Các ngân hàng đã có những đột phá lớn về công nghệ, với sự đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ ngân hàng lõi để phục vụ cho quá trình chuyển đổi số. Tuy nhiên, chuyển đổi số ngành ngân hàng Việt Nam cần đến nỗ lực của cơ quan quản lý và cả ngân hàng.
Đây là quan điểm của các diễn giả Việt Nam và quốc tế tại Hội nghị Vietnam Banking Innovation Summit 2024, được tổ chức bởi Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) và Công ty TNHH Tư vấn và Truyền thông 5S Media trung tuần tháng 12/2024, tại Tp. Hồ Chí Minh.
Xu thế chuyển đổi số trong các Ngân hàng sẽ gia tăng hơn nữa
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Đào tạo, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho biết: “Ngành ngân hàng đang dẫn đầu xu thế đổi mới sáng tạo, thể hiện qua Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Các ngân hàng đã có những đột phá lớn về công nghệ, với sự đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ ngân hàng lõi để phục vụ cho quá trình chuyển đổi số. Tốc độ chuyển đổi số của Việt Nam trong thời gian qua không chỉ nhanh chóng mà còn hiệu quả, được cộng đồng quốc tế ghi nhận.”
Ông Sơn đánh giá, quá trình chuyển đổi số ngành ngân hàng Việt Nam được thực hiện với 4 công nghệ nổi bật bao gồm: công nghệ chuỗi khối (blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI), sinh trắc học (đã phổ biến tại các ngân hàng Việt Nam), và phân tích dữ liệu.
Trong đó, ngân hàng BIDV đi đầu trong ứng dụng công nghệ blockchain phát hành thư tín dụng đến ngân hàng ngoài hệ thống; MB, VPBank, Vietcombank đã ứng dụng blockchain trong xử lý giao dịch tài chính. Đối với ứng dụng AI, BIDV đã ra mắt công nghệ smartbanking sử dụng công nghệ AI, VIB kết hơp công nghệ AI với BigData vào quy trình chấm điểm tín dụng và xét duyệt hồ sơ tín dụng.
Đối với công nghệ phân tích dữ liệu có ngân hàng VPBank đã sử dụng công nghệ này để đồng bộ hóa dữ liệu khách hàng, phân tích dữ liệu từ năm 2015, cho ra mắt ngân hàng số Cake by VPBank (đến năm 2022, có đến 1,6 triệu khách hàng). VIB cũng đã thành lập được trung tâm quản lý dữ liệu khách hàng từ cuối năm 2020, đặc biệt từ năm 2022, BIDV đã triển khai hoạt động dữ liệu dựa trên công nghệ thực tế ảo.
Theo người đứng đầu Trung tâm Đào tạo, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, một phân khúc tài chính khác rất thành công, đi đầu về đổi mới sáng tạo, cũng là là đối tượng năng động chính là lĩnh vực fintech. Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cuối năm 2015 Việt Nam có 39 công ty fintech, cuối năm 2022 con số này hơn 176 công ty. Đến nay Việt Nam có hơn 50 công ty fintech hoạt động trong lĩnh vực thanh toán và trung gian thanh toán và được NHNN cấp giấy phép hoạt động. Ngoài ra, thị trường Việt Nam có hơn 40 đơn vị cung cấp dịch vụ ví điện tử.
Ông Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, trong thời gian tới, xu thế chuyển đổi số sẽ tiếp tục gia tăng hơn nữa. Đơn cử như ứng dụng công nghệ thông tin cho thực thi pháp lý, hoặc công nghệ ứng dụng công nghệ thông tin cho cơ quan quản lý giảm sát. Ngoài ra, AI và gen AI sẽ vẫn tiếp tục tăng cường, tốc độ chuyển đổi số của Việt Nam trong thời gian qua rất nhanh, rất hiệu quả và được quốc tế thừa nhận.
Nếu không có mobile banking, Ngân hàng VIB cần đến 15.000 nhân viên ngồi quầy. Chuyển đổi số ngành ngân hàng là cần thiết để đảm bảo khả năng cạnh tranh của ngân hàng với các ngân hàng khác
ông Trần Nhất Minh, Phó tổng Giám đốc & Giám đốc Ngân hàng Số, Ngân hàng Quốc tế Việt Nam – VIB
“Kể cả Hàn Quốc, Nhật bản cũng đánh giá cao tiến trình ứng dụng AI trong ngành ngân hàng tại Việt Nam: Gen AI hay máy học (machine learning). Tất cả các công nghệ này thời gian tới sẽ được ngân hàng đẩy mạnh hơn nữa để tăng trải nghiệm cho khách hàng và gia tăng bảo mật”, Giám đốc Trung tâm Đào tạo, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho hay.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Frankie Wai, Giám đốc Giải pháp kinh doanh của Temenos AG cho biết, xu hướng chuyển đổi số có chiều hướng rất mạnh, trở thành làm sóng khắp toàn cầu, ngay cả trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt trong 8 năm gần đây. Từ nước có trình độ phát triển cao nhất đến nước có trình độ phát triển thấp nhất, từ Trung Quốc, Hàn Quốc cho đến Đài Loan, Hồng Kông, Malaysia, Philippines đều hòa mình vào chuyển đổi số.
