Ngày 7/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã chủ trì cuộc họp về dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Đài truyền hình Việt Nam (VTV) và dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính.
Rõ phương án tinh gọn các Tổng cục thuộc Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT
Tại cuộc họp về dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính (hợp nhất Bộ Tài chính với Bộ Kế hoạch và Đầu tư; sáp nhập Bảo hiểm xã hội Việt Nam; chuyển một số chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia về Bộ Tài chính), Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đã báo cáo nêu rõ quan điểm xây dựng nghị định bảo đảm thực hiện đúng chủ trương, định hướng, chính sách của Đảng và Nhà nước về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quản lý tài chính.
![Rõ phương án chuyển loạt Tổng cục thành Cục sau tinh gọn hai Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính - Ảnh 1.](https://danviet.mediacdn.vn/296231569849192448/2025/2/7/212f6ea8f5344a6a1325-1738913432737385192216-1738917075665409357586.jpg)
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc (Ảnh: Chinhphu.vn).
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trên cơ sở hợp nhất 2 bộ (Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cơ quan này báo cáo phương án hợp nhất các tổ chức hành chính trùng nhau về chức năng, nhiệm vụ từ 10 đơn vị thành 5 đơn vị.
Hợp nhất, sáp nhập các tổ chức hành chính có chức năng gắn kết, liên thông hoặc tương đồng từ 20 đơn vị thành 8 đơn vị; giữ nguyên các tổ chức hành chính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ hoặc có tính chất đặc thù (12 đơn vị).
Báo cáo của Bộ Tài chính nêu rõ phương án sắp xếp các đơn vị cấp tổng cục và tương đương như Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Tổng cục Thống kê thành các tổ chức hành chính tương đương cục thuộc Bộ. Sáp nhập Bảo hiểm xã hội Việt Nam vào Bộ Tài chính để tổ chức thành 1 đầu mối.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, sau khi hợp nhất 2 bộ, sáp nhập Bảo hiểm Xã hội Việt Nam vào Bộ Tài chính, số lượng đầu mối giảm khoảng 3.600 đầu mối, tương ứng 37,7% so với số lượng đầu mối hiện nay.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy là vấn đề rất lớn, rất hệ trọng; nhất là trong bối cảnh mới, chúng ta đang chuẩn bị tâm thế mới bước vào kỷ nguyên mới.
Ông Dũng nhấn mạnh, quan điểm việc sắp xếp, tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính mới cần kế thừa chức năng, nhiệm vụ của 2 bộ và các cơ quan liên quan, bảo đảm không bỏ sót, không chồng lấn, vận hành thông suốt, hiệu quả.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đề nghị 2 bộ và các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, bảo đảm không để bỏ sót chức năng, nhiệm vụ, phạm vi công tác để bộ máy mới vận hành trơn tru, hiệu quả.
![Rõ phương án chuyển loạt Tổng cục thành Cục sau tinh gọn hai Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính - Ảnh 2.](https://danviet.mediacdn.vn/296231569849192448/2025/2/7/4ae46e08f69449ca1085-17389134906071398832229-1738917075670676396492.jpg)
Bộ Tài chính báo cáo chuyển các Tổng cục thuộc hai Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính sau khi tinh gọn thành Bộ Tài chính (Ảnh: Chinhphu.vn).
Phó Thủ tướng đánh giá cao tinh thần tiên phong, cách mạng của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các cơ quan liên quan trong việc xây dựng phương án, sắp xếp, tinh gọn bộ máy (đề xuất giảm tới 46% đầu mối).
Nhấn mạnh Bộ Tài chính mới là bộ “cốt lõi” – “mạch máu” của nền kinh tế, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc yêu cầu “sắp xếp xong thì công việc phải chạy”.