Trong nhiệm kỳ đầu tiên tại Nhà Trắng, hồi tháng 8/2019, ông Donald Trump từng nhiều lần đề cập ý tưởng Mỹ mua lại Greenland từ Đan Mạch. Thậm chí, ông Trump cho rằng, Chính phủ Đan Mạch cũng muốn như vậy. Điều này đã châm ngòi căng thẳng ngoại giao giữa 2 nước.
Đây là lần thứ 2 ông Trump đề cập tới vấn đề này sau khi đề cử doanh nhân Ken Howery làm đại sứ Mỹ tại Đan Mạch.
Ông Trump cho rằng, việc Mỹ sở hữu và kiểm soát Greenland là yêu cầu cực kỳ cần thiết, vì mục đích an ninh quốc gia và tự do trên toàn thế giới. Ken Howery sẽ làm một công việc tuyệt vời khi đại diện cho lợi ích của nước Mỹ.
Ken Howery làm đại sứ Mỹ tại Thụy Điển trong hai năm cuối nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump và là đồng sáng lập quỹ đầu tư mạo hiểm Founders Fund, chuyên đầu tư cho các công ty công nghệ, trong đó có SpaceX, Facebook và Airbnb.
Trong quá khứ, Mỹ từng có kế hoạch mua đảo Greenland. Sau Thế chiến 2, tổng thống Mỹ khi đó là Harry Truman đã đề nghị trả cho Đan Mạch 100 triệu USD để mua lại, song nước Mỹ đã bị từ chối.
Vậy Greenland có gì mà ông Trump nhiều lần đề cập tới việc sở hữu hòn đảo này?
Giàu tài nguyên thiên nhiên và vị trí địa chính trị quan trọng
Hồi năm 2019, ông Trump coi việc mua hòn đảo lớn nhất thế giới Greenland là một thương vụ bất động sản lớn.
Theo tờ Wall Street Journal, khi đó, ông Trump cho biết “rất nhiều điều có thể được thực hiện” và việc sở hữu Greenland “sẽ là tuyệt vời” đối với Mỹ từ góc độ chiến lược.
Greenland được biết đến là một hòn đảo rất đặc biệt. Về địa lý, nó được coi là thuộc về Bắc Mỹ nhưng về địa chất Greenland lại thuộc về Bắc Cực. Hòn đảo có phần lớn diện tích bị tuyết bao phủ nhưng băng tuyết đang tan theo đà ấm lên của trái đất và diện tích đất sinh sống sẽ gia tăng theo đó.
Greenland có nhiều tài nguyên quý giá như khoáng sản, đất hiếm, có khối lượng nước ngọt và băng đá tinh khiết nhất thế giới. Đây cũng là một địa điểm du lịch mạo hiểm ưa thích. Nhưng quan trọng hơn, Greenland sở hữu vị trí địa lý chiến lược trên tuyến đường vận tải biển mới ở Bắc Cực khi băng tan.
Greenland còn trở nên quan trọng hơn với Mỹ khi Bắc Cực đang trở thành khu vực bị tranh chấp giữa nhiều bên mà Mỹ không muốn là người đứng ngoài cuộc. Đã từ lâu, Nga và Trung Quốc cũng có nhiều hoạt động nhằm tạo dựng ảnh hưởng ngày một tăng ở Bắc Cực.
Mỹ hiện có căn cứ không quân Thule trên đảo Greenland. Căn cứ này chứa một trạm ra đa thuộc hệ thống cảnh báo sớm các tên lửa đạn đạo nếu bay về phía Mỹ. Căn cứ được nhiều đơn vị quốc phòng quan trọng của Mỹ sử dụng.
Greenland có quyền tự trị rất sâu rộng ở Đan Mạch. Và trên lý thuyết, người dân trên hòn đảo này có quyền tự quyết định tương lai của hòn đảo, bán hay không. Tuy nhiên, những thông tin hồi năm 2019 cho thấy, người dân Greenland không muốn bán cho bất cứ nước nào. Đây cũng là điều mà Đan Mạch đã bày tỏ rõ quan điểm.
Động thái của ông Trump được xem là thông điệp cho người dân Greenland hiểu rằng họ có thể về với Mỹ bất cứ lúc nào trong tương lai, giống như trường hợp Puerto Rico. Với tầm quan trọng của Greenland và vị thế nền kinh tế số 1 của Mỹ, Washington có thể đổ những khoản tiền khổng lồ để phát triển hòn đảo lớn nhất thế giới.
Trong lịch sử, Mỹ đã có nhiều lần mua đất mở mang bờ cõi quốc gia. Việc mua đảo Greenland nếu thành công sẽ là một thành công to lớn của vị tổng thống có nguồn gốc từ tỷ phú bất động sản này.
Lần gần đây nhất, năm 1867, Mỹ đã mua Alaska từ người Nga với giá 7,2 triệu USD. Thương vụ mua đất nổi tiếng nhất của Mỹ là Louisiana từ Pháp năm 1803. Đây là vùng đất chiếm gần 1/4 lãnh thổ hiện tại của Mỹ.
Greenland là một quốc gia tự trị thuộc Vương quốc Đan Mạch, là hòn đảo lớn nhất thế giới, với 80% diện tích là băng giá. Hòn đảo này sở hữu phong cảnh thiên nhiên ấn tượng và một nền văn hóa Inuit cực lâu đời.