Ông Frankie Wa đánh giá sự phát triển của ngân hàng số tại Việt Nam đạt được nhờ sự hỗ trợ tích cực từ các cơ quan chức năng và ngân hàng thành viên, cùng với nhiều sáng kiến thúc đẩy chuyển đổi số. Trong tương lai, các quốc gia trong khu vực chắc chắn sẽ tăng cường hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực thanh toán.
Chuyển đổi số ngành ngân hàng cần đến nỗ lực của cơ quan quản lý và cả ngân hàng
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số ngành ngân hàng không tránh khỏi những khó khăn, thất bại. Các diễn giả tại hội nghị đã chỉ ra những khó khăn mà các ngân hàng lớn hay bé gặp, kể cả những khó khăn mang tính đặc thù. Như quy trình thủ tục qua nhiều cấp gây tốn nhiều thời gian, có khi phải chờ nhiều năm mới được xét duyệt, lúc đó chi phí ước tính ban đầu đã không còn đủ và buộc phải làm lại kế hoạch từ đầu.
Chính vì vậy, bản thân nội tại ngân hàng cũng phải điều chỉnh để làm sao rút ngắn quy trình nội bộ mới có thể đẩy nhanh chuyển đổi số.
Vượt qua những khó khăn ban đầu, PVcomBank là ngân hàng đầu tiên Việt Nam triển khai thành công hệ thống Infinity của Temenos, theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Ngân hàng số tại PVcomBank.
Việc tích hợp giải pháp ngân hàng lõi của Temenos với hạ tầng đám mây AWS giúp nâng cao hiệu suất, khả năng mở rộng và bảo mật, hỗ trợ các ngân hàng tối ưu hóa chi phí và thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Đây là bước tiến quan trọng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và mang lại trải nghiệm khách hàng vượt trội.
Ông Eric Yeo, Giám đốc AWS Việt Nam
Cũng theo Giám đốc Ngân hàng số PVcomBank, bản thân PVcomBank từng có những khó khăn như trên trong triển khai chuyển đổi số ban đầu. Cụ thể, PVcombank từng thất bại trong dự án liên quan đến cho vay trực tuyến cách đây 5 năm. Bởi nghiên cứu và quy hoạch lại các quy định về sản phẩm tín dụng, có khoảng 600 trường dữ liệu khác nhau, hệ thống pháp chế của từng bộ phận khiến cho dự án không thể kéo dữ liệu tự đồng, quản lý kinh doanh… để thống nhất để đơn giản hóa các điều kiện khoản vay. Toàn bộ quy trình hệ thống sản phẩm quá phức tạp. Lãnh đạo chưa thống nhất….
Ngoài ra, các ngân hàng có vốn nhà nước còn phải đối mặt với khó khăn với thời gian/quy trình phê duyệt đấu thầu thực hiện dự án….
Tuy nhiên sự kiên trì, phân bổ để tối ưu nguồn lực đã giúp mang đến thành công khi mà chi phí mở mới tài khoản (tại PVcombank) tính theo mỗi khách hàng trước đây là 300 nghìn đồng/khách hàng giờ đây đã giảm chỉ còn 150 nghìn đồng/khách hàng.
Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia, ba yếu tố nổi bật tác động đến sự chuyển mình mạnh mẽ của ngành ngân hàng Việt Nam: khung pháp lý cởi mở, sự bứt phá của ngân hàng số, cũng như mối quan hệ hợp tác giữa các ngân hàng Việt Nam và quốc tế.
Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp lý nhằm chuyển đổi phương thức quản lý công nghệ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng theo hướng chủ động, kiến tạo song vẫn kiểm soát được rủi ro.
Không những vậy, theo ông Cấn Văn Lực, để chuyển đổi số nhanh các ngân hàng cần phải vượt qua 3 yếu tố: cam kết, quyết tâm của người đứng đầu; thuyết phục các bên liên quan bao gồm cả chi phí và lợi ích; chuyển đổi số nội bộ – quy trình nội bộ đã online, kết nối đồng bộ hay chưa? quy trình phê duyệt đấu thầu…
Chuyển đổi số ngành ngân hàng là cần thiết để đảm bảo khả năng cạnh tranh của ngân hàng với các ngân hàng khác, theo quan điểm của ông Trần Nhất Minh, Phó tổng Giám đốc & Giám đốc Ngân hàng Số, Ngân hàng Quốc tế Việt Nam – VIB.
Cũng theo ông Minh, sự thành công của chiến lược Cloud-First đã khẳng định tầm quan trọng của việc áp dụng các công nghệ đột phá như điện toán đám mây để duy trì tính cạnh tranh và phát triển bền vững của ngành ngân hàng.