp lung linh, tạo thành điểm nhấn cho đô thị loại II. Ảnh: Ngọc Vũ.
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Trị quyết định giao UBND thành phố Đông Hà quản lý, vận hành và duy tu bảo dưỡng các hạng mục đèn tín hiệu giao thông, điện chiếu sáng giao thông, điện chiếu sáng mỹ thuật và hệ thống cây xanh; Sở GTVT tỉnh quản lý, vận hành và duy tu bảo dưỡng các hạng mục còn lại gồm cầu An Lạc dài 315m, đoạn tuyến Hoàng Diệu dài 419, đoạn tuyến Bà Triệu dài 52m ở 2 đầu cầu.
“Hiện nay, Ban và các đơn vị liên quan đang hoàn thành các thủ tục để bàn giao chính thức công trình cầu An Lạc cho Sở GTVT và UBND thành phố Đông Hà quản lý theo chỉ đạo của UBND tỉnh” – ông Bình cho biết.
Cầu An Lạc được gắn tên sau khi chính quyền thành phố Đông Hà lấy ý kiến nhân dân về việc đặt tên cầu, đường. Ảnh: Ngọc Vũ.
Được biết, cầu An Lạc bắc qua sông Hiếu, thành phố Đông Hà có tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng, kết cấu mặt đường 4 làn xe cơ giới, trụ tháp hình búp sen cao 74m.
Cầu An Lạc do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Trị làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị quản lý.
Sau khi hoàn thành, công trình này được lấy ý kiến nhân dân và đặt tên cầu An Lạc. Đây là cây cầu cao nhất tỉnh Quảng Trị, có ý nghĩa hết sức quan trọng, kết nối dân cư, phát triển kinh tế bờ bắc sông Hiếu với trung tâm thành phố Đông Hà.
Trong một thời gian dài, cầu An Lạc ít khi được thắp sáng nên cử tri thành phố Đông Hà đã có ý kiến. Đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, cầu An Lạc thường xuyên được bật điện chiếu sáng, điện mỹ thuật đẹp lung linh, trở thành điểm nhấn của thành phố Đông Hà.
Phía bắc cầu An Lạc có công viên mini, tạo thành điểm nhấn và là nơi vui chơi, ngắm cảnh của người dân. Ảnh: Ngọc Vũ.
Tuy đã được đặt tên, thắp sáng nhưng liên quan đến cầu An Lạc còn nhiều việc phải làm. Trong đó quan trọng nhất là giải phóng mặt bằng, thi công đường nối 2 đầu cầu.
Ông Nguyễn Thanh Bình cho biết, dự án đường 2 đầu cầu An Lạc – giai đoạn 1 được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi vào tháng 11/2022 với tổng mức đầu tư 175 tỷ đồng, trong đó chi phí đền bù giải phóng mặt bằng hơn 105,6 tỷ đồng, thời gian thực hiện năm 2022 đến 2026.
Dự án có quy mô xây dựng với chiều dài gần 1km, điểm đầu giao với đường Trần Hưng Đạo, điểm cuối giao với đường Bà Triệu ở phía Nam đầu cầu An Lạc, nền đường rộng 25m, mặt đường rộng 16m, vỉa hè mỗi bên 4,5m.
Có khoảng 50 hộ dân bị ảnh hưởng khi triển khai dự án đường 2 đầu cầu An Lạc, dự kiến công tác giải phóng mặt gặp nhiều khó khăn vì vướng nhiều nhà dân. Ảnh: Ngọc Vũ.
Theo ông Bình, năm 2025, dự án này được bố trí 36,3 tỷ đồng. Hiện nay, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị đang tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhưng phải chờ giải phóng mặt bằng xong mới có thể khởi công xây dựng.
“Có khoảng 50 hộ dân bị ảnh hưởng khi thực hiện dự án đường 2 đầu cầu An Lạc, vì vậy công tác giải phóng mặt bằng dự kiến gặp nhiều khó khăn, cần sự chung tay vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân, tất cả vì cái chung thì mới thực hiện được” – ông Bình chia sẻ.