Kể từ khi trở lại Nhà Trắng lần 2, Tổng thống Mỹ Donald Trump công khai chính sách của chính quyền mình khi đề cập đến thương mại công bằng, đánh thuế mạnh vào các nước khai thác thị trường Mỹ và điều này đã trở thành thực tế. Chỉ trong vài ngày ngắn ngủi, Mỹ đã đưa ra hàng loạt biện pháp cứng rắn về thuế quan đối với các nước xuất khẩu vào Mỹ, dấy lên lo ngại nguy cơ chiến tranh thương mại toàn cầu ngày càng cận kề giữa các cường quốc.
Việt Nam – dù là quốc gia chưa trực tiếp chịu tác động trực tiếp từ biện pháp thuế của Mỹ, nhưng tư các là nước xuất khẩu lớn vào Mỹ, thương mại không cân bằng; trước mắt và lâu dài nguy cơ có thể bị Mỹ sử dụng các công cụ phi thuế quan như kiện phòng vệ thương mại, điều tra liên quan trong các vụ kiện có thể sẽ xảy ra ngày càng nhiều trong năm 2025 và những năm tiếp theo.
Xuất khẩu sang Mỹ gia tăng, ngành nào của Việt Nam có nhiều nguy cơ?
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) và Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều Việt – Mỹ trong vòng 5 năm trở lại đây đạt và vượt trên 80 – 120 tỷ USD, trong đó thặng dư thương mại đều nghiêng về Việt Nam. Gần nhất năm 2024, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ đã đạt 123 tỷ USD, tăng 27,4%, vượt qua con số của cả năm 2023 (111 tỷ USD) .
Hiện, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, tính đến hết tháng 12/2024 theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam sang Mỹ đạt 119,5 tỷ USD, tăng 22,5 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, ước tăng 23%. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực bao gồm đồ gỗ nội thất, dệt may, giày dép, và thiết bị điện tử. Trong khi đó, nhập khẩu từ Mỹ vào Việt Nam đến tháng 12/2024 đạt 15 tỷ USD, tăng 7,3% .
Xuất siêu của Việt Nam sang Mỹ trong năm 2024 đạt 104 tỷ USD, tăng 21 tỷ USD, tương đương tỷ lệ tăng khoảng 25%. Điều này cho thấy sự phụ thuộc lớn của Mỹ vào hàng hóa từ Việt Nam, đặc biệt trong các ngành công nghiệp nhẹ và sản xuất .
Năm 2024 đánh dấu sự tăng trưởng mạnh mẽ trong quan hệ thương mại Việt Nam – Mỹ, với nhiều kỷ lục được thiết lập và tiềm năng tiếp tục mở rộng trong tương lai.
Tuy nhiên, với các chính sách bảo vệ thị trường cứng rắn và quan điểm thương mại cân bằng của chính quyền tổng thống Donald Trump, nguy cơ Hoa Kỳ áp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang là một chủ đề được quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump gia tăng các biện pháp trừng phạt thuế quan với hàng loạt quốc gai, vùng lãnh thổ.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM): Việt Nam đang nỗ lực tăng cường nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm các mặt hàng như khí đốt LNG và nông sản, để cân bằng cán cân thương mại. Ngoài vấn đề thương mại công bằng, doanh nghiệp xuất khẩu vào Mỹ cần chủ động đảm bảo tính minh bạch trong chuỗi cung ứng, đầu tư vào công nghệ để giảm chi phí sản xuất, và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu .
“Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được nâng cấp năm 2023 là một yếu tố tích cực, giúp giảm nguy cơ bị áp thuế toàn diện”, ông Doanh cho hay.
Mặc dù Việt Nam chưa chịu mức thuế nào từ Mỹ trong vấn đề thương chiến mới mà chính quyền ông Trump đưa ra, song nhiều cảnh báo được phát đi cho nhiều ngành, lĩnh vực Việt Nam đang xuất khẩu mạnh vào Mỹ.
Doanh nghiệp Việt làm gì để ứng phó với chính sách thuế của Tổng thống Trump?
Hiện nhiều ngành lĩnh vực xuất khẩu vào Việt Nam có sự gia tăng và có nhiều nguy cơ sẽ chịu tác động thuế quan từ Mỹ hoặc bị kiện phòng vệ thương mại như: Dệt may và da giày với kim ngạch xuất khẩu hơn 24 tỷ USD năm 2924 và luôn trong tình trạng bị phía Mỹ nghi ngờ nhiều sản phẩm bán thành phẩm, thành phẩm xuất xứ từ Trung Quốc.
