Hàng loạt công ty đa cấp “bay màu” khỏi thị trường
Theo thống kê của Bộ Công Thương, đến hết năm 2024, cả nước có 19 doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đang hoạt động, giảm 48 công ty đa cấp so với năm 2016. Tính riêng năm 2023, ngành này có hơn 768.000 người tham gia, với tổng doanh thu đạt 16.800 tỷ đồng, giảm 20% so với năm 2022.
Tháng 11/2024, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công Thương) đã thông báo về việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp và đề nghị rút tiền ký quỹ của Công ty Cổ phần Đầu tư Sản xuất và Thương mại Sen Việt Group.
Từ tháng 4/2024, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia đã tiếp nhận hồ sơ thông báo dừng bán hàng đa cấp của doanh nghiệp. Việc chấm dứt hoạt động do giấy chứng nhận đăng ký bán hàng đa cấp đã bị thu hồi theo quyết định của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng vào ngày 26/3/2019.
Công ty Cổ phần Đầu tư Sản xuất và Thương mại Sen Việt Group được thành lập vào tháng 8/2015 với vốn điều lệ ban đầu 20 tỷ đồng, trụ sở chính đặt tại quận Bình Thạnh, TP. HCM. Trong đó, ông Phạm Ngọc Bình giữ chức vụ Giám đốc kiêm Người đại diện pháp luật.
Trước đó, tháng 7/2024, Công ty TNHH Total Swiss Việt Nam tự đề nghị chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Sở Công Thương Bắc Giang cũng đã có thông báo về việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương của Công ty TNHH Total Swiss Việt Nam từ ngày 20/7/2024.
Công ty TNHH Total Swiss Việt Nam có trụ sở chính tại phường 12, quận Tân Bình, TP. HCM, được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu vào 25/8/2014.
Công ty này có giấy chứng nhận đăng ký bán hàng đa cấp do Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng của Bộ Công Thương (nay là Ủy ban cạnh tranh Quốc gia) cấp lần đầu vào tháng 2/2015, sửa đổi bổ sung vào tháng 3/2023. Lý do chấm dứt hoạt động của công ty đa cấp trên tại Bắc Giang là tự doanh nghiệp đề nghị.
Cũng trong tháng 7/2024, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã có quyết định xử phạt và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty TNHH Phong Cách Sống Kim Cương Việt Nam – DLC Việt Nam, có trụ sở tại quận Phú Nhuận, TP. HCM.
Công ty này bị phạt 305 triệu đồng vì những vi phạm như chỉ định đào tạo viên không đáp ứng điều kiện, cung cấp thông tin gian dối về kế hoạch trả thưởng và lợi ích của việc tham gia bán hàng đa cấp. Bên cạnh đó, DLC Việt Nam còn không niêm yết công khai tại trụ sở chính của công ty các tài liệu về hoạt động và hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp; không thực hiện thông báo với Sở Công Thương địa phương khi tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo thuộc trường hợp phải thông báo theo quy định…
Nhiều lãnh đạo công ty đa cấp sa vào vòng lao lý
Mô hình kinh doanh đa cấp bắt đầu xuất hiện tại thị trường Việt Nam từ những năm đầu của thập niên 2000. Đến giai đoạn 2006 – 2010, hình thức kinh doanh này mới thực sự tạo nên cơn sốt và được đông đảo người dân biết đến.
Tuy nhiên,sau những lời mời gọi làm giàu nhanh chóng, kinh doanh đa cấp là một thực tế phức tạp. Trong khi nhiều người tìm thấy cơ hội phát triển bản thân, thì một bộ phận không nhỏ lại trở thành nạn nhân của những chiêu trò lừa đảo tinh vi. Thay vì tập trung vào việc xây dựng một hệ thống kinh doanh bền vững, một số công ty đa cấp thu lợi bất chính, lừa đảo những người muốn làm giàu nhanh chóng.
Thực tế, nhiều vụ lừa đảo đã được phanh phui, những lãnh đạo công ty đa cấp này cũng sa vào vòng lao lý, phải trả cái giá rất đắt.
Đơn cử, Công ty Liên Kết Việt do ông Lê Xuân Giang thành lập. Trong quá trình hoạt động, ông Giang đã lợi dụng việc Liên Kết Việt được cấp phép kinh doanh đa cấp, rồi dùng thủ đoạn gian dối, cung cấp thông tin sai lệch để lừa nhà đầu tư.
Đội ngũ của ông Giang đã lợi dụng lòng tin để “vẽ” ra những thủ đoạn để lấy tiền của khách hàng. Công ty đặt ra mô hình trả thưởng theo hình kim tự tháp. Số tiền thưởng, tiền hoa hồng hứa hẹn sẽ trả cho các nạn nhân lên tới 65% tổng số tiền thu được.
Bằng thủ đạo trên, đến tháng 11/2015, công ty Liên Kết Việt đã mở rộng mạng lưới phát triển được 34 chi nhánh, văn phòng đại diện, đại lý tại 27 tỉnh thành, lôi kéo được hơn 68.000 người tại 49 tỉnh, thành phố tham gia và nộp được hơn 2.091 tỷ đồng vào công ty.
Qua hồ sơ điều tra, cơ quan tố tụng xác định, ông Lê Xuân Giang và các đối tượng khác đã chiếm đoạt tổng cộng 1.121 tỷ đồng. Trong đó, 6053 người bị hại đã được xác định với số tiền bị chiếm đoạt là 391 tỷ đồng. Theo đó, Chủ tịch HĐQT Công ty Liên Kết Việt là ông Lê Xuân Giang bị phạt tù chung thân.
Một vụ việc khác, ông Nguyễn Thế Anh, Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư thương mại Phúc Gia Bảo 68 và Công ty CP đầu tư thương mại Phúc Gia Bảo 868 đã bị TAND Hà Nội tuyên phạt án tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản gần 80 tỷ đồng.
Cụ thể, ông Thế Anh đã mở 2 công ty trên để kinh doanh cà phê nhãn hiệu Organo – Gold của Mỹ dưới hình thức bán hàng đa cấp. Công ty thường tổ chức cho nhà đầu tư dự các buổi hội thảo, uống cà phê miễn phí và thuyết trình về dự án kinh doanh cà phê với lãi suất từ 24% – 80%/tháng. Có gói đầu tư, ông Thế Anh trả cho khách hàng tới hơn 340% trong 6 tháng.
Tòa án xác định số tiền chi trả lãi suất cho khách hàng là hơn 203 tỷ đồng. Còn lại hơn 120 tỷ, ông Thế Anh và cấp dưới chi dùng cá nhân, làm quà tặng và tổ chức các tour du lịch… cho nhà đầu tư. Cơ quan điều tra làm rõ có hơn 600 người bị hại tới trình báo đã nộp hơn 146 tỷ, được trả lãi hơn 40 tỷ và bị chiếm đoạt hơn 100 tỷ.