Đèo Cả đề xuất đầu tư tuyến đường phát triển du lịch tỉnh Quảng Bình
Tập đoàn Đèo Cả đề xuất đầu tư tuyến đường du lịch kết nối TP. Đồng Hới – Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng theo phương thức đối tác công-tư (PPP).
Tập đoàn Đèo Cả cho rằng dự án sẽ tạo đòn bẩy về cơ sở hạ tầng để phát triển và thu hút du khách trong nước và quốc tế tới tham quan, du lịch tại tổ hợp du lịch Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, hang Sơn Đoòng |
Đèo Cả đề xuất đầu tư tuyến đường du lịch
Quảng Bình được đánh giá là hội tụ nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển nền kinh tế tổng hợp, đa dạng, đặc biệt là phát triển du lịch, năng lượng.
Để phát triển du lịch, qua đó tạo động lực để phát triển kinh tế – xã hội, theo các chuyên gia, hạ tầng giao thông kết nối phải đi trước một bước.
Chia sẻ tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Bình và Xúc tiến đầu tư năm 2023 ngày 25/6, ông Lê Quỳnh Mai, Phó chủ tịch CTCP Tập đoàn Đèo Cả cho biết, Tập đoàn Đèo Cả cùng với đối tác, sau khi nghiên cứu đã đề xuất đầu tư tuyến đường du lịch kết nối TP. Đồng Hới – Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng theo phương thức đối tác công-tư (PPP).
Dự án gồm 3 tuyến có tổng mức đầu tư khoảng 2.387 tỷ đồng với tổng chiều dài khoảng 24 km, Cụ thể, tuyến số 1 dài khoảng 10 km, gồm nâng cấp đường ven biển. Tuyến số 2 dài khoảng 11 km sẽ làm mới tuyến đường kết nối đường ven biển với đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc – Nam. Tuyến số 3 dài khoảng 3 km sẽ nâng cấp đường tỉnh TL.567 (đoạn Km8+700 – Km11+700) kết nối với đường ven biển.
Dự án này được kỳ vọng sẽ tạo đột phá về hạ tầng giao thông huyết mạch kết nối tỉnh TP. Đồng Hới và vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Kết nối đồng bộ mạng lưới giao thông từ TP. Đồng Hới (sân bay Đồng Hới) – Đường ven biển – Hệ thống đường tỉnh lộ, quốc lộ – Cao tốc Bắc – Nam – Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, cải thiện hệ thống đường tỉnh TL.567. Đồng thời từng bước cải thiện, hoàn thiện quy hoạch hạ tầng giao thông của TP. Đồng Hới và huyện Bố Trạch.
Nhà đầu tư này cũng cho rằng, dự án sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương thúc đẩy phát triển giao thông, kinh tế xã hội, phát triển du lịch, dịch vụ logistic, dịch vụ giải trí, phát triển các dự án, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình nói chung và trên địa bàn TP. Đồng Hới và huyện Bố Trạch nói riêng.
Đặc biệt, dự án sẽ tạo đòn bẩy về cơ sở hạ tầng để phát triển và thu hút du khách trong nước và quốc tế tới tham quan, du lịch tại tổ hợp du lịch Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, hang Sơn Đoòng, thám hiểm hang động, khám phá văn hóa và hệ sinh thái đặc hữu… phù hợp với định hướng phát triển mũi nhọn của tỉnh.
“Đèo Cả có đủ kinh nghiệm, năng lực để tham gia nhiều hơn, rộng hơn với đầu tư hạ tầng tại tỉnh Quảng Bình theo hình thức PPP. Cùng với sự ủng hộ và hỗ trợ từ phía tỉnh Quảng Bình, Tập đoàn Đèo cả tin rằng có thể sớm triển khai dự án, thực hiện một phần quan trọng cho chiến lược phát triển hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Quảng Bình”, ông Mai khẳng định.
Đưa Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 hoạt động theo tiến độ
Đối với lĩnh vực năng lượng, ông Lê Quang Vinh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, Vietcombank là ngân hàng tiên phong tài trợ dự án trọng điểm quốc gia tại tỉnh Quảng Bình mà điển hình nhất là dự án Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam với quy mô tài trợ riêng lẻ cho một dự án lớn nhất từ trước đến nay, quy mô cam kết tín dụng lên đến 27.100 tỷ đồng.
“Vietcombank sẽ sớm giải ngân để đưa Nhà máy vào hoạt động theo tiến độ, góp phần vào bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh”, ông Vinh khẳng định.
Bên cạnh đó, theo ông Vinh, Vietcombank cũng đã thu xếp nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh và xây dựng cơ sở hạ tầng, thực nhiều dự án quan trọng như Dự án trang trại điện gió BT 2 và BT 3, với tổng công suất đạt 142 MW, tổng nguồn vốn tài trợ lên đến trên 3.300 tỷ đồng…