Các sản phẩm khác cũng có thể chịu tác động kiện phòng vệ về nguồn gốc xuất xứ, phá giá như Đồ gỗ và nội thất, Thủy sản, Thép và sản phẩm liên quan đến thép; các thiết bị điện tái tạo (cột điện gió, tấm panel điện mặt trời); sản phẩm nông sản và thực phẩm chế biến xuất khẩu, máy tính và thiết bị điện tử, nhựa và sao su…
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), ngành Công Thương đặt mục tiêu xuất khẩu hàng hóa phấn đấu tăng khoảng 12% so với năm 2024.
Ông Hải cho biết hiện thị trường những tháng đầu năm tương đối khả quan, song thách thức năm 2025 là xu hướng phi toàn cầu hoá và sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ của các nước lớn ngày càng gia tăng gây khó khăn cho xuất khẩu.
Ngoài việc áp thuế, các chính sách phi thuế quan (áp đặt các tiêu chuẩn kép) đối với hàng xuất khẩu như quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu (dự luật chống phá rừng, CBAM của EU; các tiêu chuẩn lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ… gắn với thương mại) đang gây trở ngại cho xu hướng tự do thương mại.
Đại diện Cục XNK, Bộ Công Thương cho biết trước mắt xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Mỹ có thể biến động bởi chính sách thương mại mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Việc Mỹ áp thuế mới lên hàng nhập từ Trung Quốc gây lo ngại về căng thẳng thương mại toàn cầu. Các nước khác như Mexico, Canada hiện đang xuất khẩu sang Mỹ rất nhiều mặt hàng từ thiết bị điện, đồ dùng đến hàng dệt may, da giày, nông sản… Do vậy, chuỗi cung ứng liên quan sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng; và Việt Nam cũng sẽ bị tác động.
Theo ông Hải, về phía Bộ Công Thương, hiện đã chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản chủ động để thúc đẩy, giữ vững thị trường xuất khẩu. Trong đó, xây dựng các kịch bản ứng phó với tác động từ chính sách thuế mới của Tổng thống Donald Trump.
“Tác động thuế quan gắt gao, chặt hơn có thể tác động đến kinh tế toàn cầu, từ đó khiến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam có thể ảnh hưởng ít nhiều. Chưa kể, hàng hóa Trung Quốc Trung Quốc nếu gặp khó khăn do bị Mỹ áp thuế cũng tạo sức ép với thị trường Việt Nam”, ông Hải nói.
Về giải pháp, phía Bộ Công Thương đề nghị khai thác đa dạng các FTAs mới, đa dạng hoá thị trường để phân tán rủi ro và gia tăng chuỗi giá trị xuất khẩu. Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu thường xuyên cập nhật thông tin về thị trường, chủ động ứng phó và minh bạch nguồn gốc xuất xứ và vượt qua thách thức trong bối cảnh thương mại toàn cầu dự báo còn nhiều diễn biến khó lường.
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Hà Nội, (HANSIBA) cho rằng: Với chính sách thương mại mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ được sắp xếp lại. Dự báo, Mỹ sẽ đánh vào nhiều mặt hàng nhập khẩu, nhất là những mặt hàng có nguồn gốc từ Trung Quốc như điện tử, đồ chơi điện tử, nội thất… Việt Nam là quốc gia trong khu vực Đông Nam Á có vị trí địa lý chính trị thuận lợi, nguồn nhân lực dồi dào để đón làn sóng dịch chuyển của dòng vốn đầu tư. Do vậy, các doanh nghiệp điện tử, công nghiệp hỗ trợ… cần nỗ lực, chủ động để nắm bắt cơ hội.
Tương tự, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean) việc Mỹ áp thuế 10% đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc có thể tác động tới chuỗi cung ứng dệt may ở cả chiều tích cực và tiêu cực. Trong đó, tích cực là hàng Trung Quốc sẽ giảm cạnh tranh ở thị trường Mỹ và dệt may Việt Nam có thể giành thị phần nhiều hơn. Tuy nhiên, ông Việt cho rằng, mặt tiêu cực là nguồn nguyên liệu của dệt may Việt Nam nhập từ Trung Quốc có thể bị tác động, song trước kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ, doanh nghiệp này đã chủ động đa dạng nguồn nguyên liệu, nâng cao tỷ lệ nội địa hoá nguyên liệu trong nước hoặc sử dụng nguyên liệu nước thứ 3 ngoài Trung Quốc ở Nam Á…
(Còn nữa)