Theo một số liệu mới được công bố, ví dụ tại Singapore, một người đi làm thu nhập trung bình cần tiết kiệm khoảng 15,5 năm mới sở hữu nhà . Người Indonesia cần tới 18,5 năm – lâu hơn một chút. Chướng ngại vật đầu tiên chính là tiền mua nhà.
Tại Anh, cách đây 40 năm, bỏ ra khoảng 18 nghìn bảng là mua được một ngôi nhà tầm 75 m2, còn bây giờ, cũng 18 nghìn bảng, chỉ mua được khoảnh đất 5 m2 mà thôi.
Sự kiện kinh tế chính trị quan trọng nhất của những ngày qua là kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 14 của Chính phủ Trung Quốc, trong đó Trung Quốc đang dành sự quan tâm lớn cho sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản. Với nguyên tắc “nhà là để ở, không phải để đầu cơ”- chính phủ nước này cũng đặt mục tiêu hỗ trợ những người trẻ tuổi có thể sở hữu nhà. Nhưng ở chiều ngược lại, từ phía những người trẻ, tư duy “an cư lạc nghiệp” của thế hệ cha ông liệu có còn giống như cũ nữa, hay chính họ cũng phải thay đổi để thích nghi với thị trường bất động sản như hiện nay?
Ra khỏi thời kỳ đại dịch, người trẻ tại nhiều quốc gia nơi có thị trường bất động sản đô thị phát triển, họ phải chịu gấp 3 lần áp lực. Một là lạm phát cao, hai là lãi suất vay mua nhà tăng cao và ba là triển vọng kinh tế toàn cầu không chắc chắn. Sau ba năm COVID-19, thu nhập của nhiều người còn sụt giảm rất nhiều, giải pháp chung cho nhiều hộ gia đình và cá nhân trẻ tuổi mua nhà là tìm đến ngân hàng bố – mẹ.
Nhiều người trẻ Canada chật vật khi mua nhà
Một khảo sát mới đây tại Canada, 49% – tức là gần một nửa số người được hỏi cho biết họ cần tới sự hỗ trợ tài chính của gia đình để mua nhà. So với năm năm 2001, chỉ có 14% số người được hỏi cho biết họ cần gia đình trợ giúp.
Anh Paddy Treacy – Người tìm mua nhà, Toronto, Canada cho biết: “Năm ngoái giá nhà là 400 đến 500 nghìn USD. Sau một năm giờ giá nhà đã tăng lên 600 đến 800 nghìn USD. Thật không tin nổi chuyện gì đã xảy ra”.
Theo báo cáo của Ngân hàng trung ương Canada, một hộ gia đình có thu nhập trung bình 180 nghìn USD/năm thì sẽ phải cần 25 năm mới thanh toán được khoản trả trước trung bình cho một căn nhà ở Toronto, còn nếu mua nhà ở Vancouver thì sẽ mất 30 năm.
Ông Ricardo Tranjan – Chuyên gia kinh tế chính trị, Trung tâm hoạch định chính sách Canada: “Việc mua nhà giờ đang đẩy bất bình đẳng xã hội ngày càng trở nên xa hơn, một bên là những người có khả năng trả trước một phần tiền để mua nhà và họ chắc chắn sẽ có nhà, một bên là những người suốt đời chỉ có thể đi thuê và không có ai đảm bảo được đến khi nào họ mới sở hữu được một căn nhà riêng cho mình.
Người trẻ Trung Quốc với giấc mơ mua nhà
Để sở hữu căn hộ ở khu vực trung tâm như Bắc Kinh, tức là từ vòng 3 vòng 4 trở vào, hầu như quá khó đối với những người trẻ, nhưng nếu chịu khó đi ra xa vòng 5 vòng 6, cách 30-40 km thì cơ hội này vẫn có. Căn hộ cũ bình dân xây cách đây 20 năm ở vòng 3-4 giá 60-120 ngàn Nhân dân tệ/m2, tức 210-420 triệu VNĐ/m2 thì ra vòng 5-6 giá chỉ bằng 1/3. Tầm 7 tỷ đồng mua được căn nhà cũ 50 m2 ở xa. Với hệ thống tàu điện ngầm chằng chịt thì vào trung tâm không phải là vấn đề lớn lắm.
Ở Trung Quốc hầu hết người dân ở chung cư, thời hạn 50-70 người lao động có thể thuê nhà của chính phủ hay công ty trợ cấp một phần tiền ở nhà thuê nhà. Bắc Kinh, Thượng Hải còn giữ chế độ hộ khẩu, hạn chế dân nhập cư để dễ giải quyết các bài toán về kẹt xe, học tập, y tế…
Dưới góc nhìn của nhiều chuyên gia, bất động sản khó mà tăng đột biến như trước đây bởi chính sách kiểm soát của chính phủ, bởi tỷ lệ sinh đã thấp hơn tỷ lệ tử nên nhà cửa bớt khan hiếm. Nhà có 1 đứa con nên nhiều khi nhà cửa cha mẹ cho con cái. Nhưng trước mắt người trẻ vẫn còn nhiều áp lực cuộc sống từ chi phí học hành, y tế, chăm sóc con… vì những chính sách của chính quyền cần phải có thời gian dài nữa mới phát huy hiệu quả sâu.
Sự ra đời của những ngôi nhà “tí hon”
Đây được nhận định sẽ là một xu thế xây dựng nhà ở trong thời gian tới. Như ở Mỹ hay một số nước châu Âu, nhà ở siêu nhỏ, xây dựng siêu nhanh và linh động đang gây sự chú ý.
Boxabl là một công ty khởi nghiệp của Mỹ trong lĩnh vực xây dựng nhà ở siêu nhỏ. Trong năm đầu tiên, Boxabl đã hoàn thành 400 đơn hàng nhà siêu nhỏ – mỗi căn nhà hình hộp vuông vức có giá trung bình tầm 60 nghìn USD, khoảng gần 1,5 tỷ VNĐ. So với giá nhà trung bình tại Mỹ, có vẻ như đây là một lựa chọn vừa túi tiền hơn với nhiều người. Boxabl cũng đã trưng bày hộp nhà siêu nhỏ của mình tại triển lãm đồ công nghệ CES 2023 vừa qua.
Hiện thời, Boxabl có danh sách hơn 1.000 khách hàng đang chờ. Công ty này chỉ là một trong số những đơn vị xây dựng đón sóng xu hướng nhà tối giản – siêu nhỏ – tốn ít nguyên vật liệu xây dựng hơn và rẻ hơn. Có thể không phù hợp với một gia đình lớn, nhưng với một cặp vợ chồng hay chủ nhà độc thân thì đây hoàn toàn là giải pháp khả thi.
Anh Apo Can – Chủ căn nhà siêu nhỏ tại Đức sống trong một căn nhà bé xíu như vậy – tận dụng tối đa không gian âm tường để cất đồ đạc, tổng diện tích 9 m2. Anh chia sẻ: “Khi nấu nướng xong phải giấu bếp đi để nhường chỗ cho sinh hoạt khác. Mất thời gian đầu làm quen với cách sống này, nhưng dần dần tôi thấy đây là một hệ thống sinh hoạt rất tiện lợi”.
Tại triển lãm xây dựng quốc tế IBS hồi đầu tháng 2 vừa rồi, rất nhiều công nghệ đã trình làng phục vụ cho việc xây nhà linh động – những căn nhà nhỏ hơn so với bình thường từ 10 đến 20% diện tích. Diện tích nhỏ – tiềm năng lớn – đó là lời bình luận của tờ New York Times về xu thế nhà siêu nhỏ hiện nay.