Sinh ra trong gia đình nghèo, học hết lớp 9, anh Nguyễn Văn Quyết (SN 1991, trú xã Tam Dân, huyện Phú Ninh, Quảng Nam) lặn lội vào TPHCM mưu sinh với đủ nghề như hát rong, phục vụ bàn và sau đó bén duyên với nghề may.
Sau 4 năm cần mẫn làm công nhân may, anh Quyết luôn nuôi ước mơ có một xưởng may với thương hiệu riêng. Lòng say nghề cùng khao khát làm giàu giúp anh có thêm quyết tâm “từ công nhân thành ông chủ”.
Đầu năm 2019, với số vốn ít ỏi tích góp được, anh Quyết nghỉ việc và khởi nghiệp bán quần áo tự thiết kế. Kinh doanh chưa được bao lâu, dịch bệnh Covid-19 ập đến, cửa hàng phải đóng cửa.
![W-Anh 1.jpeg](https://static-images.vnncdn.net/vps_images_publish/000001/000003/2025/2/7/w-anh-1-127922.jpeg?width=0&s=LE2LLROILTTrMjZ2cOx1YA)
Không nản lòng, anh Quyết mày mò học cách bán hàng trên các sàn thương mại điện tử và được khách hàng đón nhận. Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang, chàng trai 9x lại phải đối mặt với việc hàng không thể tới tay khách do giãn cách xã hội. Sản phẩm bị hoàn trả, vốn liếng cứ thế cạn dần.
Trắng tay sau nhiều năm bôn ba nơi đất khách, năm 2022, anh khăn gói về quê quyết chí làm lại từ đầu. Xác định hướng đi với quần áo pijama và bộ bà ba (trang phục phổ biến ở các miền quê miền Nam), anh Quyết bắt tay vào gây dựng xưởng may đầu tiên tại xã Tam Dân (huyện Phú Ninh).
Thời điểm này, xưởng chỉ có 7 công nhân. Khó khăn lớn nhất là tiền vốn để mua nguyên liệu sản xuất.
“Lúc đó, tôi đi khắp nơi thuyết phục và cuối cùng đã được một chủ cửa hàng vải đồng ý cho nhập nguyên liệu trước, cuối năm mới thanh toán sau. May mắn có được sự trợ lực này, tôi càng quyết tâm xây dựng thương hiệu thời trang tại quê nhà”, anh Quyết trải lòng.
Tạo việc làm cho hơn 200 lao động
Theo anh Quyết, tiêu chí thời trang đặt ra là cắt – may – bán lẻ. Mỗi ngày, bộ phận thiết kế sẽ đưa ra những mẫu mã mới, thợ may sẽ cắt, may, tạo sản phẩm và không nhập hàng bên ngoài.
Do sản phẩm được bán trực tuyến trên fanpage, livestream nên khâu chăm sóc khách hàng được anh Quyết rất chú trọng. Khách có thể đổi trả nếu sản phẩm không đúng mẫu, sản phẩm dùng 2-3 lần bung chỉ sẽ được hỗ trợ 20.000-30.000 đồng sửa chữa. Nhờ sự uy tín này, những bộ áo quần của chàng trai xứ Quảng ngày càng được khách hàng tin cậy, ưa chuộng.
![W-Anh 5.jpeg](https://static-images.vnncdn.net/vps_images_publish/000001/000003/2025/2/7/w-anh-5-127923.jpeg?width=0&s=ZTOiR0WiX-5tNPFCrFqhng)
Anh Quyết chia sẻ thêm, khi việc kinh doanh mở rộng trên toàn quốc, anh lại đối mặt với nạn giả mạo thương hiệu, tem, nhãn mác, mẫu mã,… khiến doanh nghiệp nhiều phen khốn đốn.
Để bảo vệ thương hiệu, anh đã lập số điện thoại tổng đài, mọi đơn hàng trước khi chuyển đến tay khách, nhân viên sẽ xác nhận lại. Đơn hàng đổi trả đều được lưu lại, liên hệ, kiểm tra kỹ càng.
Khi việc kinh doanh thuận lợi, anh Quyết mở rộng dần việc kinh doanh. Đến nay, anh đã sở hữu 5 xưởng may tại quê nhà, tạo việc làm cho hơn 200 người. Trong đó, hầu hết là các “mẹ bỉm sữa”, phụ nữ ở quê, với mức lương ổn định từ 7-9 triệu đồng/tháng.
Anh còn sắp xếp một khu vui chơi nhỏ cho trẻ em để cuối ngày hoặc cuối tuần, các mẹ có thể đưa con đến chơi, vừa quan sát con, vừa làm công việc của mình.
Là mẹ đơn thân đang nuôi con nhỏ và gắn bó với xưởng may hơn 1 năm nay, chị Nguyễn Thị Bích Sài (SN 1987, trú xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh) chia sẻ: “Ở đây, khoảng 16h là anh Quyết tạo cơ hội cho các bà mẹ như tôi đi đón con. Thứ 7, chủ nhật, chúng tôi cũng có thể vừa đưa con đến đây để chăm, vừa làm để tăng thêm thu nhập được. Công việc không quá áp lực, môi trường thoải mái, tiền lương ổn định nên tôi rất yên tâm gắn bó”.
Nói về dự định tương lai, anh Quyết chia sẻ, nếu việc kinh doanh thuận lợi, anh sẽ xem xét mở thêm xưởng may thứ 6 để có thể tạo thêm việc làm cho nhiều người dân địa phương.
“Tôi luôn cân nhắc, đánh giá nhu cầu thị trường để đảm bảo mọi công nhân ở đây đều có công việc ổn định, không bị thất nghiệp”, anh Quyết nói.