Phát biểu tại hội nghị “Vietnam Banking Innovation Summit 2024”, ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Đào tạo, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho biết, ngành ngân hàng đang dẫn đầu xu thế đổi mới sáng tạo, thể hiện qua Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Các ngân hàng đã có những đột phá lớn về công nghệ, với sự đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ ngân hàng lõi để phục vụ cho quá trình chuyển đổi số.
“Tốc độ chuyển đổi số của Việt Nam trong thời gian qua không chỉ nhanh chóng mà còn hiệu quả, được cộng đồng quốc tế ghi nhận”, ông Sơn nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm đào tạo, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
Tại hội nghị, ông Michael Arenata, Dịch vụ Tài chính AWS – Ngân hàng ASEAN, Amazon Web Services, đã phân tích các xu hướng chính trong quá trình chuyển đổi số của ngành ngân hàng.
Cụ thể, ông Michael Arenata nhấn mạnh rằng mục tiêu dài hạn của ngành là cá nhân hóa trải nghiệm của khách hàng, tối ưu hóa quy trình kinh doanh và triển khai chuyển đổi số tiến bộ, tập trung vào các yếu tố thực sự quan trọng.
“Giai đoạn bắt đầu từ năm 2025 sẽ đánh dấu bước ngoặt cho các ngân hàng Việt Nam, với những đổi mới sâu sắc thúc đẩy thành công trong số hóa, tài chính toàn diện và nâng cao trải nghiệm của khách hàng”, ông Michael Arenata dự báo.
Trong khi đó, ông Zannettos Zannettou, Quản lý BSG – Công nghệ, Temenos AG, nhấn mạnh rằng các hệ thống ngân hàng lõi truyền thống đang cản trở sự đổi mới. Ông đánh giá các giải pháp tiên tiến như điện toán đám mây, dịch vụ vi mô, AI và blockchain sẽ giúp các ngân hàng Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng quy mô hoạt động và đảm bảo an ninh trong kỷ nguyên chuyển đổi số này.
Cùng quan điểm, PGS.TS. Ngô Xuân Bách, Phó Giám đốc Khối Sản phẩm AI, FPT Smart Cloud cũng đã nêu bật vai trò của Trí tuệ nhân tạo trong việc định hình tương lai của ngành ngân hàng.
Ông Bách đã chia sẻ những ứng dụng nổi bật của công nghệ này như chatbot thông minh, tư vấn tài chính tự động, sản phẩm tài chính cá nhân hóa, cũng như vai trò quan trọng của nó trong phát hiện gian lận, quản lý rủi ro và tuân thủ quy định. Những ví dụ thực tế từ các ngân hàng đã triển khai thành công Trí tuệ nhân tạo cho thấy công nghệ này không chỉ nâng cao trải nghiệm của khách hàng mà còn tối ưu hóa hoạt động và tăng hiệu quả kinh doanh.
80% các tổ chức tín dụng đã xây dựng chiến lược/kế hoạch và đang thực hiện triển khai chuyển đổi số
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, hiện trên 80% các tổ chức tín dụng đã xây dựng chiến lược/kế hoạch và đang thực hiện triển khai chuyển đổi số. Một số dịch vụ cơ bản đã được thực hiện hoàn toàn trên kênh số như mở tài khoản, thanh toán, chuyển tiền, tiền gửi tiết kiệm…. Nhiều ngân hàng đạt tỷ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số.
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán đã ứng dụng các công nghệ số tiên tiến để tối ưu hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động và trải nghiệm giao dịch khách hàng. Đồng thời đánh giá, phân loại khách hàng, quyết định giải ngân và tích hợp với nhiều hệ sinh thái đối tác khác nhau trong nhiều lĩnh vực. Đến tháng 9/2024, có 85 tổ chức tín dụng triển khai thanh toán qua Internet và 52 tổ chức triển khai thanh toán qua Mobile.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!